Vietnamese English
Giờ Trái Đất 2021:"Lên tiếng vì Thiên nhiên"

3/22/2021 7:01:00 AM

Ngày 27/3 năm nay, một lần nữa hàng triệu người dân trên Trái đất sẽ cùng nhau đoàn kết, thể hiện quyết tâm bảo vệ Thiên nhiên bằng cách tắt đi những ngọn đèn không cần thiết vào lúc 8.30 tối (giờ địa phương). Năm nay, Giờ Trái Đất tại Việt Nam có thông điệp "Lên tiếng vì Thiên nhiên" trong đó kêu gọi mọi người hãy "lên tiếng" hồi đáp với lời kêu cứu của Thiên nhiên bằng những hành động cụ thể nhất. Chương trình cũng nhấn mạnh hai trong những vấn đề môi trường lớn nhất hiện nay là Biến đổi khí hậu và Rác thải nhựa trong tự nhiên.

Giờ[-]Trái[-]Đất[-]2021:"Lên[-]tiếng[-]vì[-]Thiên[-]nhiên"

 
Giờ Trái Đất quốc tế
 
Vào 20h30 thứ Bảy, ngày 27 tháng 3 năm 2021 sẽ diễn ra sự kiện Giờ Trái Đất, một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường, quy tụ hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới cùng nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề cấp bách của toàn cầu – cuộc khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và thiếu hụt các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên năng lượng, diễn ra với tốc độ chưa từng có. Tắt đèn trong vòng một giờ - biểu thị ý thức của con người đối với tiết kiệm năng lượng, và hơn thế nữa là với các nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học và thiên nhiên nói chung. Giờ Trái Đất 2021 cũng là dịp chúng ta suy ngẫm về mối liên hệ giữa việc tàn phá Thiên nhiên và sự bùng phát của những dịch bệnh toàn cầu như Covid-19, cũng như kêu gọi sự đoàn kết của hàng triệu người qua hình thức trực tuyến, cùng lên tiếng vì Thiên nhiên. Sự kiện toàn cầu này diễn ra ngay trước cột mốc mà các nhà lãnh đạo trên thế giới cần đưa ra những quyết sách quan trọng về Thiên nhiên, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, định hướng tương lai của nhân loại.
 
Một loạt các thảm họa nhân loại diễn ra trên toàn thế giới trong năm 2020, bao gồm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng trên diện rộng và sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy việc ngăn chặn những tổn thất của Thiên nhiên là hành động cấp bách để bảo vệ tương lai của chính chúng ta. Báo cáo đánh giá về các mục tiêu đa dạng sinh học năm 2020 đã chỉ ra rằng thế giới đã không đạt được các mục tiêu ngăn ngừa tổn thất Thiên nhiên được đề ra cách đây một thập kỷ. Chính vì vậy, Giờ Trái Đất là một thời khắc then chốt để các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, doanh nghiệp và các nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới xây dựng lộ trình phục hồi cho Thiên nhiên vào năm 2030.
 
Các hệ sinh thái tự nhiên khoẻ mạnh là nền tảng để các xã hội phát triển thịnh vượng, bình đẳng và bền vững. Các mô hình kinh tế - xã hội hiện tại của chúng ta đang tàn phá thiên nhiên một cách khốc liệt, khiến chúng ta dễ bị tổn thương trước các đại dịch, đẩy nhanh biến đổi khí hậu và khiến sinh kế gặp rủi ro. Năm 2021 là một năm quan trọng đối với nhân loại. Khi thế giới cố gắng lật ngược tình thế và phục hồi sau những thiệt hại từ đại dịch COVID-19 và xây dựng lại, chúng ta cần tập trung nỗ lực phục hồi Thiên nhiên để bảo vệ nền kinh tế và xã hội của chúng ta trong tương lai.
 
Giờ[-]Trái[-]Đất[-]2021:"Lên[-]tiếng[-]vì[-]Thiên[-]nhiên"
Banner tuyên truyền Giờ Trái Đất 2021
tại Việt Nam
 
Giờ Trái Đất tại Việt Nam
 
Trước tốc độ mất đa dạng sinh học với tốc độ chưa từng có và sự suy thoái nghiêm trọng của Thiên nhiên, tại Việt Nam, Giờ Trái Đất kêu gọi tất cả mọi người cùng “Lên tiếng vì Thiên thiên”, tập trung vào hai chủ đề Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính và Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên. Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thoả thuận Khí hậu Paris đã đặt ra, và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.
 
