Một góc Tam Đảo
Giải pháp mà UBND huyện Tam Đảo nêu ra, đó là phải đổi mới quan điểm quy hoạch và đầu tư đối với vùng đệm của rừng đặc dụng, đặt con người là trung tâm và mục đích cuối cùng của bảo tồn. Người dân vùng đệm phải được hưởng quyền lợi từ bảo tồn rừng, chia sẻ lợi ích từ lâm sản và các dịch vụ thu được từ khu rừng đặc dụng. Tạo cơ chế để người dân được hưởng quyền lợi như những người giữ rừng được Nhà nước bảo trợ, tạo sự ổn định và nâng cao đời sống cho dân.
Ngoài việc tăng cường năng lực của các Ban quản lý rừng, còn phải đổi mới cơ chế quản lý đối với các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo hướng cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ, như dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ khoa học kỹ thuật, thí điểm dịch vụ săn bắn ở những nơi có điều kiện, gây nuôi cung ứng giống động vật hoang dã để thuần dưỡng...
Khi Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã (CITES) được thực thi tại Việt Nam (Nghị định 82/2006/NĐ-CP), việc gây nuôi sinh sản động vật hoang dã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước, vừa tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư, vừa giảm áp lực vào nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bảo tồn nguồn gen động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm...Qua đó sẽ giảm thiểu được nạn buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở rừng quốc gia Tam Đảo, do người dân sẽ là những “kiểm lâm” thực sự.
Theo ông Phạm Quang Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo: Năm 2004 có 40% số hộ của Tam Đảo là hộ nghèo, cho đến năm 2008 vẫn còn 30,99% và năm 2009 là 24,67%. Đây quả là một tỷ lệ cao so với một huyện không rộng, chỉ có 9 đơn vị hành chính, nhưng đã có 3 xã thuộc diện hưởng quy chế 135 là Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương.
Mặc dù đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ 100% kinh phí làm đường đến tận trung tâm các xã vùng sâu, vùng cao, nhưng điều kiện phát triển kinh tế của huyện cho đến nay vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Dân các vùng xa, đặc biệt là dân sống trong khu vực gần rừng quốc gia vẫn còn nghèo, vì vậy việc săn bắt chim thú và khai thác trộm tài nguyên vẫn rất khó ngăn chặn.