Tôi rùng mình bởi vật gì trơn nhớt quấn vào chân khi đang bơi, mường tượng đến những bộ phim có diễn viên bị kéo xuống nước.
Chiếc túi nylon quấn vào chân tôi có lẽ ở ngoài biển đã lâu, xanh nhớt, dính đầy rêu. Tôi lao vào bờ, hình dung đến cảnh tượng từng nhìn thấy. Một con rùa bị dây nhựa quấn ngang người từ nhỏ. Và nó lớn lên với vòng eo khốn khổ. Chắc không ai trong số chúng ta muốn bị như con rùa ấy.
Cảm giác đó làm hỏng một chút kỳ nghỉ Giáng sinh năm ngoái, kỳ nghỉ đầu tiên kể từ khi tôi trở lại Việt Nam sau nhiều năm. Dù gia đình tôi chọn Côn Đảo - nơi xinh đẹp với những bãi biển nguyên sơ.
Lần đầu tôi đến Việt Nam vào tháng 11/1990, trên đường du lịch từ Papua New Guinea trở về London. Tôi bắt tàu đi dọc bờ biển từ TP HCM đến Hà Nội. Lúc đó, tuy cơ sở du lịch còn tồi tàn, nhưng tôi hoàn toàn choáng ngợp trước vẻ đẹp của những bãi biển dọc Việt Nam với cát trắng, nắng vàng, nước trong và sạch.
Trở lại Việt Nam vào giữa năm ngoái, tôi lại ngỡ ngàng vì quá nhiều đổi thay. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản và du lịch. Kinh tế tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất toàn cầu.
Nhưng sự khá giả cũng làm tăng sản xuất và tiêu thụ nhựa. Chai nhựa, túi nylon, bao bì dùng một lần và lưới nhựa chất thành đống ở nhiều bãi biển nổi tiếng Việt Nam.
Cuộc khảo sát mới nhất do Ngân hàng Thế giới thực hiện đã phân tích các mẫu chất thải tại 38 khu vực bờ sông và ven biển trên toàn quốc, phát hiện các vật dụng bằng nhựa chiếm 94% trong tổng số vật thể chất thải rắn chúng tôi đã thu gom.
Điều này không ngạc nhiên nếu chúng ta nhìn vào xu hướng sử dụng nhựa. Từ năm 1990 đến 2019, tỷ lệ tiêu thụ nhựa trên đầu người đã tăng gấp 10 lần. Trung bình, một người Việt đang tiêu thụ 41,3 kg nhựa mỗi năm.
Con số này tương đương 2.100 chai nhựa 500 ml hoặc 7.600 túi nylon. Bạn có thử hình dung nếu xếp chúng trong nhà mình?
Công bằng mà nói, con số này chưa bằng một nửa của nước tiêu thụ nhựa lớn nhất thế giới. Nhưng đáng lo là nhựa tìm ra biển.
Một nghiên cứu toàn cầu năm 2015 ước tính, có tới 730.000 tấn nhựa được sản xuất trên đất liền đã trở thành rác thải đại dương ở Việt Nam. Nếu rác thải nhựa không được ngăn chặn mà tiếp tục xâm nhập vào biển, nó sẽ đe dọa đa dạng sinh học, làm ô nhiễm môi trường sống của sinh vật biển. Cá Việt Nam sẽ trở nên kém ngon, thậm chí mất giá nếu bị ô nhiễm vi nhựa. Còn bãi biển hiển nhiên sẽ vắng du khách hơn. Họ không muốn bơi và tắm nắng bên cạnh các mảnh nhựa.
Cơ sở hạ tầng xử lý chất thải của Việt Nam đang chật vật với nhu cầu ngày càng tăng. Chúng ta mới chỉ thu gom rác thải được cho 92% dân số thành thị và khoảng 2/3 dân số nông thôn. Phần lớn chất thải sau thu gom được chôn lấp không đủ tiêu chuẩn, làm rò rỉ rác vào các nguồn nước.
Với xuất phát điểm thấp này, đầu tư vào một hệ thống quản lý chất thải hiện đại sẽ là bước tiến lớn để ngăn tình trạng rò rỉ nhựa. Sự đầu tư này chờ một quan hệ đối tác công - tư hiệu quả.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khu vực tư nhân có lợi thế lớn về tài chính và sự đổi mới. Nhưng vai trò của Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi cho cải thiện quản lý chất thải rất quan trọng. Một nhà đầu tư nói với tôi rằng chính sách và luật đầu tư trong lĩnh vực này như một mê cung, thiếu cụ thể và ẩn chứa nhiều bất ngờ. Mê cung này phải được gỡ nếu Chính phủ muốn xử lý chất thải rắn, bao gồm chất thải nhựa.
Tuy nhiên, chỉ cải thiện quản lý chất thải mới là một vế. Để tạo ra tương lai không ô nhiễm nhựa, ta phải vượt khỏi mô hình hiện nay là thu mua - xử lý tuyến tính để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn: giảm - tái sử dụng - tái chế. Trong nền kinh tế tuần hoàn, rất ít nhựa sẽ trở thành chất thải hoặc gây ô nhiễm.
Nghe có vẻ tuyệt vời. Nhưng làm sao để biến điều này thành hiện thực?
Nó chỉ hiện thực khi có rất nhiều đột phá về khoa học và mô hình kinh doanh, rất nhiều thay đổi hành vi, các chính sách công cụ thể và hiệu quả.
Chúng ta có thể làm được, từng bước một. Ngân hàng Thế giới cung cấp các bộ công cụ, ý tưởng và tài chính kết hợp các thông lệ quốc tế tốt nhất cùng nghiên cứu sâu về bối cảnh địa phương.
Ví dụ, tại Việt Nam, 2,62 triệu tấn nhựa mỗi năm được thải bỏ với 75% tổng giá trị nguyên liệu của chất dẻo bị mất, là cơ hội lớn cho ngành tái chế. Nghiên cứu sắp tới của chúng tôi nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất cho khu vực tư nhân, cũng như lối đi để một thị trường như vậy hình thành.
Nếu được tạo điều kiện, ta có thể đưa thị trường này vào cuộc sống trong 5 đến 10 năm tới. Bạn hoài nghi ư? hãy nhìn vào ngành năng lượng mặt trời và gió đang bùng nổ ở Việt Nam. Thị trường này hầu như không tồn tại chưa đầy 5 năm trước.
Tôi xin nhấn mạnh, Nhà nước và khu vực tư nhân đóng vai trò lớn trong việc đảo ngược ô nhiễm nhựa. Nhưng những cá nhân như bạn và tôi cũng có khả năng đẩy nhanh quá trình này bằng cách giảm và tái sử dụng các vật dụng nhựa.
Bạn đã từng nghe đến khái niệm "hiệu ứng tích lũy" chưa? Nó có nghĩa: không có hành động nào là quá nhỏ nếu nó được thực hiện bởi rất nhiều người.
Gia đình tôi vẫn sẽ chọn các bãi biển Việt Nam cho những kỳ nghỉ tới. Biển và đại dương không chỉ là nơi để thư giãn mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm, sinh kế lành mạnh cho hàng tỷ người. Lượng oxy khổng lồ ta đang hít thở cũng nhờ biển mà có.
Hôm nay, ngày Đại dương 8/6, là dịp để ta nhắc nhau rằng: Đại dương là sự sống. Giữ cho đại dương khỏe mạnh, ta đều có những kỳ nghỉ biển trọn vẹn hơn. Bơi trong sảng khoái và không phải lo lắng khi ăn hải sản, trừ việc chọn nước chấm phù hợp.
Carolyn Turk
Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam