Giổi ăn hạt - Cây gia vị và làm thuốc
10/21/2019 8:47:00 PM
(VACNE) - Giổi ăn hạt, tên khoa học là Michelia tonkinensis A. Chev., họ Ngọc lan (Magnoliaceae), là cây cho hạt làm gia vị và làm thuốc.
TSKH. Trần Công Khánh
Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam
Hạt Giổi là đặc sản truyền thống của người dân ở nhiều vùng núi phía Bắc, được gọi là "vàng đen” của núi rừng Tây Bắc, đã bị khai thác cạn kiệt. Nay đến lượt rừng Tây Nguyên cũng lọt vào tầm ngắm của các nhóm “Giổi tặc”. Nơi nào có cây Giổi, bất kể đó là rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ đầu nguồn, cũng đều đối mặt với nguy cơ bị triệt hạ. Thời gian qua, đã có hàng trăm người đi từng đoàn vào Vườn quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắc Lắc) để tìm kiếm hạt Giổi. Họ chặt mỗi ngày hàng chục cây gỗ lớn, thu được cả tạ hạt Giổi để bán cho các đầu nậu.
Hình 1: Cây Giổi ăn hạt (nguồn: Internet)
Ở nước ta, có 13 cây mang tên “Giổi” trong các chi khác nhau của họ Ngọc Lan, như chi Michelia (7 loài), Manglietia (3 loài), Paramichelia (2 loài) và Tsoongiodendron (1 loài). Trong đó, có 3 loài thuộc chi Michelia vừa được dùng làm gia vị, vừa làm thuốc là M. balansae (DC.) Dandy, gọi là Giổi lông; M. mediocris Dandy, gọi là Giổi xanh, hay Giổi tanh; và M. tonkinensis A. Chev., gọi là Giổi ăn hạt được đề cập trong bài báo này.
Giổi ăn hạt (M. tonkinensis A. Chev.) là cây gỗ lớn, thường xanh, cao 20-30m, thân tròn, thẳng, cây trồng trên 20 năm có đường kính thân 40-60cm hoặc hơn, phân cành cao, gốc thân có bạnh vè nhỏ. Lá đơn, mọc so le, phiến lá hình bầu dục hẹp, dài 8-20cm, rộng 5-12cm, đầu lá có mũi nhọn ngắn, gốc lá tròn hay hình nêm; gân bên có 10-12 đôi nổi rõ; cuống lá dài 1-2cm. Lá kèm nhọn,
sớm rụng, để lại vết sẹo trên cành non. Hoa nhỏ, đơn độc ở đầu cành; cuống hoa dài 2,5-3,5cm; bao hoa nhiều mảnh, mọc vòng, chưa phân hoá thành đài và tràng, màu trắng hay vàng nhạt, có mùi thơm. Nhị nhiều, trung đới có mũi nhọn ngắn. Lá noãn nhiều. Nhị và lá noãn đều xếp xoắn ốc trên một trục hoa hình trụ ngắn.
Quả kép, dài 7-10cm, mang 3-5 lá noãn rời, vách dày, hình trứng hẹp, đầu nhọn, đáy thót lại; khi chín các đại tự mở theo đường hàn của mép lá noãn; mỗi đại có 2-5 hạt hình trứng hẹp, dài khoảng 1cm, có lớp áo hạt bao bọc màu đỏ. Hạt có tinh dầu thơm, vị cay. Mùa hoa tháng 4-5, quả tháng 8-10.
Hình 2: Vườn Giổi trồng ở Hòa Bình (nguồn: Internet)
Giổi là loài cây đặc hữu của khu vực nam Trung Quốc và Việt Nam, thường gặp ở vùng núi khắp nước ta, trong các rừng rậm thường xanh, mưa mùa nhiệt đới và á nhiệt đới, độ cao trên 700m, phân bố nhiều ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc nước ta như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang (Na Hang), đến các tỉnh Bắc Trung Bộ vào đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Gỗ Giổi là loại gỗ tốt, nhẹ, bền, có mùi thơm dịu, không bị mối mọt, cong vênh và dễ chế biến, thường được dùng làm bàn ghế, nhà cửa…. Nhiều nơi, nhiều lúc gỗ Giổi còn được ưa thích và có giá trị cao hơn gỗ Lim.
Ngoài gỗ, cây Giổi còn cho một đặc sản quý, đó là hạt Giổi. Cứ 14kg quả thì được 1kg hạt tươi và 10kg hạt tươi thì được 1,5kg hạt khô. Hạt Giổi dùng làm gia vị chấm xôi nếp, thịt lợn hay thịt gà là những món ăn khó quên khi đến thăm vùng Tây Bắc.
