Cam kết cùng hành động
Ngày 27/5, các bộ trưởng khí hậu, môi trường và năng lượng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc hội nghị kéo dài hai ngày tại Berlin (Đức), với việc lần đầu tiên cam kết tăng gấp đôi tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các bộ trưởng G7 - gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Anh, Italy, Pháp và Đức, đã thông qua hàng loạt biện pháp quan trọng nhằm tăng cường tham vọng bảo vệ khí hậu.
Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, G7 nhất trí tới năm 2025 tăng gấp đôi nguồn lực tài chính cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ các nước này khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Đại diện nước chủ nhà Đức tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường. (Ảnh: AP)
Một điểm quan trọng được các bộ trưởng G7 thông qua là lần đầu tiên cam kết mục tiêu tạo ra nguồn điện không carbon tới năm 2035, hướng tới chấm dứt sử dụng điện than.
Ngoài ra, G7 cũng sẽ chấm dứt tài trợ cho hoạt động sản xuất nhiên liệu hoá thạch tới cuối năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng có một số trường hợp ngoại lệ nếu các trường hợp này đáp ứng mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, G7 cam kết tới năm 2025 sẽ chấm dứt các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hoá thạch mà các nước đang sử dụng để hỗ trợ người dân do giá năng lượng tăng cao.
Bên cạnh đó, G7 cũng hướng tới mục tiêu giảm mạnh nguồn điện than, hướng tới trung hòa carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tới năm 2030, nâng cao đáng kể số phương tiện không phát thải trong thập kỷ này.
G7 cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các ngành công nghiệp với mục tiêu đạt được sự nhất trí chung để sản xuất thép và ximăng gần như không phát thải. G7 nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn để giảm phát thải CO2 và đề ra một bộ công cụ để khử carbon trong lĩnh vực công nghiệp.
Các nước G7 cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác với một số quốc gia đang phát triển và mới nổi để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài các vấn đề trên, G7 cũng nhất trí mục tiêu bảo vệ các đại dương, cụ thể là gìn giữ, bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng biển, thúc đẩy giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Trong tuyên bố cuối cùng của G7, cam kết về chấm dứt sử dụng điện than với thời hạn chót là năm 2030 đã bị xoá bỏ so với dự thảo ban đầu.
Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke bày tỏ hài lòng với kết quả đạt được tại hội nghị G7 lần này.
Bà cho rằng tuyên bố cuối cùng của hội nghị "nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học trong tự nhiên và cam kết chống ô nhiễm rác thải nhựa."
Bên cạnh đó, G7 cũng nhất trí tiến hành Hội nghị bảo tồn tự nhiên thế giới trong năm nay, đưa vấn đề bảo vệ các đại dương vào trọng tâm trong các chính sách của G7.
"Quá trình chuyển đổi xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu"
Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng các vấn đề kinh tế và khí hậu Đức Robert Habeck ngày 26/5 bày tỏ kỳ vọng G7 có thể đóng vai trò tiên phong nhất định “nhằm thúc đẩy việc chấm dứt sử dụng than trong sản xuất điện cũng như quá trình khử carbon trong các hoạt động giao thông vận tải”.
Ngoài ra, ông Habeck cũng cho biết vấn đề này có thể được chuyển tới Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7, dự kiến tổ chức vào tháng tới tại Elmau, Đức, và sau đó là cuộc họp của quan chức cấp cao nhóm G20 vào cuối năm nay. Giới quan sát nhận định, việc đưa các nước G20 tham gia vào các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng sẽ mang ý nghĩa quan trọng bởi một số nền kinh tế lớn, mới nổi hiện nay như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Cuộc họp các bộ trưởng năng lượng và môi trường của G7 diễn ra trong một thời điểm “nhạy cảm”, khi biến đổi khí hậu được cho là tác nhân gây ra những kiểu hình thời tiết cực đoan tại nhiều khu vực trên thế giới, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với thách thức lớn đến từ cuộc xung đột tại Ukraine. Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga hứng chịu trừng phạt của phương Tây dẫn đến việc Moscow đáp trả bằng cách cắt nguồn cung khí đốt đến nhiều nước. Cuộc xung đột dẫn đến việc nhiều nước phải vật lộn để tìm nguồn cung nhiên liệu khác ngoài Nga, khiến nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay có thể làm suy yếu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Các nhóm vận động vì môi trường cảnh báo những quốc gia như Đức đang có nguy cơ làm đổ bể “mục tiêu xanh” của chính mình.
Đáp lại những quan ngại này, ông Robert Habeck ngày 26/5 nhận định, việc tìm nguồn nhiên liệu hóa thạch thay thế sẽ không ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo vệ môi trường. Thay vào đó, tình trạng khẩn cấp về năng lượng và lạm phát cao sẽ trở thành “bước đệm đầu tiên để nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”.
Đồng quan điểm này, Đặc phái viên của Mỹ về khí hậu John Kerry nhận định, các nước “cần nhanh chóng tăng tốc”, không nên lấy việc cuộc chiến leo thang tại Ukraine làm lý do để “tăng cường chuyển hướng xây dựng một hệ thống trạm bơm nhiên liệu hóa thạch mới”.
Các nhà vận động vì môi trường cũng kêu gọi các nước nhóm G7 đưa ra cam kết rõ ràng rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ không “làm chệch hướng” mục tiêu xanh của họ. David Ryfisch, chuyên gia về chính sách khí hậu tại tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch, cho biết, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có xung đột và chiến tranh, “các nước G7 buộc phải ứng phó nhưng nên thông qua các biện pháp, nguồn năng lượng tái tạo, chứ không phải xây dựng cơ sở vật chất để khai thác nhiên liệu hóa thạch”.
Bà Kadri Simson, Ủy viên châu Âu về năng lượng, nhấn mạnh: “Với tư cách là bộ trưởng phụ trách năng lượng và môi trường của các nước G7, chúng tôi có mặt tại Berlin ngày hôm nay để gửi đi thông điệp rõ ràng rằng quá trình chuyển đổi xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Hà Lan