Từ khi Công ty Innov Green Nghệ An vào xúc tiến trồng rừng, người dân xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong, Nghệ An) đang phải đối mặt với nhiếu nỗi âu lo từ một doanh nghiệp mà họ không hiểu đến từ đâu.
LTS: Ngày 10/3/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo "Ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi Chính phủ rà soát", xung quanh việc một số địa phương cho nước ngoài thuê đất rừng.
Trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT rà soát và báo cáo. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đã có 10 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài với tổng diện tích dự kiến là 305.353 ha.
Thực tế đến nay, các tỉnh mới chỉ quyết định cho thuê và cho phép liên doanh, liên kết được 33.824 ha (bằng 11,1% so diện tích dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư);. Diện tích đã cho thuê là 15.664 ha (5,2%) và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha (bằng 5,7%).
Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết, diện tích rừng được giao cho các nhà đầu tư nước ngoài có cả rừng phóng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh – quốc phòng.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc hành trình dài qua các địa phương Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam… để tận mắt xem các dự án đã được cho thuê đất như thế nào? Nghe tiếng nói của các địa phương đã cho thuê đất và hỏi những người dân sở tại xem họ đã được hưởng những lợi gì từ các dự án này?
Điều dễ nhận thấy rằng, nếu Thủ tướng không kịp thời yêu cầu các bộ ngành kiểm tra và báo cáo đầy đủ rồi ra chỉ đạo dứt điểm, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, không ký hợp đồng cho thuê đất mới, chờ Chính phủ rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp phép, thì hệ quả chưa biết sẽ dẫn tới đâu?
VietNamNet đăng tải loạt bài về việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài để Chính phủ có thêm một kênh thông tin từ thực tiễn tại các địa phương.
|
Nhóm phóng viên VietNamNet rời Lạng Sơn, Quảng Ninh tìm về Nghệ An để tìm hiểu về con đường “vào rừng” của Innov Green tại tỉnh này.
Tại thời điểm này, Công ty TNHH Innov Green Nghệ An (gọi tắt là Công ty Innov Green Nghệ An) đã tiến hành phát thực bì để chuẩn bị trồng rừng trên diện tích đất thuê thuộc bản Cắm, xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong, Nghệ An).
Tuy nhiên, hầu hết người dân địa phương là người dân tộc Thái và Khơ Mú không biết Công ty Innov Green từ đâu đến, và họ sẽ được gì khi không còn đất rừng để canh tác và sinh sống theo tập quán bao đời nay.
Đường vào suôn sẻ của doanh nghiệp nước ngoài
Ngày 30/5/2007, Công ty Green Elite Group Co., Ltd vào Nghệ An nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp và thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
|
Dân ở rừng sống nhờ vào rẫy, nay đất canh tác bị tỉnh cho thuê, 40 hộ dân ở bản Hôi May đang bế tắc tìm hướng đi cho cuộc sống tương lai.
|
Theo hồ sơ, Công ty Green Elite Group Co., Ltd có giấy xác nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký công ty số 298 do Bộ Thương mại, Vương quốc Campuchia cấp ngày 25/2/2004. Đại diện của công ty này là ông Yu Yao Hung (Paul Yu) có quốc tịch Trung Quốc.
Ngày 25/6/2007, Công ty Green Elite Group Co., Ltd được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư số 271 043 000 003 với tên doanh nghiệp là Công ty Innov Green Nghệ An, có trụ sở tại Khách sạn Mường Thanh – Thanh Niên (số 47 Lê Hồng Phong, TP. Vinh (Nghệ An).
Tên Dự án đầu tư là Trồng rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Địa điểm thực hiện dự án là các huyện Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong và Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An.
Diện tích đất dự kiến sử dụng là 70.000 ha, tổng số vốn đầu tư là 60 triệu đô la Mỹ (USD).
Theo đó, mục tiêu của dự án này là xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu giấy tập trung có quy mô lớn và kỹ thuật thâm canh tiên tiến, phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Cây trồng chủ yếu thuộc giống cao sản gồm: keo, bạch đàn và những cây trồng có giá trị kinh tế khác. Sau khi có nguyên liệu sẽ tiến tới xây dựng các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, bột giấy, ván ép, dăm gỗ…
500 đồng/m2 đất rừng cho thuê mỗi năm!
|
Giấy chứng nhận của UBND tỉnh Nghệ An cho thuê đất rừng tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
|
Ngày 4/2/2009, Công ty Innov Green nộp hồ sơ lên Sở tài nguyên Môi trường (TNMT) Nghệ An xin thuê 27.030.238,0m2 đất tại các xã Cắm Muộn và Quang Phong thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An).
Ngày 25/2/2009, Sở TNMT Nghệ An có công văn số 420/STNMT-QLĐĐ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho công ty Innov Green thuê diện tích đất nói trên để sử dụng vào mục đích trồng rừng nguyên liệu giấy với thời hạn thuê đất đến ngày 25/6/2057.
Đến ngày 28/5/2009, ông Nguyễn Đình Chi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định số 180/QĐ-UBND.ĐC về việc cho Công ty Innov Green Nghệ An thuê đất tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An).
Theo quyết định này, Công ty Innov Green Nghệ An được thuê 9.785.864,0m2 (798,5864ha) đất rừng tại xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong, Nghệ An) để sử dụng vào mục đích trồng rừng nguyên liệu.
Thời hạn thuê đất từ ngày 28/5/2009 cho đến ngày 25/6/2057. Giá thuê đất là 500 đồng/m2 .
Theo công văn số 1225/STNMT-QLĐĐ của sở TNMT Nghệ An gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc cho Công ty Innov Green Nghệ An thuê đất tại xã cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An), thì diện tích đất này là đất hoang đồi núi chưa sử dụng, hiện do UBND xã Cắm Muộn quản lý.
Ngày 23/7/2009, ông Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở TNMT Nghệ An ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A0 786581 cho Công ty Innov Green Nghệ An.
Theo đó, diện tích đất giao cho Công ty Innov Green Nghệ An là 6.694.269,0m2 (trên 669 ha), thuộc địa bàn xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An). Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 25/6/2057.
Nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Mục đích sử dụng đất để trồng rừng sản xuất.
|
Công ty Innov Green đốt thực bì, chuẩn bị trồng cây ở bản Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
|
Bên cạnh đó, trong quá trình trồng rừng tại xã Cắm Muộn, do có tranh chấp địa giới giữa hai xã Cắm Muộn và Nậm Nhoóng, UBND huyện Quế Phong đã tạm giao cho xã Nậm Nhoóng quản lý 1.500ha đất chưa được giải quyết tranh chấp giữa hai xã.
Trong 1.500ha đất nói trên, có 300ha đã được giao cho Công ty Innov Green Nghệ An.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Công ty Innov Green Nghệ An đã được cho thuê gần 1000ha đất rừng ở 2 xã Cắm Muộn và Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong, Nghệ An) và bắt đầu xúc tiến trồng rừng.