Vietnamese English
Gia hạn dự án chuyển hóa carbon thấp trong tiết kiệm năng lượng

12/11/2015 9:15:00 AM

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án "Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam" đến hết tháng 6/2017.


Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) là một sáng kiến năm 2012 từ quan hệ hợp tác dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam – theo TTXVN.


Dự án hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) và được thực hiện trên cơ sở đối tác giữa Bộ Khí hậu, Năng lượng và Tòa nhà Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Xây dựng Việt Nam. Mục tiêu phát triển của dự án là đóng góp vào sự phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp của Việt Nam thông qua tăng cường hiệu quả năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong các công trình xây dựng.

Đến 2020 hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề

Giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hà Nội đưa công tác bảo vệ môi trường làng nghề là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề, đặc biệt đặt mục tiêu hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức ô nghiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề (làng có nghề chiếm gần 59%) tổng số làng) phân bố không đều trên toàn địa bàn với trên 175 nghìn hộ sản xuất; trên 2.000 công ty cổ phần, trên 4.500 công ty TNHH liên quan đến các hoạt động của làng nghề… Làng nghề tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Xuyên (980 làng), Thường Tín (120 làng), Chương Mỹ (175 làng); Ứng Hòa (113 làng), Thanh Oai (101 làng)…- theo Chinhphu.

Theo TP. Hà Nội, kết quả quan trắc, phân tích chất lượng môi trường tại 22 làng với tần suất 2 đợt/năm cho thấy, hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, thải thẳng ra môi trường. Từ năm 2012, Hà Nội đã khảo sát tại 17 làng nghề có ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để lựa chọn 6 làng nghề đặc biệt ô nhiễm về nước thải để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp. Một số mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm đã cho kết quả tích cực, đã được nghiệm thu, bàn giao cơ sở sản xuất quản lý sử dụng và có thể phổ biến, nhân rộng như: Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai; thử nghiệm mô hình xử lý bụi làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh; xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề bằng chế phẩm tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai…

Đề nghị công nhận Công viên địa chất khu vực Lý Sơn, Bình Châu

TTXVN đưa tin ngày 9/12, tại buổi làm việc giữa tỉnh Quảng Ngãi với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu ý kiến tỉnh Quảng Ngãi cần sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận để trình lên Chính phủ; từ đó có cơ sở trình UNESCO xét duyệt.

Tỉnh Quảng Ngãi có thể học tập kinh nghiệm của tỉnh Hà Giang, triển khai từng bước trong việc lập hồ sơ cho đúng với từng tiêu chí cụ thể của UNESCO; tập trung giáo dục cộng đồng và xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch bảo tồn, phát triển bền vững công viên này và xây dựng kế hoạch quản lý một cách cụ thể và hiệu quả.

Đại sứ thu gom rác thải "Vì một ngày mai xanh"

Ngày 9/12, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức buổi thực tế thu gom rác thải bảo vệ môi trường, với sự tham gia của các nhà ngoại giao và cán bộ sứ quán. Đây là một phần hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Vì ngày mai xanh" (Tomorrow is Green). Thay vì trao đổi, thảo luận trong phòng họp, các nhà ngoại giao Hà Lan và nhân viên sứ quán đã đi bộ lên tháp Truyền hình Tam Đảo, cùng nhau thu nhặt rác trên đường đi. Hành động ý nghĩa này nhằm chung tay nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường – theo Thế Giới & Việt Nam.

Đại sứ Hà Lan Nienke Trooster cho hay: "Tôi thực sự rất ngạc nhiên, bởi một nơi sở hữu vẻ đẹp tuyệt vời như Vườn Quốc gia Tam Đảo lại tồn tại số lượng rác thải quá lớn". Bà cho biết thêm: "Một số người suy nghĩ đơn giản rằng, không sớm thì muộn, túi nilon thải ra môi trường sẽ bị phân hủy, nhưng sự thật, chúng phải mất từ 500 - 1000 năm mới có thể biến mất hoàn toàn". Theo nhà ngoại giao đến từ xứ sở hoa tulip, trong lượng túi nilon khổng lồ sử dụng hàng ngày, duy chỉ có 1% được con người tái chế và tái sử dụng. Túi nilon độc hại đến mức đủ gây nên một trận mưa axit, khiến môi trường sống ô nhiễm, tắc nghẽn hệ thống thông tắc nước, nghiêm trọng hơn còn giết chết các loại sinh vật cũng như con người.

