Gặp lại tôi sau nhiều năm "bặt tin", già K'Ten tay bắt mặt mừng, "khoe" lương bảo vệ quần thể thông đỏ của ông nay đã được trả tới 4 triệu đồng mỗi tháng. Tôi hỏi, nếu giờ không ai trả tiền nữa ông có còn mặn mà với việc bảo vệ loài thông đỏ cổ thụ sắp tuyệt chủng này nữa không? Chẳng cần suy nghĩ, già K'Ten đáp ngay: "Có chớ, nó đã từng che chở cho mình chiến đấu, bảo vệ Cách mạng mà!..".
Cuối những năm 2000, quần thể thông đỏ cổ thụ quý hiếm trên đỉnh Núi Voi, thuộc tiểu khu 268, 277, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bị "tàn sát" dữ dội để lấy gỗ nhằm thỏa mãn thú chơi xa xỉ cho các đại gia lắm tiền nhiều của. Hàng chục cây thông đỏ đường kính gốc lên tới vài mét, cao từ 20 - 30m suốt hàng trăm năm ngự trị rừng già ào ạt đổ xuống bởi đội cưa máy chuyên nghiệp.
Một thời gian dài, lực lượng hùng hậu có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng không ai biết, nhưng già K'Ten thì biết rất rõ: Thông đỏ đang bị giết!... Chính ông là người can đảm đứng ra bảo vệ quần thể thông đỏ hàng trăm, thậm chí đã cả nghìn năm tuổi đặc biệt quý hiếm ở căn cứ địa Cách mạng Núi Voi.
Già K'Ten bên những gốc thông đỏ cổ thụ quý hiếm.
Bất chấp hiểm nguy, K'Ten dựng chòi tạm ngoài bìa rừng, án ngữ lối dẫn lên quần thể thông đỏ ngự trị rừng già cả nghìn năm qua. Ai ra vào rừng ông đều biết, thuộc như lòng bàn tay và báo cho cơ quan chức năng để giám sát. Vậy là "máu rừng" ngừng chảy từ đó. Hàng trăm cây thông đỏ quý hiếm được ông cùng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cứu rỗi.
Không mua chuộc được K'Ten bằng tiền bạc, vật chất, "lâm tặc" trở mặt, dùng đến kế bẩn. Chúng đổ thuốc trừ sâu xuống cái ao nhỏ của ông khiến đàn cá chết sạch. "Lâm tặc" lại trực tiếp hoặc đánh tiếng đe dọa, uy hiếp tinh thần ông và những người thân trong gia đình nhưng K'Ten không hề nhột chí trước thái độ hung hãn của những kẻ đang "khát máu rừng".
Chòi canh thông đỏ của già K'Ten bị đốt phá, ông bảo con cháu làm lại cái mới. Bản lĩnh gan dạ của người từng xông pha trận mạc, nằm vùng đánh đuổi FULRO sẵn sàng đương đầu với kẻ xấu để bảo vệ bằng được quần thể thông đỏ quý hiếm. Vậy là K'Ten bị những kẻ lạ bịt mặt, chặn đường đánh một trận nhừ tử khiến ông phải nhập viện điều trị.
Vết thương còn chưa lành, sợ thông đỏ ở Núi Voi những ngày vắng ông sẽ bị "lâm tặc" tàn sát, già K'Ten đùng đùng đòi về chòi nằm. Mua chuộc bằng tiền bạc, vật chất không được, đe dọa ông cũng không sợ, bị hành hung tới mức phải nhập viện, bản lĩnh K'Ten vẫn kiên định, vững vàng, một mực sống chết với quần thể thông đỏ quý hiếm ở núi Voi. "Năm mình 17 tuổi đã cùng đồng đội đánh FULRO, đối diện với cái chết mình còn không sợ. Bây giờ, bị đe dọa, hành hung thế này có nhằm nhò gì. Bên mình còn có pháp luật bảo vệ, còn có Công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng!.. Sợ gì bọn "lâm tặc. Chính nó mới phải sợ mình chớ!..", già K'Ten nói.
"Cửa rừng" từ ngày có ông gác, bình yên thấy rõ. Quần thể thông đỏ trên diện tích được ông nhận bảo vệ suốt mười mấy năm qua không còn "chảy máu". Để chứng minh điều này, già K'Ten bảo tôi cùng ông lên núi.
Quần thể thông đỏ nghìn năm tuổi
Một phần quần thể thông đỏ ở núi Voi đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho một doanh nghiệp quản lý, phục vụ khai thác du lịch sinh thái. Sau khi xảy ra việc tàn sát thông đỏ vào cuối những năm 2000, doanh nghiệp này đã thuê một số người tới trông coi nhưng không lâu sau tất cả đều phải "đầu hàng" vì bị lâm tặc uy hiếp, hành hung, đe dọa tới tính mạng của họ và những người thân trong gia đình họ.
Già K'Ten ngồi nghỉ trên rễ một cây thông đỏ nổi lên mặt đất.
Đến lượt già K'Ten được mời từ làng K'Long, xã Hiệp An, lên trông coi quần thể thông đỏ ở núi Voi thì lâm tặc lại phải "đầu hàng" bản lĩnh vững vàng, kiên định của ông.
