Vietnamese English
Giải pháp phục hồi hệ sinh thái và ĐDSH ở Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)

6/3/2021 6:32:00 AM

(VACNE - Website Hội xin giới thiệu bài viết quan trọng dưới đây của GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch VACNE nhân ngày MTTG 5/6/2021 với thông điệp "Phục hồi hệ sinh thái"

GIẢI PHÁP PHỤC HỒI HỆ SINH THÁI VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC Ở VIỆT NAM TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ (CMCN 4.0)

GSTSKH. Đặng Huy Huỳnh  

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam  

 

Tóm tắt:


Bài tham luận này đề cập sự cần thiết phải liên kết các giải pháp để phục hồi chất lượng hệ sinh thái (HST) và đa dạng sinh học (ĐDSH), hiện trạng, xu thế diễn biến HST và ĐDSH trong thời đại cách mạng Công nghiệp Lần thứ tư (CMCN 4.0) tình trạng ô nhiễm môi trường cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt và gần đây đại dịch Covid-19 đang hoành hành gây thiệt hại nặng nề đến nền kinh tế và sức khỏe con người. Đề xuất giải pháp phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học bằng sức mạnh tổng hợp của 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN - Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ, nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ nhất định đạt được khát vọng phát triển một đất nước an bình hùng mạnh thịnh vượng và hạnh phúc.

 


GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh -Một đời người và ngàn rừng cây

  

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh trong chuyến đi thực địa

 

Mở đầu:

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2021) đã đề cập và nhấn mạnh. Đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới - phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, lấy Bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và bền vững tài nguyên, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái [1].

I- Hiện trạng xu thế diễn biến hệ sinh thái (HST) và đa dạng sinh học trên toàn cầu và ở Việt Nam.

Hiện nay thế giới cũng như ở Việt Nam đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng thách thức lớn đã và sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội - và môi trường. Đó là biến đổi khí hậu suy giảm các HSTE mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường. Bộ ba này sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế và sức khỏe của nhân loại trong đó có nhân dân Việt Nam.

1. Vai trò, chức năng, giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Giá trị to lớn của hệ sinh thái trên đất liền ở Đại dương và ĐDSH không riêng đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Chính vì vậy bà Helenclauk Tổng Giám đốc UNDP khẳng định hệ sinh thái và ĐDSH là tài sản vô giá của loài người ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn cuộc sống. Sự tồn tại của mỗi con người và cuộc sống bình yên có chất lượng cao của toàn nhân loại phụ thuộc rất nhiều vào HST khỏe mạnh và ĐDSH trên trái đất nếu tài sản vô giá này bị suy giảm hoặc mất đi chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ về môi trường sống mà còn tác động đến sức khỏe con người, sản lượng cây trồng vật nuôi và nguồn nước...[2].

- Theo Costan Za et al (2014) đánh giá về giá trị của các dịch vụ HST toàn cầu ước tính là 33 nghìn tỷ USD/ vào năm 1997 và khoảng 46 nghìn tỷ USD vào năm 2007 và 125 nghìn tỷ USD vào năm 2011. Đây là con số rất ấn tượng về giá trị dịch vụ của HST trong phát triển bền vững (PTBV) gồn 4 chức năng: i. (Điều tiết) ii mới sinh: iii / Sản xuất: iv / Thông tin. Các chức năng của HST là khả năng của các quá trình và nhân tố tự nhiên có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của con người cả trực tiếp và gián tiếp. Các chức năng của HST được hình thành như một tập hợp con của quá trình và cấu trúc HST, mỗi chức năng là kết quả của quá trình, các quá trình về phần mình lại là kết quả các tương tác phức tạp của các nhân tố hữu sinh và lý - hóa của HST Groot et al (2002). Tuy nhiên do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, HST không bền vững mà mỗi năm dịch vụ HST mất đi khoảng 4,3 - 20 nghìn tỉ USD. Đó là điều cần phải suy nghĩ để giá trị của HST không bị tổn thương [3].