"Bếp gas" không dùng gas

Để bảo vệ môi trường, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Bình thuộc Công ty Khoa học-Công nghệ và Xây dựng NewTech Bình Định đã nghiên cứu và cho ra đời những chiếc bếp sử dụng trấu, rơm rạ, rác thải, củi vụn... (gọi chung là nhiên liệu sinh khối) và kể cả than đá để tạo ra ngọn lửa gas màu xanh, không khói, không thải khí độc và có nhiệt lượng cao giống như các loại bếp gas đun bằng nhiên liệu gas hóa lỏng. Người dân có thể tận dụng các nguồn phế phẩm nông nghiệp tại chỗ, sau đó nghiền mịn, ép khô là có thể đưa vào bếp sử dụng.

Loại bếp này được đặt tên là bếp “Ngọn lửa thần Việt Nam”, hoạt động theo nguyên lý nhiệt phân và gas hóa nhiên liệu sinh khối và than đá “từ trên xuống dưới”. Khi hoạt động, bếp tạo ra khí gas, cháy không khói, giảm hoặc không thải các loại khí độc CO2, CO, Carbon đen, SO2, NO2… Bếp tiết kiệm nhiên liệu 2 đến 3 lần, rút ngắn thời gian đun nấu, sử dụng tiện lợi, giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của người nghèo – theo Quân Đội Nhân Dân.

Công bố dự thảo thứ ba cho thỏa thuận khí hậu toàn cầu

Rạng sáng 11/12 giờ Hà Nội, một bản dự thảo áp chót cho thỏa thuận toàn cầu về khí hậu gồm 27 trang đã được Chủ tịch COP21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius công bố. Bản dự thảo lần thứ ba này chỉ còn 48 ghi chú về mức độ giải pháp cần lựa chọn thay vì 350 lựa chọn như trước đây. Ngoại trưởng Pháp cũng bày tỏ tin tưởng rằng văn bản cuối cùng sẽ được hoàn thiện và công bố vào ngày 11/12, ngày bế mạc hội nghị.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 10/12 là ngày đàm phán thứ 11 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21). Đây là giai đoạn nước rút cuối cùng trước khi các phiên đàm phán khép lại. Theo kế hoạch, vào chiều 10/12, các đoàn đàm phán của 195 nước phải trao lại cho Chủ tịch COP21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phiên bản cuối cùng của văn bản thỏa thuận. Tuy nhiên, đến chiều muộn cùng ngày, do các bên vẫn chưa tháo gỡ được các bế tắc nên các cuộc đàm phán được tiếp tục vào buổi tối.

Bất đồng về dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu

Theo TTXVN và tin nước ngoài, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Bộ trưởng Ngoại giao Pháp L.Pha-bi-uýt công bố dự thảo sửa đổi của thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu dài 29 trang so bản dự thảo dài 48 trang trước đó.

Chủ tịch COP21 cho biết, các bên đàm phán đạt được những bước tiến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất đồng, nhất là sự phân chia trách nhiệm giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển. Các bên đàm phán hiện nỗ lực làm việc nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng.

Tổng thống nhặt rác gây sốc

Tân Tổng thống Tanzania John Magufuli đã cùng hàng trăm người dân tại thành phố Dar es Salaam xuống đường nhặt rác, làm sạch môi trường. BBC đưa tin, ông Magufuli đã tham gia hoạt động tổng vệ sinh trên những con phố bên ngoài dinh thự của mình. Vị Tổng thống 56 tuổi, được mệnh danh là "người lái xe ủi" với chương trình xây dựng đường mới, đã tự tay nhặt rác bỏ vào thùng – Vietnamnet cho biết.

Ông John Magufuli, đã tuyên bố hủy các lễ kỷ niệm ngày quốc khánh Tanzania và thay vào đó là tiến hành chiến dịch làm sạch đường phố. "Chúng ta hãy cùng nhau dọn dẹp để giữ đất nước, thành phố, nhà cửa và công sở luôn sạch sẽ, an toàn và lành mạnh", ông Magufuli nói trước đám đông. Tổng thống, Tanzania, châu Phi, đất nước, thành phố, quét rác, nhặt rác, dinh thự, chiến dịch, quốc khánh, tiết kiệm Tổng thống Magufuli nổi tiếng với phong cách giản dị. Kể từ khi lên nắm quyền từ hồi tháng 10/2015, ông đã thông báo cắt giảm các hoạt động gây lãng phí công quỹ.

Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2379