El Ninô tái xuất hiện
8/26/2009 5:08:00 PM
El Ninô xuất hiện khi nhiệt độ mặt nước biển thuộc khu vực ở vùng biển xích đạo đông Thái Bình Dương (vùng biển Nam Mỹ) tăng lên bất thường. Theo chỉ tiêu phân loại của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Ôxtrâylia (NCC), ngưỡng để xác định hiện tượng El Ninô xuất hiện là, khi chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SSTA) khu vực trên đạt trị số từ +0,8 0C trở lên và chỉ số biến động nam (SOI) đạt từ - 1 trở xuống.
El Ninô tái xuất hiện
TS. Phạm Đức Thi
Hộ Bảo vệ TN&MT Việt Nam
El Ninô xuất hiện khi nhiệt độ mặt nước biển thuộc khu vực ở vùng biển xích đạo đông Thái Bình Dương (vùng biển Nam Mỹ) tăng lên bất thường. Theo chỉ tiêu phân loại của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Ôxtrâylia (NCC), ngưỡng để xác định hiện tượng El Ninô xuất hiện là, khi chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SSTA) khu vực trên đạt trị số từ +0,8 0C trở lên và chỉ số biến động nam (SOI) đạt từ - 1 trở xuống.
Theo quan sát của các nhà khí tượng Ôxtrâylia, trạng thái trung tính được duy trì cho đến tháng 5/2009 với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SSTA) ở các khu vực NINO đều đạt dưới 0,4oC, sang tháng 6, SSTA đã chạm ngưỡng El Ninô với trị số 0,7 - 0,8oC, trị số SOI đạt tới - 2. Điều này phù hợp với bản tin dự báo ENSO ngày 18/VI/2009 của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Xã hội học (IRI): trên khu vực xích đạo TBD, trạng thái khí quyển và đại dương đã bắt đầu chạm ngưỡng của điều kiện El Ninô yếu với đa số các mô hình thống kê và động lực đều biểu thị sự dịch chuyển từ trạng thái trung tính sang các điều kiện El Ninô trong 3 tháng tới (tháng 7, 8 và 9/2009) với xác suất: El Ninô: 62%; trung tính: 37% và La Nina: 1%.
Sang 7 ngày đầu tháng 7/2009, NCC quan sát thấy SSTA khu vực này đã cao hơn + 1oC, có điểm đạt + 2 oC và dự báo SSTA tháng 7 đạt 1,13oC. Tổng hợp kết quả dự báo hiện tượng ENSO cho năm 2009 của các Trung tâm dự báo lớn trên thế giới do NCC công bố ngày 8/7 vừa qua cho thấy, 6/7 mô hình đều dự báo, hiện tượng El Ninô được thiết lập trong nửa sau của năm 2009. Mô hình dự báo khí quyển đai dương của Australia (POAMA) cho kết quả chi tiết hơn: từ tháng 8/2009 đến tháng 2/2010, trí số SSTA đạt từ 1,37 đến 1,80oC. Vậy là, hiện tượng El Ninô, sau khi kết thúc hoạt động vào tháng 2/2007, đã tái xuất hiện trong tháng 7/2009 và kéo dài sang 2 tháng đầu năm 2010, trong đó cần đề phòng El Ninô mạnh lên vào tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, với SSTA được dự báo đạt 1,76 oC (tháng 12/2009) và 1,80 oC (tháng 1/2010).
Trong năm El Ninô, sự nóng lên khác thường của nước biển ở vùng biển xích đạo đông Thái Bình Dương làm nhiễu động hoàn lưu chung khí quyển, dẫn đến diễn biến thời tiết hết sức bất thường ở nhiều nơi trên thế giới. Mưa lớn ở đông Thái Bình Dương; thời tiết nắng nóng, khô hạn trầm trọng ở nhiều nước Đông và Nam Á. El Ninô 1997-1998, mạnh kỷ lục thế kỷ XX, đã làm khu vực bắc Ôxtrâylia, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước khác bị hạn hán nghiêm trọng, cháy rừng ở nhiều nơi, tiêu biểu là ở Indonesia, gây thảm họa môi trường sinh thái ở nước này và trong khu vực. Cũng do tác động của hiện tượng El Ninô này, thảm họa đáng kể đã xảy ra với các rạn san hô, tới 16% rạn san hô trên toàn thế giới bị tẩy trắng, có 30 quốc gia báo cáo mất san hô.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, vào những năm El Ninô thường xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt, ít mưa, hạn hán khắc nghiệt kéo dài trên diện rộng; bão ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm, nhưng xuất hiện những cơn bão có cường độ mạnh và có chiều hướng dịch xuống phía nam. El Ninô năm 1997-1998 là một ví dụ điển hình, ít mưa, nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng ở hầu khắp Việt Nam, nghiêm trọng nhất là ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, nhiều sông suối vừa và nhỏ cạn kiệt nước, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nạn cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi làm hàng chục vạn ha rừng bị thiêu hủy. Thiệt hại vật chất rất nghiêm trọng, môi trường sinh thái bị ô nhiễm.
Bão số 5 (Linda) đổ bộ vào khu vực Bạc Liêu - Cà Mau tối 2/11/1997, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản. Bão số 5 chứng tỏ, vào những năm El Ninô, tuy số lượng bão không nhiều nhưng thường xuất hiện những cơn bão có cường độ mạnh và có chiều hướng dịch xuống phía nam. Điều này được minh chứng thêm bởi cơn bão Durian đổ bộ vào khu vực Bến Tre đầu tháng 12/2006, cũng là năm El Ninô.
Chưa nói đến những thiên tai nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và trong khu vực quanh ta, tại Việt Nam, thiên tai hạn hán khắc nghiệt trên diện rộng, mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ cũng như nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác trong thời gian vừa qua đã chứng tỏ tính bất thường, phức tạp của thời tiết thủy văn. Trong thời gian tới, với sự xuất hiện của hiện tượng El Ninô và trong xu thế ấm lên toàn cầu, diễn biến của thời tiết thủy văn sẽ càng phức tạp, khó lường hơn. Chủ động đối mặt với các tình huống xấu nhất do thiên tai gây ra vẫn là giải pháp tối ưu.
Lượt xem : 2273