Giờ Trái Đất năm nay được đồng tổ chức bởi WWF, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương. Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Giờ Trái Đất tại Việt Nam năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động trực tuyến và mạng xã hội.
 
Đặc biệt, một Toạ đàm với chủ đề về Giờ Trái Đất, dự kiến, sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 lúc 20h00 ngày 27 tháng 3. Chương trình là một diễn đàn trong đó các nhà hoạch định chính sách trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các cá nhân sẽ chia sẻ những thách thức về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt, kế hoạch hành động quốc gia và những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các vấn đề đó. Những mô hình thành công, những câu chuyện đổi thay được chia sẻ trong toạ đàm cũng hy vọng có thể truyền cảm hứng hành động tới công chúng.
 
Truyền thông mạng xã hội cũng sẽ được bắt đầu từ ngày 19 tháng 3 với tiêu điểm là ngày Giờ Trái Đất 27 tháng 3, tập trung vào hai vấn đề phát thải khí nhà kính và rác thải nhựa. Thử thách 30 ngày sống xanh sẽ mở đầu cho chiến dịch GTĐ trên mạng xã hội, trong đó kêu gọi và truyền cảm hứng cho các cá nhân thực hiện các hành động thân thiện với môi trường như một tuần đi xe đạp, ăn chay, không bỏ phí thức ăn, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, công sở và nơi công cộng, v.v. Người tham gia sẽ chia sẻ hình ảnh thực hiện thử thách của mình và kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia.

Về thông điệp LÊN TIẾNG VÌ THIÊN NHIÊN

 

Thiên nhiên không cất lời. Nhưng chưa bao giờ ngưng kết nối và trò chuyện với chúng ta. Những đợt bão lũ, hạn hán, thời tiết khắc nghiệt, v.v. là những tín hiệu Thiên nhiên phát ra để chúng ta biết Thiên nhiên đang tổn thương và kiệt quệ đến chừng nào.
 
Hơn bao giờ hết, Thiên nhiên cần chúng ta yêu thương và giúp đỡ. Bằng những cách khác nhau, phù hợp với mỗi con người, chúng ta đều có thể “lên tiếng” hồi đáp lại Thiên nhiên theo cách riêng của mình. Mọi tiếng nói dù nhỏ bé đến đâu, nhưng khi được cất lên cùng nhau, thì những thì thầm nhỏ bé của mỗi cá nhân sẽ trở thành mạnh mẽ. 
 
Người nghệ sĩ lên tiếng bằng “Giọng hát”, bằng những “Bức hình”. Nhà khoa học lên tiếng bằng “Sự bền bỉ” nghiên cứu những sáng chế bảo vệ môi trường. Người nông dân lên tiếng bằng “Nỗ lực” không ngừng trở về với nông nghiệp thuận tự nhiên. Những nhà hoạch định chính sách lên tiếng bằng việc “Lắng nghe” để quyết định. Doanh nghiệp lên tiếng bằng những “Cải cách kinh tế nhân văn”. Có người lên tiếng bằng “Lời cảm ơn”. Có người lên tiếng bằng “Sự thúc giục”. Có người lên tiếng bằng “Ước mơ”. Có người lên tiếng bằng “Nỗi nhớ” về một vùng biển đã từng xanh tươi. Có người lên tiếng bằng những “Hành động đời thường” giảm thiểu rác thải nhựa…
 
Mỗi người bằng những thứ-tiếng, ngôn-ngữ khác nhau mang trong đó những sắc thái và tone giọng của riêng mình. Bằng cách của riêng họ, và tác động tới chúng ta theo những cách riêng. Đa bản sắc và chân thật. Tất cả cùng nhau tạo nên một tiếng đồng thanh vang vọng: Vì Thiên nhiên.

LÊ NGUYỄN PHƯƠNG MAI

(Theo Tin Môi Trường)

Lượt xem : 1568