Tác phẩm "Giang sen và Bồ nông" (tác giả Nguyễn Thị Thanh Hồng), giải Ba triển lãm ảnh "Chim hoang dã Việt Nam". Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Lễ trao giải và khai mạc trưng bày các tác phẩm tiêu biểu nhất vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm Ngày quốc tế chim di cư (14/10/2023). Cuộc thi và triển lãm ảnh "Chim hoang dã Việt Nam" là sáng kiến, được Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam (thuộc Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam) phối hợp một số đơn vị đối tác tổ chức và được Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh bảo trợ nghệ thuật. Đáng chú ý, toàn bộ kinh phí thu được sẽ dành cho việc nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng trong khu vực và trên thế giới về sự đa dạng của các loài chim hoang dã, di cư. Hơn 900 loài chim, trong đó chim di cư chiếm 1/3, được tìm thấy trong các hệ sinh thái trải dài từ vùng rừng núi Trường Sơn đến các vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều loài chim đặc hữu và quý hiếm cần được bảo vệ như trĩ sao, gà lôi lam, gà tiền, khướu Ngọc Linh, khướu Konkakinh, mi Langbian, rẽ mỏ thìa, sếu đầu đỏ... Mặt khác, tình trạng săn bắt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép chim hoang dã vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, môi trường sinh thái. Cuộc thi ảnh nhằm giới thiệu rộng rãi đến người xem trong nước và quốc tế vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức và tăng cường hành động của cộng đồng.
Tác phẩm đoạt giải Nhất: Trèo cây lưng đen - (tác giả Huỳnh Thanh Danh). Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Bức ảnh đoạt giải cao nhất chụp loài chim trèo cây lưng đen (tên tiếng Anh: Beautiful Nuthatch) của tác giả Huỳnh Thanh Danh, một dược sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh đam mê thể loại nhiếp ảnh chụp chim hoang dã. Trèo cây lưng đen nằm trong Sách đỏ ở mức sắp nguy cấp, phân bố hẹp tại những vùng núi cao.
Ở Việt Nam, loài này được các nhà điểu học Pháp ghi nhận từ hàng trăm năm trước, song trong một thời gian rất dài không ai chụp được ảnh. Cho tới gần đây, chúng được tìm thấy tại Kỳ Sơn (Nghệ An), Mù Cang Chải (Yên Bái). Bên cạnh đó, nhiều loài chim quý hiếm khác cũng được các nhiếp ảnh gia ghi lại, như hồng hoàng, gà lôi tía, hạc cổ trắng, rẽ mỏ thìa...
Ban tổ chức trao giải thưởng Ấn tượng cho các tác phẩm chụp "Chim quý hiếm" là bức "Bồ câu Nicoba" của tác giả Nguyễn Ngọc Vinh; "Chim di cư ven biển" là bức "Te mào" của Bùi Thành Trung; "Chim đặc hữu" là bức "Trèo cây mỏ vàng" của Trần Nhật Tiên.
Theo chuyên gia điểu học Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh: Ngoài những tiêu chí cơ bản như ảnh đẹp, chim quý..., bức ảnh chim hoang dã phải có ý nghĩa về bảo tồn, thí dụ tấm ảnh chụp một con công đang bay trong tự nhiên được đánh giá cao vì độ khó.
Trên thực tế, chim công có thể được bắt gặp trong vườn thú, chứ trong môi trường hoang dã thì rất hiếm hoi vì bản tính nhút nhát cộng với số lượng cá thể ít ở mức nguy cấp.
Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Hoài Trung nhấn mạnh: Thể lệ cuộc thi nêu rõ không chấp nhận những tác phẩm chụp tổ chim, chim non, chim bố mẹ đang ở gần tổ, chim trong môi trường nuôi nhốt phi tự nhiên... nhằm hạn chế các tác giả gửi ảnh chụp có tính chất sắp đặt, can thiệp đến môi trường sống của đối tượng.
Ông cũng bày tỏ sự vui mừng khi ngày càng nhiều người yêu thích quan sát chim cùng các nhà bảo tồn và nhiếp ảnh gia thiên nhiên tham gia phong trào tìm hiểu, chụp ảnh, lan tỏa thông tin về các loài chim quý hiếm hoặc bị đe dọa tuyệt chủng tại Việt Nam. Trong dịp này, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã Việt Nam chính thức được thành lập, tiếp tục góp tiếng nói bảo tồn các loài chim hoang dã Việt Nam qua nhiều hoạt động như cuộc thi, triển lãm, tour thực tế sáng tác, xuất bản ấn phẩm, trò chuyện về môi trường tại các trường học...
Đề tài chim hoang dã đã manh nha từ lâu với nhiều tên tuổi nhiếp ảnh gia như Tăng A Pẩu, Nguyễn Trường Sinh, Toby Trung, Võ Quốc Thuần... Được coi là thể loại nhiếp ảnh "đốt tiền" vì đòi hỏi thiết bị hiện đại cũng như nhiều công sức tìm kiếm, song nhiếp ảnh chụp chim hoang dã phát triển mạnh trong cộng đồng yêu ảnh Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng), người vừa giành Giải ba cuộc thi "Chim hoang dã Việt Nam" với tác phẩm "Rẽ cổ đỏ", chia sẻ: "Các loài chim tuy gần gũi trong đời sống quanh ta nhưng rất khó chụp vì kích thước thường nhỏ, tốc độ nhanh. Muốn bắt được một khoảnh khắc không chỉ cần kỹ năng chụp ảnh mà còn phải có kiến thức về hành vi, môi trường và cực kỳ kiên nhẫn".
Thời gian qua, các nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học nói chung, bảo vệ chim hoang dã nói riêng của Việt Nam đã và đang có nhiều đổi mới, đạt những thành tựu nhất định. Chỉ thị số 04/ CT-TTg ngày 17/5/2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam là một công cụ pháp lý quan trọng trong "cuộc chiến" chống săn bắt tận diệt và hủy hoại môi trường sống của chim hoang dã.
Với thế mạnh của mình, nhiếp ảnh cũng tích cực tuyên truyền, quảng bá tới công chúng các giá trị quan trọng của muôn loài và kêu gọi bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh Việt Nam.
Hải Lâm