Theo phân tích của một số tổ chức, trong đó có Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation), chỉ số GDP hiện nay không hề phản ánh quá trình giàu lên hay nghèo đi về tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia.
Giáo sư Tim Jackson, tác giả cuốn Thịnh vượng không nhờ tăng trưởng cho rằng nếu duy trì mức độ tăng trưởng GDP như hiện nay thì đến cuối thế kỷ này nền kinh tế toàn cầu sẽ phát triển với quy mô gấp 80 lần những năm 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên theo ông điều này hoàn toàn đi ngược lại những hiểu biết của chúng ta về sự hữu hạn của nguồn tài nguyên nhiên và hệ sinh thái mỏng manh mà con người nhờ vào đó để duy trì sự sống … Trong khi đó các hệ sinh thái trên trái đất ước tính đã suy giảm 60% kể từ buổi bình minh của nhân loại.
Định giá tài nguyên thiên nhiên
Vậy biện pháp nào là tốt nhất để ngăn chặn quá trình suy thoái này?
Được công bố cuối năm 2009, Báo cáo kinh tế về các hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB) được thực hiện trong một dự án quy mô kéo dài 3 năm với sự tài trợ của nhiều quốc gia thuộc khối Cộng đồng chung Châu Âu. Bản báo cáo đã lập luận rằng quá trình suy thoái các hệ sinh thái bắt nguồn từ việc không định giá được “các nguồn vốn tự nhiên” trong chỉ số GDP.
Bạn có thể cải tiến GDP, khiến nó có ý nghĩa hơn bằng cách tính đến tài nguyên thiên nhiên, nhờ đó phát tín hiệu đến những người ra quyết định về cách thức họ quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, điều này không làm cho chỉ số đó được chấp nhận như biện pháp duy nhất đánh giá sự phát triển. Ngay cả với tài nguyên thiên nhiên, nó cũng không cho bạn biết liệu xã hội có được hưởng lợi, hay hành vi của con người được cải thiện hơn hay không. Đó là một bước tiến nhưng vẫn còn xa mới đến lúc chính sách quốc gia được định hướng bởi cái gì đó khác ngoài chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
- Aniol Esteban, trưởng ban Kinh tế Môi trường của Quỹ Kinh tế mới - |
Chủ nhiệm dự án, ông Paven Sukhdev, giám đốc điều hành mảng Thị trường toàn cầu của Ngân hàng Deutsche (Đức), nhận xét: “Con người thường không nhận thức được rằng sự sinh tồn của chúng ta phụ thuộc vào hành tinh mà chúng ta gọi là Trái đất. Chắc chắn chúng ta sẽ không đời nào xẻ cửa nhà mình ra làm củi nhưng lại đang phá hủy những cánh rừng và những đại dương trong ngôi nhà chung Trái đất.”
Báo cáo TEEB đã cố gắng chỉ ra giá trị của các dịch vụ sinh thái từ các cánh rừng, sông hồ, đất đai, nguồn nước và thủy sản…, những thứ mà theo Sukhdev là có thể định giá. Ví dụ, khả năng cung cấp dịch vụ sinh thái cho con người từ các rạn san hô có trị giá tới 1,2 triệu USD/ha mỗi năm. Hay như ở Venezuela, việc đầu tư vào hệ thống khu bảo tồn quốc gia đang ngăn chặn quá trình lắng đọng trầm tích vốn làm giảm nguồn thu của ngành nông nghiệp nước này tới 3,5 triệu USD mỗi năm.
Bản báo cáo cũng cung cấp cách biểu diễn các số liệu trong một bản cân đối ngân sách. Lấy ví dụ việc trồng và bảo vệ gần 12 nghìn ha rừng ngập mặn ở Việt Nam hàng năm chỉ tốn hơn 1 triệu USD, trong khi cần đến trên 7 triệu USD mỗi năm cho công tác bảo vệ đê.
Duy trì chỉ số GDP
Theo ông Sukhdev, dù rõ ràng là chưa thoả đáng, song việc giữ lại chỉ số GDP đồng thời bổ sung các yếu tố tài nguyên thiên nhiên là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường vì GDP là một chỉ số đơn giản, dễ dàng nắm bắt và áp dụng.
Trước đây đã có nhiều nỗ lực đánh giá và điều chỉnh lại những khiếm khuyết của GDP. Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên hợp quốc và Dấu chân Sinh thái của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) là hai trong số các biện pháp đã được đề xuất thay thế để đánh giá sự phát triển.
Buộc các nhà hoạch định phải lưu tâm
Sukhdev lập luận rằng chỉ bằng cách quy các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành tiền mặt mới khiến các nhà hoạch định chính sách, các chính phủ và các nhà kinh tế học xác định giá trị của nó.
Hoạch định chính sách là một công việc phải đối diện với sự so sánh và đánh đổi, nhiều khi khập khiễng. Bằng cách quy đổi quá trình hình thành hoặc suy kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên ra đơn vị tiền tệ, chúng ta có thể đánh giá tác động chưa được xác định của chúng đến nền kinh tế. Nhờ đó chúng ta có thêm nhiều thông tin cho việc phân tích và đưa ra quyết định.
Sukhdev cho rằng GDP đơn thuần chỉ là một dòng chảy cổ phiếu và tiền vốn. Nếu chúng ta thêm vào đó yếu tố tài nguyên, chẳng hạn nếu chúng ta lấy gỗ từ rừng chúng ta sẽ mất rừng phòng hộ bảo vệ lũ lụt, không còn lá phổi điều hòa không khí…, thì tác động tổng thể của các yếu tố sẽ được phản ánh trên bản cân đối.
Thay thế GDP?
GDP là một chỉ số được Liên Hợp Quốc đề ra và trong vài năm tới sẽ không có thay đổi đáng kể nào về nội dung cơ bản liên quan đến yếu tố nguồn vốn tự nhiên.
Tuy đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu các biện pháp đánh giá tăng trưởng thay thế GDP, trong đó có các điều chỉnh liên quan đến môi trường hay còn gọi là chỉ số “GDP xanh”, nhưng hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất nào cho các phiên bản GDP điều chỉnh này. Hơn nữa, các chỉ số đó đều có xu hướng được nghiên cứu và đề xuất bởi các tổ chức nghiên cứu thay vì các tổ chức thống kê quốc gia.
Tuy nhiên có một chỉ số môi trường đang được Ủy ban châu Âu triển khai, sẽ được áp dụng thí điểm vào năm 2010 và được công bố kết quả bổ sung bên cạnh chỉ số GDP tiêu chuẩn.
Song, đối với một số nhà phân tích, cả phương án đánh giá song song này lẫn phương án điều chỉnh của Sukhdev vẫn chưa thể đáp ứng hoàn toàn việc đánh giá tăng trưởng.