- Theo báo cáo của Ngài Tổng Giám đốc UNEP (2021) ông Antomo Guterres. "Sự phát triển kinh tế quá nhanh, khiến hành tinh phải trả giá đắt, phát triển kinh tế toàn cầu đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua do hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong đó có rừng, đa dạng sinh học và năng lượng tăng gấp 3 lần, dù thu nhập của người dân ở một số nước trên thế giới tăng gấp đôi nhưng có khoảng 1,3  tỷ người vẫn ở mức nghèo, 700 trăm triệu người thiếu ăn.

- Tình trạng phá hủy HST rừng, HST biển đã khiến nền kinh tế thế giới mất từ 2 - 5000 tỷ USD mỗi năm, suy giảm nghèo kiệt HST kéo theo mất đa dạng sinh học, con người không được hưởng dịch vụ miễn phí; nước sạch, không khí sạch và sẽ đẩy nhanh sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật. Dự báo nếu chưa ngăn chặn được tình trạng phá hủy làm suy giảm HST trên đất liền và đại dương thì có khoảng 1 triệu loài thực vật, động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng (IUCN) [4].

Đối với nước ta trước thảm họa do biến đổi khí hậu, ngày càng gay gắt, tình trạng xâm chiếm HST rừng, săn bắn động vật nguy cơ diện tích HST rừng tự nhiên trên đất liền, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển... ngày càng thu hẹp, các hệ sinh thái bị phá hủy đa dạng sinh học, nghèo kiệt cùng với nạn ô nhiễm môi trường ở thành thị cũng như nông thôn, đặc biệt các vùng biển, ven biển ngày càng trầm trọng. Là mối đe dọa lớn đối với cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sống đối với 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam trong những thập kỷ tới, do các hành động xâm hại rừng (khai thác gỗ, săn bắt, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình...) trái pháp luật, đặc biệt chưa ngăn chặn được sự tuyệt chủng của các loài thực vật, động vật nằm trong danh mục loài cần ưu tiên bảo vệ (các loài thực vật, động vật đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 2020, tăng lên 329 loài so với năm 2007 (136 loài TV - 193 loài động vật).

- Theo các nhà nghiên cứu dự báo xu thế diễn biến tiêu cực hiện nay và những thập kỷ đến do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường bị ô nhiễm sẽ làm suy giảm tới 80% tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Hãy biết rung cảm đau xót khi chỉ hơn 40 năm qua của cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI quần thể các loài động vật có xương sống, hoang dã đã bị suy giảm một cách đáng kinh ngạc.

Xín lấy loài tê giác trắng ở Cộng Hòa Nam Phi làm ví dụ từ năm 2013 mỗi năm đã mất 1000 cá thể do nạn săn bắn trộm lấy sừng, tại Cộng hòa Dân chủ Congo những năm 1990 (TK XX) - Loài tê giác trắng phương Bắc hầu như đã bị tuyệt chủng trong thiên nhiên [5] trong khi đó ở Việt Nam cũng có trên 6 loài động vật có vú (Mammalia) bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên và gần đây nhất đầu thế kỷ XXI (năm 2010) cá thể tê giác một sừng (Rhinoceros Sondaicus) đã bị tuyệt chủng tại HST rừng ẩm Cát Lộc (VQG Cát Tiên - tỉnh Đồng Nai) [6].

Đây là điều rất đáng báo động, đáng suy ngẫm của tất cả mọi người đang sống trong thời đại CMCN 4.0 để hiện tượng suy giảm HST - Tuyệt chủng các loài trong thiên nhiên sẽ không bao giờ xảy ra trên toàn cầu và trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Hãy cùng nhau hành động ngay vì các HST khỏe mạnh, vì phúc lợi của ĐDSH, vì sự bình yên và hạnh phúc của mọi người hiện nay và thế hệ nối tiếp.

II- Tại sao phải phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở Việt Nam.


- Ý thức rằng hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân tạo và đa dạng sinh học trên hành tinh nói chung và ở Việt Nam nói riêng là một tài sản vô giá đối với sự tồn tại và phát triển của 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam là nền tàng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Thực vậy, HST trên đất liền trong đại dương và đa dạng sinh học ngay từ thuở sơ khai cho đến thời kỳ cách mạng công nghiệp xuất hiện qua các giai đoạn cách mạng công nghiệp, từ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (CM CN1.0) cho đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) không những góp phần duy trì cân bằng hóa học trên trái đất làm ổn định khí hậu, mà còn cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp các sản phẩm cần thiết phục vụ cho mọi phúc lợi cho xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh quốc phòng hiện nay và trong tương lai.

