Vietnamese English
Gần 500 tỷ đồng xây trạm quan trắc ô nhiễm

3/14/2016 4:26:00 PM

Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM đề xuất xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 225 trạm bán tự động để ghi nhận thực trạng ô nhiễm. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu từ nay đến năm 2020 với kinh phí khoảng 495 tỷ đồng.

Hệ thống trạm này dùng để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí đang có chiều hướng gia tăng ở thành phố. Khi có số liệu thống kê chính xác, TP.HCM sẽ có các giải pháp kịp thời nhằm giảm tải ô nhiễm. Trước đây, thành phố có 9 trạm quan trắc không khí tự động do Chính phủ Na Uy và Đan Mạch hỗ trợ xây dựng từ năm 2003. Đến năm 2012, những trạm này bị hỏng hoàn toàn nên thành phố chuyển sang sử dụng hệ thống quan trắc bán tự động tại 16 điểm.


Thời gian thực hiện quan trắc các điểm này là 8h-9h và 15h-16h không phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi sau những giờ này, lượng xe tải mới được phép lưu thông. Thêm nữa, kết quả dựa vào phương pháp bán tự động (nhân viên đi lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm phân tích) nên chưa cung cấp toàn diện số liệu. Do đó, khó đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí của thành phố một cách chính xác, đồng bộ. Trong khi, chỉ số khí độc hại CO (cacbon mônoxit), tiếng ồn và bụi… ở thành phố đang ở mức báo động khi đã vượt số liệu giai đoạn 2010-2014. Chất lượng tại các điểm cấp nước cũng có sự thay đổi. So với năm 2014, các chỉ tiêu pH, COD, BOD, độ mặn... có xu hướng tăng tại 50-83% các điểm quan trắc. Hầu hết các tuyến kênh đều bị ô nhiễm vi sinh vật, hàm lượng Coliform cao và đều vượt quy chuẩn cho phép QCVN.

Nước mặn xâm nhập 13/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long

TTXVN cho biết đến trung tuần tháng 3/2016 toàn bộ 13/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bị nước mặn xâm nhập; trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang... Riêng tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã tại địa bàn huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn xâm nhập, tất cả các xã còn lại của tỉnh này đã bị mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Hiện nay và dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt tưới cho sản xuất nông nghiệp lớn; đồng thời lượng bốc hơi cao, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn. Do các yếu tố trên, kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh nên xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ diễn ra nhiều bất lợi cho sản xuất và nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, một số khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 5/2016 khi có gió chướng cấp 5, cấp 6 trở lên độ mặn sẽ tăng cao. Nếu tháng 5/2016 có mưa tại Đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Mê Kông độ mặn sẽ giảm nhiều so với dự báo.

Lắp đặt thêm 200 thùng rác ở trung tâm Sài Gòn

Sáng 14/3, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết vừa giao cho Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị TP HCM  lắp thêm 200 thùng rác mới dọc các tuyến đường Lê Duẩn, Lê Lợi, Pasteur, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP HCM). Các thùng rác này là loại 90 lít, màu xanh, dạng rời...

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị TP HCM, tổng kinh phí đầu tư 200 thùng rác đợt này là 120 triệu. Sắp tới, công ty lắp thêm thùng rác mới tại nhiều tuyến đường để góp phần cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách – theo Zing.

Liên hợp quốc ca ngợi Nhật Bản là hình mẫu đối phó thảm họa

Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình khi kiên cường vượt qua những mất mát sau thảm họa động đất sóng thần, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong tương lai. Đây là khẳng định của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhân dịp Nhật Bản tưởng niệm 5 năm ngày xảy ra thảm họa kép làm ít nhất 18.000 người thiệt mạng và mất tích, tàn phá nặng nề khu vực Đông Bắc và kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thời bình của quốc gia này – theo TTXVN.

Trong một tuyên bố ngày 10/3, Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh Nhật Bản đã trải qua một thảm họa tự nhiên “chưa từng có” trong lịch sử, mà qua đó cả thế giới bắt đầu nhận ra “bản chất khó lường của các mức độ rủi ro và thảm họa.” Hiện Nhật Bản vẫn đang tiếp tục những nỗ lực tái thiết cũng như tìm cách tránh lặp lại thảm họa, trong đó nâng cao khả năng đối phó với sóng thần. Đến nay, Nhật Bản đã đi được một nửa chặng đường trong kế hoạch 10 năm tái thiết được chính phủ đưa ra năm 2011. Theo giới chức Nhật Bản, công tác phục hồi và tái thiết đã có những kết quả nhất định, nhưng còn thiếu sót. Tất cả sẽ được hoàn thiện trên mọi khía cạnh trong vòng 5 năm tới, nhằm là đem lại sự hồi sinh cho tỉnh Fukushima - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố hạt nhân.

Liban chi 50 triệu USD giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải

Theo hãng thông tấn quốc gia Liban, nội các nước này ngày 12/3 đã thông qua kế hoạch mở hai bãi rác tạm thời nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng rác thải kéo dài đã 8 tháng qua, kéo theo các cuộc biểu tình phản đối của hàng nghìn người dân.Hai bãi rác tạm thời sẽ được mở ở Bourj Hammoud, phía Đông Bắc thủ đô Beirut, và khu vực duyên hải Costa Brava, phía Nam Beirut, trong khi việc mở lại bãi rác Naameh sẽ được thực hiện trong vòng 2 tháng.

Kế hoạch này sẽ được thực thi trong vòng 4 năm. Trong khoảng thời gian này, chính phủ sẽ đưa ra một giải pháp lâu dài đối với vấn đề rác thải của nước này. Cũng theo kế hoạch trên, Chính phủ Liban cũng sẽ dành 50 triệu USD cho các dự án phát triển tại các thị trấn gần các khu vực xử lý rác thải và sẽ hỗ trợ hàng năm 8 triệu USD đối với các cộng đồng ở khu vực có bãi rác hoạt động – theo TTXVN.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1946