Sở dĩ già K'Ten có thể "trụ" được bởi với ông, những cây thông đỏ cổ thụ, đường kính gốc lên tới vài mét này chính là người bạn tri kỷ, đã che chở cho ông và đồng đội trong những năm tháng nằm vùng, hoạt động cách mạng. "Bây giờ, mình còn, quần thể thông đỏ ở núi Voi phải còn!.. Không một ai có quyền xâm phạm tới nó!..", già K'Ten khẳng định chắc nịch.
Cái nóng nực, mệt mỏi của mùa hè nhường chỗ cho sự hăm hở của chúng tôi thẳng hướng đỉnh núi Voi, rẽ rừng mà đi. Già K'Ten lão luyện đường rừng thoăn thoắt như một con sóc mặc dù nay ông đã ở tuổi 63. K'Ten tự tin giới thiệu, cả buôn trên xóm dưới, không ai thông thạo núi Voi bằng ông. Từ năm 17 tuổi, ông đã đi theo Đảng, nằm vùng, hoạt động tại khu vực núi Voi. K'Ten cũng đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh tiêu diệt bọn phản động FULRO hoạt động trong vùng rừng núi này.
K'Ten nói, có thể dẫn chúng tôi đến từng vị trí có cây thông đỏ chính xác tuyệt đối mà không cần phải dùng máy định vị. Ông kể rạch ròi cho tôi nghe về từng cây thông đỏ nằm ở vị trí nào, độ cao bao nhiêu so với mặt nước biển. Khi đạt độ cao khoảng 1.600m, cây thông đỏ cổ thụ đầu tiên gắn số 206 lộ diện trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Đây là cây thông rất lớn, ngự trị, nổi bật nhất khu rừng già mà chúng tôi gặp.
"Chưa ăn thua gì đâu, lên nữa đi, tới độ cao gần 1.900m sẽ có một cây rất to nhưng chưa phải là lớn nhất đâu. Cây lớn nhất đánh số 100 nằm ở độ cao gần 2.000m kia, đường khó đi, sợ không lên nổi thôi!..", già K'Ten nói.
Cây thông đỏ đầu tiên chúng tôi tiếp cận có đường kính gốc khoảng 1,5m, thân cây to lớn, vươn thẳng, cao vút nổi trội giữa cánh rừng già nguyên sinh, bộ rễ chắc khỏe quanh gốc nổi cộm lên khỏi mặt đất. Tiếp tục lên cao, mỗi lần qua những gốc thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ cách đây khoảng 15 năm, K'Ten giọng đau như cắt: "Những cây to lớn nhất, đến 7-8 người ôm đã bị chúng nó chặt lấy gỗ hết rồi, những cây còn lại đến bây giờ thật ra chỉ là những cây nhỏ mà ngày đó bọn chúng không thèm chặt đó thôi!..".
Mặt trời đứng bóng, cũng là lúc già K'Ten đưa tôi đặt chân tới gốc cây thông được gắn số 143 ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Đây là cây thông đỏ được cho là to nhất ở khu vực núi Voi.
Già K'Ten cho biết, cách đây ít năm, ông dẫn đoàn nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam tới khảo sát, đánh giá thông đỏ trong khu vực, đoàn đã dùng các thiết bị đo độ tuổi, xác định cây thông đỏ này khoảng 2.500 năm tuổi. Cây cao thẳng tắp tới hơn 30m, đường kính gốc gần 3m, rễ to lớn nổi lên mặt đất, vươn ra xa trong vòng 1.000m².
Hiện nay, già K'Ten đang nhận trông coi, bảo vệ quần thể thông đỏ với 57 cây, trên diện tích 32ha rừng nguyên sinh, thuộc tiểu khu: 268, 277, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Nếu tính toàn bộ khu vực núi Voi, thông đỏ hiện đang có trên 400 cây.
Già K'Ten kiểm tra sơ đồ khu vực có quần thể thông đỏ ở núi Voi.
Năm 2009, sau những vụ tàn sát thông đỏ quy mô lớn để lấy gỗ, thực hiện đề án bảo tồn và phát triển loài thông đỏ đặc biệt quý hiếm này của UBND tỉnh Lâm Đồng, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp và đóng số vào từng cây.
Hơn 10 năm qua, từ ngày già K'Ten về lại với rừng, dựng chòi án ngữ lối lên núi Voi, những cây thông đỏ cổ thụ đặc biệt quý hiếm nghìn năm tuổi này đã được bảo vệ nghiêm ngặt.
Người ra, kẻ vào khu vực có quần thể thông đỏ đều được già K'Ten dõi theo, giám sát, mọi động thái của kẻ xấu có dấu hiệu xâm phạm tới sự phát triển bình thường của thông đỏ đều được ông báo tới các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn. Già K'Ten đã thực sự trở thành "đôi mắt" của rừng, án ngữ dưới chân núi Voi để bảo vệ vững chắc quần thể thông đỏ, vốn là loài cổ thực vật đang trên đà tuyệt chủng.
Theo tài liệu của Phân viện Sinh học Tây Nguyên, thông đỏ núi Voi có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc, thuộc họ thanh tùng (Taxaceae). Trong lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, đây là dược chất quý và hữu hiệu nhất cho đến hiện nay thế giới dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại ung thư. Từ lâu, thông đỏ đã được y học dân gian coi là dược liệu quí, lá của nó (ở dạng dùng thô thông thường) để trị hen, suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hóa; cành và vỏ dùng trị bệnh thực tích, giun đũa; nước sắc từ thân non dùng trị bệnh đau đầu... |