Có thể khẳng định vai trò, vị trí quan trọng chức năng HST tự nhiên cũng như HST nhân tạo đều có chức năng cực kỳ quan trọng trong gìn giữ sự cân bằng, ổn định môi trường tự nhiên, môi trường xã hội phục vụ cho sự bình an và hạnh phúc của con người, của dân tộc, của đất nước bởi giá trị to lớn không gì có thể thay thế được. Vai trò của HST rừng trên đất liền, rừng ngập mặn, vùng biển và đa dạng sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhất là HST khu vực rừng đầu nguồn nhằm kiểm soát ngăn chặn xói mòn, điều tiết khí hậu giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ cải tạo đất, lưu trữ cacbon, là lá phổi xanh, là bức bình phong khổng lồ cho an ninh môi trường, an ninh quốc phòng cho an sinh xã hội, cho sức khỏe của con người và động vật mà còn là một barie địa hóa góp phần lưu giữ, che chắn các chất thải từ vùng đất liền, từ các cửa sông ra biển. Theo ông Janowiak ở trường Đại học Kentucky (Hoa Kỳ) thì một hecta HST trảng cỏ được bảo vệ tốt có thể dự trữ tới 130-150kg carbon, trong 1 ngày/đêm còn một hecta rừng tự nhiên, có khả năng tích lũy được 120-180 tấn carbon đồng thời giải phóng ra 180-200 tấn oxi; trong một năm, cứ mỗi một HST cây xanh hay cây công nghiệp sẽ ngăn cản 50-70 tấn bụi và làm giảm được khoảng từ 30-40% lượng bụi bẩn trong môi trường không khí [7].

Nhìn nhận đánh giá vai trò của HST và đa dạng sinh học.

- Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thuộc liên hiệp quốc đã đánh giá vai trò, vị trí của HST rừng, đa dạng sinh học trong cuộc sống và phát triển của nhân loại như: Các hệ sinh thái rừng trên đất liền và đại dương, hệ sinh thái rừng ngập mặn và đa dạng sinh học là đồng minh mạnh mẽ giúp cho hành tinh chống đỡ lại với biến đổi khí hậu bởi vì các HST rừng cùng cây cối trên trái đất này đang hút, khoảng 400 tỷ tấn cacbon và thải ra khoảng 200 tỷ tấn oxy để đảm bảo sự sống cho con người.

Với giá trị to lớn của HST và ĐDSH đối với cuộc sống hiện tại và tương lai không có gì có thể thay thế được. Nhưng chính con người đã góp phần làm tổn thương đến HST và đã mang lại hậu quả khôn lường. Vì vậy, con người phải có trách nhiệm phục hồi lại HST.

III- Đề xuất giải pháp phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

1. Với ý nghĩa, chức năng vai trò của HST và ĐDSH đối với nhân loại nên hàng năm Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 5 tháng 6 là ngày Môi trường thế giới (World Environment Day). Năm 2021 Đại hội đồng LHQ đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (Ecasystern Rectoration) cùng với đó là ngày quốc tế về đa dạng sinh học 22/5/2021 với chủ đề chúng ta là một phần của các giải pháp về thiên nhiên (We are part of the solution for Nature).

- Theo các nhà khoa học việc phục hồi hệ sinh thái đúng cách dựa trên cơ sở khoa học. Cơ thể giúp bảo tồn được gần 70% số loài sinh vật trước nguy cơ bị tuyệt chủng và giúp hấp thụ 50% lượng CO2 mà con người đã thải vào khí quyển kể từ cuộc CMCN. (Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu về kế hoạch "chữa lành" trái đất được công bố ngày 14 tháng 10 năm 2020.

Theo ông Bernardo Strassburg Giám đốc quốc tế nghiên cứu phát triển bền vững (PTBV).

