Một góc di sản Tràng An. (Ảnh Trường Huy)
Tỉnh Ninh Bình đã triển khai mô hình quản lý di sản theo phương thức hợp tác công-tư, nhằm kết hợp phát triển kinh tế, phát triển du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên.
Mô hình mẫu về quản lý di sản
Phương thức hợp tác này xác định rõ: Vai trò quản lý nhà nước của tỉnh là tập trung định hướng dựa trên cơ sở ban hành các Nghị quyết, quyết định về quản lý, bảo tồn di sản; ban hành chương trình phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045; cùng nhiều văn bản khác phù hợp với chủ chương, chính sách phát triển du lịch của Trung ương.
Nhiều năm qua, ngành du lịch Ninh Bình đã lập bản đồ, cắm mốc di sản; phối hợp Văn phòng UNESCO triển khai các dự án nâng cao năng lực quản lý di sản cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cơ sở; tổ chức nhiều lớp tập huấn lồng ghép tuyên truyền Luật Di sản, các văn bản của tỉnh về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tích cực tham mưu xây dựng chính sách phát triển du lịch.
Qua đó, nâng cao vai trò của người dân tham gia bảo vệ di sản; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc giải quyết các mâu thuẫn, vấn đề phát sinh liên quan đến di sản; thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh thực hiện tốt các cam kết trước UNESCO về bảo vệ di sản cho thế hệ sau. Không chỉ định hướng rõ nét, các cấp lãnh đạo tỉnh Ninh Bình mạnh dạn đổi mới tư duy, thực hiện thành công mô hình "hợp tác công-tư" trong quản lý bảo tồn di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững.
Chủ động tham gia hợp tác công-tư cùng quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản Tràng An có doanh nghiệp Xuân Trường. Đơn vị này đã bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích, nạo vét sông ngòi, hang động, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch nhiều khu, điểm du lịch ở Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc-Bích Động; Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính... trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Nhiều chuyên gia cho rằng ưu điểm của mô hình hợp tác công-tư trong quản lý di sản ở Ninh Bình là làm giảm tải gánh nặng ngân sách cho Nhà nước; đồng thời góp phần giải quyết việc quản lý, khai thác kém hiệu quả di sản. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An đã giúp Ninh Bình trở thành một trong những địa phương có tốc độ phục hồi và tăng trưởng du lịch nhanh sau đại dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Phạm Duy Phong cho biết: Năm khu du lịch ở Ninh Bình đón được đông khách nhất là Khu du lịch sinh thái Tràng An; chùa Bái Đính; vườn chim Thung Nham; hang Múa; vườn quốc gia Cúc Phương. Mỗi dịp cuối tuần, lượng khách du lịch đến Ninh Bình đạt từ 35.000 đến 40.000 lượt khách. Đến hết tháng 8/2022, Ninh Bình đón được hơn 2,47 triệu lượt khách, tăng gần 266,82% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 29.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.730 tỷ đồng, tăng 289,23% so với cùng kỳ năm 2021.
Tạo sinh kế trong du lịch bền vững
Quần thể danh thắng Tràng An trải rộng trên địa bàn 20 xã thuộc nhiều huyện của tỉnh Ninh Bình. Đây là di sản "sống", bởi vùng lõi hiện có 14.000 người dân sinh sống, tạo áp lực lớn đối với công tác bảo vệ di sản. Khó khăn như vậy, song ngành du lịch Ninh Bình kiên trì thực hiện Công ước 1972, thực hiện nghiêm Luật Di sản và các quy định liên quan; kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản.
Anh Hà Văn Ba, ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư cho biết: Từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ, nhiều hộ dân sinh sống ở vùng lõi di sản Tràng An, thuộc địa bàn xã Ninh Xuân đã chuyển sang làm dịch vụ phục vụ khách du lịch như chèo đò, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, làm thuyết minh viên... Thu nhập từ các khâu dịch vụ du lịch giúp người dân ổn định cuộc sống, không phải vất vả như trước đây.
Một số làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, như nghề thêu ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư được khôi phục. Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn thêu Minh Trang, ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết: "Từ khi khôi phục nghề thêu, xã Ninh Hải được nhiều khách du lịch quốc tế đến tham quan. Sản phẩm thêu ren tạo thêm thu nhập khá cao cho nông dân vùng di sản".
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định tại lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tổ chức mới đây ở Ninh Bình: "Khu di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đây chính là lý do UNESCO chọn Tràng An cùng với ba di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ".
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc phát triển du lịch ở Ninh Bình trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại một số khu, điểm du lịch còn hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp, quy mô nhỏ; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch.
Từ khi khôi phục nghề thêu, xã Ninh Hải được nhiều khách du lịch quốc tế đến tham quan. Sản phẩm thêu ren tạo thêm thu nhập khá cao cho nông dân vùng di sản.
(Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn thêu Minh Trang)
|
Điều đó có thể tạo ra áp lực mới giữa du lịch phát triển bền vững với bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều di sản. Do vậy, các địa phương có di sản cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Công ước 1972.
Đối với tỉnh Ninh Bình, cần kiện toàn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An. Từ đó thực hiện tốt việc định hướng nâng cao trách nhiệm quản lý tài nguyên di sản, quản lý trật tự xây dựng, bảo vệ mốc giới, môi trường vùng lõi, vùng đệm di sản Tràng An. Các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để du khách trong nước, quốc tế tham quan, tìm hiểu giá trị của di sản.
Khảo sát mới đây của ngành du lịch Ninh Bình cho thấy, ngoài 14.000 người dân cư ngụ tại vùng lõi, Ninh Bình có hàng nghìn hộ dân sinh sống lâu đời ở vùng đệm tạo thêm áp lực về sinh kế, gây khó khăn trong bảo vệ si sản, nếu như tỉnh không khẩn trương hoàn thiện, bổ sung các chính sách phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030.
Qua đó, tỉnh sẽ kịp thời hỗ trợ phát triển du lịch, phát huy lợi thế của địa phương hình thành các điểm du lịch mới; giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch như homestay thu hút khách lưu trú, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sinh kế cho người dân góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và tỉnh Ninh Bình cần nghiên cứu sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện ưu điểm, hạn chế từ công tác quản lý mô hình mẫu ở Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.
Từ đó, hình thành cơ sở khoa học khuyến cáo giữ gìn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, xác thực của di sản để giữ gìn di sản cho mai sau.
Lê Hồng