Vietnamese English
Dưới bóng Cây Di sản…

7/31/2023 2:11:00 PM

(VACNE) - Sự kiện cây đa cổ thụ trên 200 năm tuổi tại Đình Trung vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam là dấu ấn đáng tự hào của dân làng Trúc Hà, xã Đại Hưng. Tự hào không chỉ bởi là danh hiệu lần đầu tiên vùng đất phía Tây này của huyện Đại Lộc vinh dự “sở hữu” mà dưới bóng Cây Di sản, trầm tích lịch sử - văn hóa của vùng đất “cụ” cây tọa lạc được phát lộ. Khi tán lá đa rộng lớn cứ rì rào, rì rào trong gió và nắng tháng Bảy, như đang say sưa kể những câu chuyện một thời xa lơ xa lắc của quê xứ…

Rằng, Trúc Hà xưa vốn là một trong “Chín xã sông Con”- trải dài từ xã Đại Lãnh tới xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc ngày nay. Ai về Chín xã Sông Con/ Hỏi thăm Tú Đỉnh có còn hay không? Câu ca ấy nhắc nhớ về căn cứ thứ hai của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam cuối thế kỷ 19, sau Trung Lộc (nay thuộc huyện Nông Sơn), do Tán tương quân vụ Trần Đỉnh (còn có tên gọi Tán Thừa), quê làng Gia Cốc, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, nay thuộc thôn Gia Huệ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, chỉ huy. Từ căn cứ địa Chín xã sông Con, nghĩa quân đã xuất kích, tổ chức những trận đánh Pháp oanh liệt trên cánh đồng Gia Cốc (vùng B Đại Lộc) hay Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên), khiến quân thù nhiều phen thất điên bát đảo. Trúc Hà xưa cũng chứng kiến nỗi đau tột cùng khi mà Tú Đỉnh bị Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu nghi ngờ là “nhị tâm” và triệu về Trung Lộc xử chém. Mất người chỉ huy, căn cứ Chín xã sông Con như rắn mất đầu, nhanh chóng tan vỡ. Trong dân gian vẫn còn truyền khẩu câu ca: Tiếng đồn Tú Đỉnh sông Con/ Nghe lời Đồng Khánh lên non mất đầu…

Rằng, Trúc Hà xưa gắn liền với truyền thuyết về vị vua tương lai của triều Nguyễn trong những tháng ngày bôn tẩu “ngàn cân treo sợi tóc”. Tương truyền, sau khi quân Chúa Trịnh do danh tướng Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy đánh chiếm Phú Xuân (Huế), Định vương Nguyễn Phúc Thuần cùng người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Quảng Nam bằng đường bộ thì gặp cánh quân của Tây Sơn do nữ đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy truy sát. Môt lần, khi quân Chúa Nguyễn từ Hóc Tướng vượt qua sông Con thì gặp một cánh đồng thuộc làng Trúc Hà bây giờ, ở đó có năm người phụ nữ đang cấy lúa. Hỏi đường, được họ chỉ đi theo hướng tây. Quân Tây Sơn tiếp sau tới hỏi đường, họ lại chỉ sang hướng khác. Bị lừa, quân Tây Sơn quay lại giết chết năm người đàn bà. Về sau, khi thống nhất giang sơn, nhớ ơn kẻ đã cứu mạng mình, vua Gia Long sắc phong cho năm bà là Ngũ hành tiên nương; cho xây một ngôi miếu tại nơi họ tử nạn. Hằng năm, vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, dân làng Trúc Hà tổ chức cúng tế tại miếu Ngũ hành tiên nương rất long trọng. Năm Thành Thái thứ mười một (1899), vua ban dụ cho phép lấy một phần đất đai thuộc về huyện Diên Phước (tức là huyện Điện Bàn sau này), huyện Hòa Vang (nay thuộc thành phố Đà Nẵng), huyện Duy Xuyên cùng với một xã của huyện Quế Sơn để lập thành một huyện mới- Đại Lộc. Phải chăng khi đặt tên cho vùng đất có nghĩa là “lộc lớn” này, triều Nguyễn muốn ghi ơn con người, đất đai nơi đây đã từng cưu mang, bảo vệ vị vua đầu triều?

