Tình trạng khô hạn,
thiếu nước sẽ lan rộng ra ở các tỉnh miền Trung, trong đó khô hạn tại khu vực từ Nghệ An đến Bắc Bình Thuận khả năng kéo dài tới tháng 8-9/2016. Ở khu vực Nam Bình Thuận và Tây Nguyên tình trạng thiếu nước sẽ kéo dài đến đầu tháng 6 tới. Xâm nhập mặn sẽ lấn sau vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Trung bộ. Trong khi đó, tại Nam bộ, trong tháng 4, khả năng lưu lượng nước thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long được duy trì. Từ nay đến cuối tháng 5 đỉnh triều giảm, nên độ mặn trên hệ thống sông Mekong và sông Đồng Nai-Sài Gòn và Vàm cỏ có xu thế giảm dần, nhưng vẫn cao hơn năm 2015. Riêng vùng bán đảo Cà Mau-Kiên Giang độ mặn cao nhất năm sẽ xuất hiện vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 – theo Tiền Phong.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em
Green Earth (Trái đất xanh) - một chương trình nâng cao ý thức
bảo vệ môi trường dành cho trẻ em và các bậc cha mẹ sẽ được tổ chức vào 09h00 ngày 24/4 tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội. Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày Trái đất 22-4 do hệ thống Giáo dục quốc tế cho trẻ em khởi xướng – theo An Ninh Thủ Đô.
Đến với chương trình, các em sẽ được tham gia nhảy flashmob “Dân vũ rửa tay”, xem trình diễn thời trang từ những “siêu mẫu” nhỏ tuổi từ trường mầm non Canada Maple Bear với những trang phục làm từ các nguyên liệu tái chế, thi vẽ tranh chủ đề “
Trái đất xanh trong mắt em”, giao lưu với các MC khách mời, nghệ sỹ hài vui tính… Ngoài ra, Ban tổ chức còn bố trí các khu tạo hình, nghệ thuật, khu khám phá khoa học, khu âm nhạc, khu thể thao… đáp ứng nhu cầu vận động, vui chơi, cảm thụ, sáng tạo của các em. Sự kiện được mở cửa miễn phí.
Lốc kèm theo mưa đá làm hư hại 320 nhà dân
Khoảng 17h30 đến 18h00 chiều 17/4, một cơn
lốc xoáy với cường độ rất mạnh kèm theo mưa đá tràn qua địa bàn xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế làm hư hại khoảng 320 nhà dân; trong đó có 52 nhà bị hư hại nặng từ 1/2 mái nhà trở lên, cây cối đổ ngổn ngang. Trận lốc còn làm hư hại 6 phòng học của một trường Trung học cơ sở trên địa bàn. Lốc xoáy cũng làm cho bà Trần Thị Rơi (53 tuổi, ngụ thôn Truông Cầu) bị thương khi đang cố đóng cửa nhà.
Nhiều người chứng kiến trận lốc cho biết, trong cơn lốc còn có mưa đá; trong khi trên địa bàn xã Phong Hiền còn có 150ha lúa đang thời kỳ trổ bông, dù chưa thống kê được thiệt hại nhưng ảnh hưởng đến thu hoạch là điều chắc chắn. Lốc còn làm đứt nhiều đường dây điện trên địa bàn dẫn đến mất điện trên toàn xã – theo Nông nghiệp Việt Nam.
Triển khai 4 dự án hạn chế ô nhiễm môi trường Sông Nhuệ, Sông Đáy
Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang triển khai 4 dự án hạn chế ô nhiễm môi trường Sông Nhuệ, Sông Đáy gồm: Dự án nâng cấp trục chính Sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông, cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang Sông Nhuệ từ cống Hà Đông đến đường Vành đai 4 và nâng cấp trục chính Sông Nhuệ đoạn từ Vành đai 4 đến hết hệ thống; Dự án: Nạo vét lòng dẫn Sông Đáy đoạn từ đập Đáy đến cầu Mai Lĩnh đang chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình
xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Rùa Hạ - Rùa Thượng (huyện Thanh Oai); Dự án: Nhà máy xử lý nước thải làng nghề và sinh hoạt tại xã Vân Canh, xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức; Dự án: Trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.
Các dự án trên hoàn thành sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nước của lưu vực Sông Nhuệ, Sông Đáy, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong khu vực.