Việc nỗ lực phục hồi các HST sẽ đóng góp lớn giúp nhân loại vượt qua cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học sẽ mang lại lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế để phục hồi tăng trưởng  kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

2. Hưởng ứng sự kiện quan trọng này Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã tham gia hưởng ứng từ những thập kỷ 1982 của thế kỷ XX cho đến nay đã trở thành phong trào rộng lớn với sự tham gia của 63 tỉnh thành phố trong cả nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm lan tỏa nhắc nhở, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của người dân trong xã hội cùng với các cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp, các tôn giáo... trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường, bảo vệ, phục hồi các HST bị nghèo kiệt, bị suy giảm cùng với bảo tồn đa dạng sinh học.

- Trong cuộc họp Chính phủ (2020) đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ chính trị - Thủ tướng Chính phủ phát biểu các nguyên nhân do thiên tai, nhân tai gây ra tại các tỉnh miền trung năm 2020 đã gây thiệt hại lớn về tài sản tính mạng của nhân dân miền trung. Bất luận là nguyên n hân trực tiếp là gì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt và phải tiếp tục trồng cây gây rừng và phấn đấu đạt mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo như Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Trong chiến lược quốc gia bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 có nêu rừng, đa dạng sinh học là nền tảng quan trọng của nền kinh tế - bảo vệ rừng, trồng rừng phục hồi rừng nghèo là một trong các giải pháp then chốt thích ứng với BDKH.

3. Mục tiêu của giải pháp, phục hồi hệ sinh thái bị suy giảm chất lượng.

Là một giải pháp nhằm ngăn chặn sự nghèo kiệt làm yếu hoặc mất chức năng quan trọng dịch vụ của HST - biến những HST này trở thành nơi có sự sống tương đương với thời gian trước khi suy thoái để kết nối với các HST lân cận, tạo thành hành lang xanh góp phần bảo tồn ĐDSH, chống đỡ biến đổi khí hậu, và đây cũng là nơi có tiềm năng cải thiện sinh kế cho cư dân bản địa, nhất là đối với người nghèo, là nơi có cảnh quan xanh, sinh động cải thiện đời sống tinh thần, sức khỏe của cộng đồng, và chính nơi đây cũng là địa bàn hành lang có ích cho việc phòng ngừa các dịch bệnh lây lan từ các vật chủ trung gian hoang dã sang động vật nuôi và con người.

4. Bên cạnh việc phục hồi các HST bị suy thoái thì việc bảo vệ rừng hiện có và bảo tồn ĐDSH đặc biệt đối với các loài thực vật, động vật, nấm vi sinh vật đã có tên trong các Nghị định Chính phủ - Nghị định số 06/2019/NĐCP về quản lý thực động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Nghị định số 64/2019/NĐCP về tiêu chí xác định quản lý loài nguy cấp quý hiếm, cũng như đã có tên trong các phụ lục của cơ quan buôn bán quốc tế về các loài đang có nguy cơ suy giảm, tuyệt chủng (CITES) kể cả trong sách đỏ thế giới năm 2017 và sách đỏ Việt Nam năm 2007. Cũng là một giải pháp quan trọng trong việc phục hồi, làm giảm nguồn gen trong tự nhiên - phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai.

5. Để thực hiện hiệu quả phục hồi HST bị nghèo kiệt và ĐDSH thì giải pháp "Dựa vào thiên nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội trên nguyên tắc thuận thiên với thiên nhiên. Sống hài hòa với thiên nhiên trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, mở rộng việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang xanh - hành lang ĐDSH; giải pháp tăng cường đầu tư các nguồn lực về tài chính, chính sách, khoa học - công nghệ, kể cả thu hút sự tham gia của cộng đồng bản địa trên phương châm xuyên suốt vì hạnh phúc - bình an của con người, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ thuật chuyên sâu về kỹ năng phục hồi các HST nghèo kiệt trên cạn, vùng biển cũng là giải pháp quan trọng trong công tác phục hồi, làm giàu HST theo như Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề cập.

