Gắn biển cho 450 cây di sản Việt Nam
2/22/2013 6:39:00 PM
(Vfej.vn)-Sau ba năm phát động, đến nay Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) đã gắn biển “Cây di sản Việt Nam” cho 450 cây ở khắp các vùng miền trên cả nước – theo thông tin tại lễ công nhận cụm sáu cây di sản ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội, ngày 19/2.
Nhân lễ hội làng nghề truyền thống kỷ niệm 1165 năm thành lập ấp Vạn Bảo (làng Vạn Phúc) tuần văn hóa du lịch làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, sáng nay VACNE phối hợp với UBND phường Vạn Phúc, ban quản lý khu di tích miếu Vạn Phúc tổ chức gắn biển công nhận sáu cây gồm hai cây bàng, cây đa tía, cây nhãn, cây rụt, và ruối là “Cây di sản Việt Nam”.
Thay mặt UBND phường Vạn Phúc, ông Đỗ Văn Lợi cho biết cụm sáu cây này trong đó có cây đa 1000 năm tuổi là những cây đầu tiên ở quận Hà Đông được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
“Sự kiện bảo tồn cây di sản hôm nay kêu gọi mọi người cùng chung tay, chung sức bảo vệ cây xanh mà các thế hệ đã để lại, qua đó nâng cao giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường cho các chủ nhân tương lai của đất nước”, ông Đỗ Văn Lợi chia sẻ trước toàn thể các khách thập phương cùng học sinh được mời đến dự tuần văn hóa du lịch làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.
Trước đó ngày 18/2, UBND huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã tổ chức lễ vinh danh cho cây sui khổng lồ và quần thể lộc vừng cổ thụ (69 gốc) trên gò thờ, đồng Láng Chương. Đây là những cây cổ thụ đầu tiên được VACNE công nhận là “Cây di sản Việt Nam” và phát động Tết trồng cây “đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đầu Xuân Quý Tỵ.
Trong số những cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam, phải kể đến cây táu ở miếu Thiên Cổ ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, có từ thời An Dương Vương đến nay đã 2.200 năm tuổi; cây samu dầu hơn 1000 tuổi, cao khoảng 70 mét, đường kính thân hơn 5,5 mét ở thượng nguồn Khe Bu thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, cho biết đến nay VACNE đã tổ chức vinh danh 450 cây di sản với hơn 40 loài cây ở trên 40 tỉnh thành của cả nước.
Có thể nói VACNE là tổ chức tiên phong đi đầu trong việc bảo vệ cây quý mà ở đó vai trò của cộng đồng quyết định đến sự thành công trong việc bảo vệ những cây đã được gắn biển “Cây di sản Việt Nam”. Việc tổ chức công nhận vinh danh và gắn bia cây di sản Việt Nam là sự kiện mới mẻ nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gene quý hiếm, bảo vệ màu xanh trong các xóm làng, trong các thành đô, trong các đền chùa, công sở... và bảo vệ đa dạng sinh học của nước nhà đồng thời đánh dấu một mốc quan trọng mang ý nghĩa khoa học và nhân văn cao trong sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường Việt Nam.
“Việc bảo vệ gìn giữ, chăm sóc cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam dù hiện hữu bất kỳ ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam là những cây không những có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là điểm đến cho khách thập phương, là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương tổ quốc Việt Nam, là nơi để chúng ta hồi tưởng, biết quý trọng sức lao động sáng tạo của các bậc tiền bối đã dầy công chăm sóc”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, VACNE, chia sẻ.
Những cây di sản đầu tiên ở Việt Nam được VANE gắn biển là cụm chín cây muỗm 1000 năm tuổi ở đền Voi Phụ, phường Thụy Khuê, quận Ba Đình, TP Hà Nội, vào đúng dịp Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội hồi tháng 10/2010.
Sau khi được công nhận là cây di sản, VACNE sẽ phối hợp với địa phương, chịu trách nhiệm về mặt bảo vệ kỹ thuật, chẳng hạn như tên kỹ thuật, hỗ trợ họ trong xác định tuổi, nếu như cây bị bệnh thì hội sẽ tư vấn cách bảo vệ. Nếu địa phương nào gặp khó khăn trong việc chăm sóc, chữa trị cho cây thì VACNE sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ. Trong trường hợp cây bị xâm lại, VACNE sẽ đến trực tiếp để can thiệp.
Mục đích của sự kiện vinh danh cây di sản Việt Nam là nhằm lựa chọn và vinh danh những cây di sản của đất nước, góp phần bảo tồn nguồn gene các cây tiêu biểu của Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam rộng rãi trong nước và ngoài nước, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Trong năm nay, VACNE cho xuất bản cuốn sách “Cây di Sản Việt Nam”. Những cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam sẽ được đưa vào cuốn sách nhằm giới thiệu tới độc giả hơn 30 loài cây đã được vinh danh trong hơn hai năm qua. Cuốn sách sẽ là tuyển tập các câu chuyện những cây di sản gắn liền với nguồn gốc, ý nghĩa, lịch sử, văn hóa và cả những khó khăn mà nhiều thế hệ đã vất vả giữ gìn, chăm sóc cây tốt tươi như ngày nay.
Minh Phúc
(VFEJ)
Lượt xem : 1647