Vietnamese English
Giá xăng sắp tăng thêm 1.000 đồng/lít vì thuế bảo vệ môi trường

3/31/2016 1:42:00 PM

Sau khi tăng gấp 3 thuế bảo vệ môi trường với xăng năm 2015, đề xuất tăng tiếp khoản thuế này một lần nữa lại được Chính phủ nêu lên trong 1 tờ trình gửi Quốc hội gần đây. Theo đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016, Chính phủ (đơn vị đề xuất là Bộ Tài chính) cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ biến động giá dầu thô thế giới, phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách.

Theo VnExpress, một trong những biện pháp cụ thể được cơ quan này nêu ra là 'nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu'. Như vậy, trong trường hợp thu ngân sách 2016 gặp khó khăn do giá dầu bất lợi và các nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm mạnh, phương án này sẽ được Chính phủ đề xuất sử dụng. Theo quy định hiện nay, khung kịch trần với thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong khung mức thu quy định tại Luật.  Trước đó, loại thuế này đã tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng từ 1/5/2015 nhằm bù đắp một phần giảm thu do lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế.


Khi đó, dù Bộ Tài chính và Bộ Công Thương liên tục khẳng định việc này không làm tăng giá xăng nhưng thực tế, theo tính toán, giá xăng vẫn có thể rẻ hơn nếu thuế bảo vệ môi trường không 'đội' lên gấp 3 lần. Thuế bảo vệ môi trường tăng gấp 3 trong 8 tháng cuối năm đã góp phần giúp thu ngân sách 2015 vượt dự toán trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Báo cáo Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thông tin, nhờ việc tăng gấp 3 thuế môi trường với xăng dầu mà ngân sách cả năm có thêm 13.200 tỷ đồng trong điều kiện nhiều nguồn thu khác khó khăn.

Tháng 4, khô hạn, xâm nhập mặn sẽ gay gắt hơn

Đó là nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (NCHMF), được ông Nguyễn Đăng Quang - trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài của NCHMF đưa ra. Ông Quang cảnh báo tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ chưa có dấu hiệu cải thiện trong 1-2 tháng tới. Tháng 4/2016 là tháng đặc biệt nguy hiểm của tình trạng này – theo Tuổi Trẻ.

Thông báo cụ thể hơn về diễn biến thủy văn năm 2016, bà Trịnh Thu Phương - trưởng phòng dự báo thủy văn Bắc bộ - cho biết từ tháng 4 đến tháng 6-2016, dòng chảy trên các sông ở Trung bộ, Tây Nguyên tiếp tục thiếu hụt từ 30-50%. Xâm nhập mặn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng hơn năm 2015. Còn tại khu vực Nam bộ, khả năng xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục sâu và mạnh hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015. Độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào cuối tháng 3, tháng 4/2016, lớn hơn năm 2015. Độ mặn 4g/lít vào sâu trên sông Vàm Cỏ từ 100-110km, trên sông Tiền, sông Hậu từ 60-65km. Từ giữa tháng 4 độ mặn mới giảm dần.

Ngày hội tái chế lần thứ 9

Vào ngày 10/4/2016 tới, Ngày hội Tái Chế 2016 sẽ được tổ chức tại Cung Văn Hóa Lao Động (55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q1, TpHCM) với sự tham gia của các đơn vị doanh nghiệp và người dân địa phương. Đây là hoạt động thường niên do Sở Tài Nguyên Môi Trường TpHCM và các Sở ngành cùng phối hợp tổ chức. Đây là năm thứ 9, Ngày hội tái chế được tổ chức với hoạt động thú vị mang chủ đề “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” nhằm truyền tải thông điệp thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống – theo Điện tử Tiêu dùng.

Bên cạnh sự góp mặt của các doanh nghiệp địa phương, Việt Nam Tái Chế (www.vietnamtaiche.com.vn) sẽ tham gia sự kiện, hướng dẫn người tham dự hiểu rõ tầm quan trọng rác thải điện tử qua nhiều hoạt động tương tác tại chỗ. Được biết, Việt Nam Tái Chế là chương trình thu hồi miễn phí các thiết bị điện tử đã qua sử dụng hoặc bị hỏng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và hiện có mười điểm thu gom tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Có 1/5 đất nông nghiệp Trung Quốc cho ra gạo bẩn

Tăng trưởng quá nóng trong ngành sản xuất cùng với sự thiếu định hướng từ chính phủ Trung Quốc đáng khiến ngành trồng lúa của nước này khốn khổ do hạn hán và ô nhiễm môi trường. Theo hãng International Grains Council (IGC), sản lượng lúa của Trung Quốc sẽ chỉ tăng rất nhẹ khoảng 0,7%, từ mức 144,5 triệu tấn năm 2015 lên 125,6 triệu tấn năm 2016. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy, có ít nhất khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc của nước này bị nhiễm kim loại nặng mỗi năm. Qua đó khiến quốc gia này chịu thiệt hại hơn 3,2 tỷ cho tất cả các chi phí, từ công sức trồng trọt, thiệt hại về thương mại cho đến tiền bồi thường.

Đặc biệt, năm 2013 ngành lúa gạo Trung Quốc đã bị rúng động khi các sản phẩm lúa gạo của tình Hồ Nam, vựa lúa chính của Trung Quốc bị phát hiện có chứa hàm lượng cao chất Cadmium (Cd), một loại kim loại nặng cực độc với cơ thể người. Cadmium là một loại kim loại nặng trong đất và chỉ với một liều lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho cơ thể con người. Loại chất này là 1 trong 3 kim loại được coi là nguy hiểm nhất với cơ thể con người, ngoài chì và thủy ngân. Tồi tệ hơn, Bộ Tài nguyên Môi trường Trung Quốc cũng cho biết khoảng 16,1% đất tại đây năm 2014 đã bị ô nhiễm, trong đó có đến 19,4% đất nông nghiệp đã bị nhiễm hóa chất nặng – theo Trí Thức Trẻ.

Singapore biến môi trường nước thành nơi cuốn hút

Sự thành công của chương trình ABC Waters trong 10 năm qua đã thúc đẩy chính quyền Singapore tiếp tục triển khai thêm 20 dự án nữa, góp phần cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường của đất nước sư tử. Theo Đài CNA, Singapore thậm chí tin tưởng được hưởng nhiều lợi hơn nữa từ 20 dự án thuộc chương trình ABC Waters trong năm năm tới. Phát biểu tại lễ khởi công 3 trong số 20 dự án mới đây, Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, đã khẳng định: “Chương trình ABC Waters là một sự thành công tuyệt vời.

Chúng ta đã cải tạo được các con sông, hồ chứa nước và hồ tự nhiên, không chỉ vì mục tiêu là giúp chúng ta có nước để uống và sinh hoạt mà còn để người dân có thể giải trí và cải thiện môi trường sống, để chúng ta có thể tiếp tục xây dựng thêm các không gian cộng đồng mới - sạch sẽ, thoải mái và tràn đầy sức sống”. Theo đó, không chỉ cảnh quan xung quanh và chất lượng nước ở các con sông, hồ chứa và hồ tự nhiên được cải thiện, người dân Singapore sẽ có thêm không gian cho các hoạt động ngoài trời. Điều này sẽ góp phần tạo ra mối dây liên kết giữa con người và thiên nhiên, tăng ý thức bảo vệ môi trường của người dân Singapore – theo Tuổi Trẻ.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2028