- Ở Việt Nam cho đến nay theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp thì diện tích rừng nghèo chiếm 54,45% rừng nghèo kiệt phục hồi chiếm 13,01%, rừng giàu chỉ chiếm 8,7%. Vì vậy mọi giải pháp có lợi cho mục tiêu phục hồi các HST nghèo kiệt là cần thiết và có ý nghĩa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

6. Phục hồi HST rừng nghèo kiệt - tránh hạn chế việc chuyển đổi HST này sang mục đích sử dụng khác (trồng cà phê, cao su...) mà giữ diện tích đó để thực hiện các dự án trồng cây xanh, hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên để phục hồi lại HST rừng có chất lượng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan.

- Đối với HST hồ, suối, sông thì phải tổ chức quản lý thu gom rác thải trên bờ, trên mặt nước, trồng các giống loài cây bản địa thích hợp xung quanh bờ các sông, suối, tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã, đồng thời xây dựng quy trình khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên thủy sản theo phương châm bền vững. Ngăn chặn kịp thời các loài ngoại lai xâm hại.

- Đối với HST ven biển, biển - các đảo cùng với việc trồng cây xanh - cây có giá trị kinh tế, cây chắn cát, chắn gió, chắn sóng thì việc thu gom rác thải cũng là điều cần tiến hành thường xuyên.

7. Trong quá trình phục hồi HST, bảo tồn ĐDSH thì việc thực hiện chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh từ 2021 - 2025 do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ đề xuất trong năm 2020. Đây là một chủ trương mang tính khoa học nhân văn sâu sắc không chỉ tạo cảnh quan nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần chống biến đổi khí hậu cho hôm nay và cho mai sau.

8. Nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi HST thì việc huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc tổ chức bảo vệ cây xanh cổ thụ trên mọi vùng, miền của đất nước cũng có vai trò chức năng quan trọng đối với môi trường, đối với sức khỏe của cộng đồng, đối với việc chống đỡ giảm thiểu các tác hại do Biến đổi khí hậu kể cả ngăn ngừa dịch bệnh. Thực ra cho đến nay trên đất nước Việt Nam từ miền đồng bằng đến miền núi, vùng ven biển đã có hàng trăm, hàng ngàn các mô hình phục hồi HST mang lại kết quả rất ấn tượng không những góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, tôn tạo cảnh quan mà còn đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội xóa đói giảm nghèo bởi các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Theo tác giả, Việt Nam cần có sự kiểm kê, đánh giá các mô hình loại này để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trong một đất nước nhiệt đới được quốc tế ghi nhận có sự ĐDSH cao, sự phong phú và đa dạng của HST. Có nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam do con người, của con người Việt qua các thế hệ, qua các thời đại lịch sử vẫn còn lưu giữ và phát triển. Chẳng hạn việc trồng thêm 1 cây xanh, hoặc việc vinh danh bro vệ 1 cây cổ thụ có tuổi đời trên một trăm năm mà trong mười năm qua (2010 - 2021) Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNC) khởi xướng tiến hành đã được cộng đồng 63 tỉnh thành hưởng ứng mang lại hiệu quả rất cao góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường - bảo vệ màu xanh quê hương đất nước; hay là mô hình phục hồi cây bản địa làm môi trường phục hồi lại các loài động vật hoang dã tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; mô hình phục hồi, nuôi cá sấu nước ngọt tại VQG Cát Tiên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ; mô hình phục hồi cây gỗ có giá trị kinh tế: Sao đen, Giỏi Tại xã Trà Mai, Trà Cang, Trà Tấp. Ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; mô hình phục hồi, giữ bảo vệ rừng di sản cây gỗ Pơ Mu của cộng đồng dân tộc Kơ Tư xã ASam huyện Tây Giảng - Quảng Nam, mô hình vua heo rừng ở Đồng Tháp; Mô hình phục hồi HST vườn đồi của gia đình anh Hà Văn Lâm, xã Gia Lai, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trồng thêm cây xanh thích hợp với đặc điểm sinh học, sinh thái của quần thể loài Cò, diệc và đã thu hút hàng vạn các loài cò và chim về cư trú - sinh sản... Là nơi phát triển du lịch khám phá, du lịch sinh thái mang lại sinh kế cho hộ gia đình; hoặc mô hình phục hồi HST nghèo kiệt ở Chiềng Sinh Sơn La, ở trạm ĐDSH Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc... của Viện sinh thái và tài nguyên sinh học thuộc viện Hàn Lâm KH&CNVN. Điều mà không những trong nước mà còn được tổ chức văn hóa khoa học quốc tê (UNESCO) ghi nhận đánh giá cao việc phục hồi HST rừng ngập mặn Cần Giờ - huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh đã bị chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải trong thời kỳ chiến tranh đã được chính quyền và sự vào cuộc của cả cộng đồng - biến rừng trụi lá hoàn toàn, mất tất cả các chức năng dịch vụ HST đến sau năm 1990 thế kỷ XX thành HST có chất lượng, nhiều loài thực vật, động vật đã hồi sinh, biến HST này trở thành địa bàn thăm quan du lịch khám phá, du lịch sinh thái đã thu hút hàng triệu khách du lịch nội địa và quốc tế mang lại hiệu quả cao cả về môi trường - cảnh quan và kinh tế và chính HST được phục hồi này đã được UNESCO tôn vinh là khu dự trữ sinh quyển thế giới (Wordl Heritage area). Có thể còn rất nhiều mô hình do cộng đồng, do doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thành công - cần tổng kết để rút kinh nghiệm và phát huy sức mạnh của cộng đồng khi đã được hiểu thấu giá trị vai trò của HST, ĐDSH trong cuộc sống thông qua các kênh truyền thông đài truyền hình Việt Nam, đài tiếng nói Việt Nam, thông tấn xã Việt Nam cùng với các báo chí trong đại gia đình báo chí Việt Nam.

Tác giả bài tham luận này xin bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn các phương tiện đài báo, các nhà tuyên truyền, các nhà khoa học giáo dục kể cả các vị chức sắc tôn giáo - kỳ vọng sẽ được giữ vững và tiếp tục phát huy trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu và trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Kết luận.

Tất cả 54 cộng đồng người Việt ở trong nước cùng với Cộng đồng con lạc cháu rồng đang sống làm việc học tập ở năm châu bốn bể hãy cùng nhau đoàn kết, chung sức, chung lòng dưới sự lãnh đạo sáng suốt đầy trách nhiệm của BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam - Quốc hội - Chính phủ nước CHXHCNVN phải ra sức bảo vệ môi trường - bảo vệ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân tạo, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm giữ vững và phát huy giá trị màu xanh trong các vùng miền của đất nước, chính là giữ và sưởi ấm cho lá phổi thiên nhiên mãi mãi cung cấp cho con người những luồng không khí trong lành để có cuộc sống khỏe mạnh giàu năng lượng làm động lực cho khát vọng, cống hiến. Vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh một Việt Nam hùng mạnh, yên bình, thịnh thượng và hạnh phúc.

 


Hãy khắc sâu vào tâm cang của mọi người lời dạy khuyên bảo của Bác Hồ kính yêu "Rừng là Vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý" hãy cùng nhau ghi nhớ hai câu thơ tâm huyết của các bậc tiền bối nhắc nhở chúng ta.        

            "Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẳm

 

Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong"!

  

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

 

 

 

1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Báo HN mới ngày 26/2/2021.

 

2. UNTED National Development program (UNDP); 1994 Human Development report (New York; Oxford Univesity press.

 

3. De Groot R.S... Wilson MA.... A typology for the Classification, description, and valuation of ecosysteru funtion, good, a servi ces Ecological, Economicsn.

4. IUCN (2017) the IUCN red list of thereatened Species Download at http:

www.iucredlis. org, accessed in November, 2017.

 

5. Đức Mạnh (WWF) 2018 - Hãy chung sức bảo vệ quyền sống của động vật hoang dã - Báo cáo khoa học.

 

6. WWF, 2010. Tê giác một sừng (Rhinoceros Sondaicus) loài động vật quý, hiếm đã bị bắn chết tại rừng Cát Lộc - VQG Cát Tiên - Đồng Nai.

 

7. Janoviak, 2017 nghiên cứu hấp thu carbon trên cánh đồng ở Mỹ - Báo cáo khoa học trường Đại học Keneky - Hoa Kỳ.

 

Lượt xem : 2384