Một người Việt đến Nam Cực tham gia hành trình chống biến đổi khí hậu
Vào tháng 3/2016, Nguyễn Thị Thùy Vân, chuyên viên bộ phận Tư vấn Tài chính của Deloitte Việt Nam, đã tham gia hành trình “Leadership on the Edge” của Tổ chức 2041 xuất phát từ thành phố cực Nam của thế giới Ushuaia đến châu Nam Cực. Thùy Vân đi cùng với 140 thành viên tiêu biểu khác được tuyển chọn từ hàng ngàn hồ sơ đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Trong hành trình, Vân đã được gặp gỡ, làm quen, hoạt động tập thể với các bạn bè quốc tế xuất sắc và cùng chí hướng. Các chuyên gia cũng được mời đến hành trình để các thành viên hành trình được học và trao đổi về các kỹ năng lãnh đạo, các kiến thức về môi trường,
biến đổi khí hậu.
Được sáng lập bởi ngài Robert Swan, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng là người đầu tiên trong lịch sử đi bộ đến 2 cực của trái đất vào những năm 1980, Tổ chức 2041 là một đơn vị đã vận động không mệt mỏi trong suốt 13 năm qua kể từ khi thành lập năm 2003 để nâng cao nhận thức của thế hệ lãnh đạo tương lai về các vấn đề biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của bảo vệ châu Nam Cực trong bảo vệ khí hậu toàn cầu – theo Thanh Niên.
Xây trường trên đất ô nhiễm, gần 500 học sinh phát bệnh
Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc hô 17/4 đã mở cuộc điều tra sau khi khoảng 500 học sinh của trường Quốc tế Changzhou ở tỉnh Giang Tô xuất hiện các triệu chứng liên quan tới bệnh do ô nhiễm gây ra. Theo trường Quốc tế Changzhou, sau khi bác sĩ kiểm tra 641 học sinh, có 493 học sinh được chẩn đoán mắc các chứng bệnh khác nhau. Các bệnh mà các học sinh này mắc phải bao gồm bệnh bạch cầu, viêm da, bệnh chàm, viêm cuống phổi và triệu chứng bất thường trong máu, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin.
PL TP HCM đưa tin Trường Quốc tế Changzhou, tỉnh Giang Tô được xây dựng trên một khu đất vốn bị ô nhiễm hồi tháng 9/2015. Chính quyền địa phương xác nhận ngôi trường mới được xây dựng trên một khu đất bị bỏ hoang mà trước đây là nơi ba nhà máy hóa chất mọc lên. Các nhà máy này đã sản xuất các hóa chất có tính độc hại cao như carbofuran và methomyl. Những người trước đây từng làm việc cho các nhà máy trên nói rằng họ đã chôn hóa chất độc hại gần nhà máy để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Một báo cáo về môi trường cho thấy đất và các mạch nước ngầm gần đó chứa các chất ô nhiễm hữu cơ, bao gồm chlorobenzene và carbon tetrachloride. Các chất ô nhiễm kim loại nặng như thủy ngân, chì và cadimi cũng được phát hiện ở đó. Theo báo cáo, nồng độ chlorobenzene trong các mạch nước ngầm và đất đã vượt quá mức bình thường.
Thế giới mất diện tích rừng bằng 1.000 sân bóng mỗi giờ
Theo Telegraph, thế giới đã mất đi
diện tích rừng tương đương 1.000 sân bóng đá mỗi giờ trong 25 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo vấn nạn phá rừng là một vấn đề lớn đối với thế giới do tài nguyên rừng đang bị cạn kiệt nhanh chóng. Sau ngày Quốc tế về Rừng 21/3 năm nay, một nghiên cứu cho biết ước tính hiện còn 3.000 tỷ cây xanh trên Trái Đất.Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, Trái Đất đã mất 1,3 triệu km2 rừng từ năm 1990 tới nay, lớn hơn diện tích quốc gia Nam Phi.
Trong khi vùng Trung Đông và Bắc Phi có tỷ lệ gia tăng diện tích rừng lớn nhất từ năm 1990 đến 2015, thì khu vực Mỹ Latin, Caribe và tiểu vùng Sahara châu Phi mất nhiều diện tích rừng nhất, mỗi khu vực giảm 10%. Khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất, 970.000 km2 từ năm 1990 đến 2015. Vùng này có diện tích rừng lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 1/4 tổng diện tích rừng toàn cầu. Đến năm 2012, hơn 14% diện tích đất trên thế giới được các quốc gia bảo vệ.Mỹ Latin và khu vực Caribe dẫn đầu tỷ lệ này, với 21,2% tổng diện tích đất được bảo vệ - Theo Vnexpress.