Do cây Giổi ăn hạt có giá trị kinh tế cao nên người Mường ở Hòa Bình và một vài nơi khác đang phát triển trồng, có gia đình ở xã Chí Đạo (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) thu nhập từ Giổi trên 100 triệu đồng/năm. Có cây Giổi trị giá bằng cả cây vàng. Giá thị trường hiện nay lên đến 2,5 triệu đồng/1kg hạt Giổi khô.
Hình 3: Hạt Giổi khô (nguồn: Internet)
Về hóa học và tác dụng sinh học: Theo H.V. Oanh và cs. (T/c Dược liệu, tập 23, số 4/2018), hàm lượng tinh dầu trong hạt Giổi thu hái ở Hòa Bình dao động từ 9,11 ± 0,66% đến 11,88 ± 0,44% (hạt tươi), và 5,16 ± 0,21% (hạt khô). Các hợp chất trong tinh dầu chủ yếu là safrol. Theo N.X. Dũng (1997) thì trong tinh dầu Giổi có các chất safrol, isosafrol, methyl eugenol, camphor , α-caryophyllen và elemicin.
Bước đầu xác định tinh dầu hạt Giổi có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn Candida albicans và Staphylococcus aureus, dùng trong hương liệu và bảo quản thực phẩm. Người dân địa phương cho biết thịt được ướp hạt Giổi có thể giữ trong thời gian dài mà không bị ruồi, bọ tấn công.
Hạt Giổi có mùi thơm, vị cay, tính ấm; làm thuốc chữa ho, ngâm rượu để uống và xoa bóp trị phong thấp, nhức mỏi gân xương, trị đau bụng, ăn không tiêu. Hạt Giổi còn được dùng làm gia vị chấm các loại thịt luộc (hạt Giổi nướng phồng, giã nhỏ, thêm muối/nước mắm), hoặc cho vào nước phở (vài hạt đã nướng, không giã). Dùng đến đâu, nướng đến đấy mới thơm. Đặc biệt, hạt Giổi giã nhỏ là một gia vị tuyệt vời cho món tiết canh, một trong những món ăn được ưa chuộng ở nhiều vùng núi nước ta.
Vỏ cây Giổi được dùng làm thuốc chữa sốt, cảm cúm, phong thấp, với liều 20-30g, sắc uống (theo L.y L.T. Chấn), kích thích tiêu hoá, trị đau bụng, ăn không tiêu.
Gỗ Giổi có giác và lõi phân biệt; giác màu vàng nhạt, lõi màu vàng nâu, có mùi thơm, không bị mối mọt, cong vênh, lại nhẹ và bền, nên là một trong những loại gỗ được ưa chuộng trong xây dựng nhà cửa và đóng đồ gỗ.
Giổi ăn hạt là cây gỗ quý, đa tác dụng. Hạt Giổi làm gia vị còn được gọi là “vàng đen”. Vì vậy, mà nhiều rừng Giổi đã bị chết oan vì thứ hạt quý này! Cây Giổi cao, thẳng đứng, trèo lấy quả rất nguy hiểm, nên nơi nào có cây Giổi mọc, bất kể đó là rừng bảo tồn, rừng phòng hộ đầu nguồn, cũng đều đối mặt với nguy cơ bị triệt hạ cả cây chỉ để lấy hạt (!).
Các cơ quan chức năng ở địa phương có cây Giổi cần hướng dẫn cho người dân biết cách thu hái bền vững, đồng thời cần có biện pháp ngăn chặn cách khai thác tài nguyên theo kiểu “chặt hạ cả cây để lấy quả”. Nếu không có biện pháp bảo tồn tài nguyên hữu hiệu thì “rừng vàng” của đất nước ta sẽ nhanh chóng bị biến mất.
Chú ý: Không nhầm hạt Giổi với “Mắc khén”, cũng là một loại gia vị đặc biệt, được dùng trong hầu hết các món ăn chính của đồng bào Tây Bắc. Hai loài này thuộc hai họ thực vật hoàn toàn khác nhau. Mắc khén còn gọi là Hoàng mộc hôi, tên khoa học là Zanthoxylum rhetsa DC., họ Cam (Rutaceae). Quả và hạt Mắc khén có mùi thơm hơn nhiều so với hạt Tiêu, và đặc biệt là có cảm giác hơi tê lưỡi khi nếm.
Hình 4: Quả Mắc khén (nguồn: Internet)
Lượt xem : 4211