Giao thông hướng đến giảm phát thải
3/27/2021 7:19:00 AM
Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc UBND thành phố Hà Nội tạm thời sử dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá của loại hình xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén tự nhiên (CNG) trong thời gian thí điểm (không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu thí điểm) để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup.
Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị của Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số cả nước. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa và cơ giới hóa nhanh dẫn đến lưu lượng giao thông tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung ngày càng gia tăng.
Một khảo sát cho thấy, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà chủ yếu là xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy là những nguồn chính phát thải khí ôxit cácbon (CO), hyđrô cácbon (HC), các ôxít nitơ (gọi chung là Nox), bụi thải (PM) và các độc tố có trong nhiên liệu như benzen... gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm không khí đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
|
Mật độ giao thông tại các thành phố lớn đang quá tải |
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bụi lơ lửng từ các phương tiện giao thông thải ra ở TP.HCM có lúc vượt hơn 72% vượt tiêu chuẩn cho phép… Còn ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2…
Nhằm hạn chế phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải (GT-VT), Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đồng ý cho Hà Nội thí điểm cơ chế giá vận hành xe buýt điện trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc UBND thành phố Hà Nội tạm thời sử dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá của loại hình xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén tự nhiên (CNG) trong thời gian thí điểm (không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu thí điểm) để thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup.
Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Vingroup, đơn vị này sẽ vận hành 10 tuyến xe buýt chạy điện và cam kết đầu tư 150-200 phương tiện xe buýt điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư Trung tâm quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối, bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành của hệ thống xe buýt điện.
Trước đó, Dự án Hỗ trợ Bộ GT - VT thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước Châu Á” (NDC-TIA) do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn nguyên tử CHLB Đức tài trợ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức là đối tác thực hiện chính, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện, nhằm hỗ trợ Bộ GT-VT tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GT-VT theo hướng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện NDC của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho biết.
Cụ thể, dự án hỗ trợ kỹ thuật Bộ GT-VT gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho quốc gia và một thành phố để thúc đẩy sự ra đời và phát triển bền vững của các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện tiên tiến, hiện đại, không phát thải tại Việt Nam. Xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến 2050 theo hướng phát triển phát thải các-bon thấp nhằm xác định các hành động giảm nhẹ tiềm năng trong GT-VT góp phần thực hiện NDC Việt Nam. Xây dựng quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) điện tử về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không của ngành GT-VT nhằm tăng cường sự minh bạch về phát thải khí nhà kính trong GT-VT.
Tháng 9/2020 vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành cập nhật NDC và là một trong 20 quốc gia đệ trình báo cáo này sớm nhất lên Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. So với NDC đầu tiên được xây dựng năm 2015, mức đóng góp của NDC cập nhật năm 2020 đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỉ lệ giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
Như kế hoạch, dự án bắt đầu triển khai từ tháng 6/2020, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các hoạt động của dự án đều bị chậm so với tiến độ được phê duyệt. Thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm thời được kiểm soát, song diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn hết sức phức tạp, các chuyên gia quốc tế chưa thể đến Việt Nam để hỗ trợ thực hiện dự án. Do đó, Vụ Môi trường với tư cách là chủ dự án cần phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức và các đối tác thúc đẩy triển khai các hoạt động của dự án, bảo đảm chất lượng và ứng dụng kết quả, sản phẩm của dự án trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ GT-VT.
Được biết, dự án NDC-TIA được triển khai đến hết tháng 12/2023. Nguồn vốn thực hiện dự án NDC-TIA tại Việt Nam là 4 triệu Euro sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ CHLB Đức. Nguồn kinh phí hỗ trợ dự án được quản lý và giải ngân thông qua Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ. Vốn đối ứng của Việt Nam đóng góp bằng nguồn nhân lực của Bộ GT-VT và cơ sở vật chất tương ứng 400 nghìn Euro.
Hữu An/TBNH
Lượt xem : 1215