…Cây đa cổ thụ Đình Trung “tự bạch”: Làng Trúc Hà xưa từng có một ngôi đình to lớn, khang trang, uy nghiêm- Đình Trung, được xây dựng vào thời vua Minh Mạng. Đây là một trong bảy công trình văn hoá, lịch sử của làng, tạo thành một quần thể di tích độc đáo khó tìm thấy ở các làng khác trong vùng. Đình Trung cấu trúc gỗ lim, trính kèo thuộc hạng danh mộc được khắc chạm tinh xảo. Tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương, chiều dài 12m, rộng 9m; chia làm 3 gian 2 chái. Đình thờ 4 cấp: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần và Nhân hiển thần. Chính diện thờ Thành Hoàng; 2 gian thứ thờ các vị tiền bối hữu công; 2 gian chái thờ những vị có công với làng, với dân. Trung đình là nơi tế tự trong lễ hội. Tiền đình (sảnh) là nơi sinh hoạt, hội họp của các chức sắc trong các ngày đại lễ. Đình Trung là nơi diễn ra các hoạt tâm linh của nhân dân địa phương trong việc tế lễ hằng năm. Thời chín năm chống Pháp, Đình Trung là “bản doanh” của Chi bộ xã Đại Lãnh và cũng là nơi Huyện đội Đại Lộc tổ chức huấn luyện cho lực lượng vũ trang xã Đại Lãnh để bảo vệ vững chắc căn cứ Hồng – Lãnh, một An toàn khu, nơi đứng chân của các cơ quan cấp huyện, tỉnh, khu vực, của các đơn vị bộ đội địa phương.

Cây đa được trồng vào thời điểm hoàn thành xây dựng Đình Trung, nằm ở vị trí phía đông của đình. Như vậy, tuổi thọ của “cụ” cây đã ngót nghét hai thế kỷ. Hiện gốc rất to, tán rộng khoảng 40m, cao khoảng 30m, nhiều rễ lớn. Cây đa Đình Trung gắn liền với nhiều sự kiện văn hóa tín ngưỡng - tâm linh ở làng Trúc Hà cùng các nghi lễ, các hoạt động văn hoá - văn nghệ mỗi khi Tết đến, Xuân về. Điều khá lạ và khó lý giải là trải qua chiến tranh, liên tục bị bom đạn cày xới, Đình Trung bị phá hủy hoàn toàn, song cây đa cổ thụ bên cạnh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” và xanh tốt đến tận ngày nay.

Và ít ai ngờ, dưới bóng đa Đình Trung ngày ấy từng có một cậu bé chăn trâu cắt cỏ nhưng rất hiếu học- Đặng Huy Huỳnh. Đặc biệt, cậu rất yêu thiên nhiên, cây cối. Để rồi, sau này, như một cơ duyên, cả cuộc đời học tập, nghiên cứu khoa học đều gắn liền với đam mê này, được ngợi ca là “một đời người- ngàn rừng cây”. Khi mới 14 tuổi, Đặng Huy Huỳnh gia nhập quân ngũ. Từ đó cho đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, sống và chiến đấu ở chiến trường khu 5 và Hạ Lào, ông hầu như chỉ ở trong rừng. Yêu rừng nên ông chọn gắn bó với lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường sau khi xuất ngũ. Đặng Huy Huỳnh được cử đi học, đào tạo ở trong nước và nước ngoài, làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Tiến hóa hình thái Seversov Moskva thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Khi về nước, ông làm Phó Viện trưởng rồi làm Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh liên tục là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam. Ông đã hai lần được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Năm 2017, Đặng Huy Huỳnh là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN vì có nhiều đóng góp cho đa dạng sinh học ASEAN thông qua các hoạt động, những sáng kiến của mình, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực. Nhưng có lẽ một trong những hoạt động mà ông để lại dấu ấn đậm nét hơn cả, đó là Chương trình vinh danh Cây Di sản Việt Nam, bắt đầu từ năm 2010. Theo đó, Cây Di sản Việt Nam (Vietnam heritage tree) bao gồm những cây gỗ lớn, cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể. 

A group of people standing under a treeDescription automatically generated

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (thứ hai, từ trái sang) bên cây đa tại Đình Trung, thôn Trúc Hà, Đại Hưng, Đại Lộc vừa được vinh danh Cây Di sản Việt Nam.

Trở lại với Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây đa tại Đình Trung, thôn Trúc Hà. Là người con sống xa quê đã ngót tám thập kỷ, nay trở về thăm làng xưa ở lớp tuổi cửu thập, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh gửi đến cử tọa lời tâm sự chân thành: Việc vinh danh Cây Di sản nhằm góp phần bảo tồn nguồn gene tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, bảo vệ Cây Di sản cũng chính là bảo vệ và giữ gìn giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh. Ông đặt câu hỏi: Nếu không có những cuộc vinh danh Cây di sản thì cây sẽ ra sao? - Có lẽ một số cây sẽ vẫn tồn tại như bao lâu nay. Nhưng cũng có nhiều cây có thể sẽ chết dần, cả về thực thể cây, cả về ý nghĩa, giá trị của cây với cộng đồng. Bởi thế, vinh danh cây đồng nghĩa với cuộc giải cứu, nâng tầm cho cây. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cũng cho biết, đến nay, ông cùng các nhà khoa học đã vinh danh được 5.500 Cây Di sản trên khắp cả nước. Các cây được vinh danh đều có tuổi đời từ 200 năm đến 2.000 tuổi, cá biệt có những cây đến 3.000 tuổi như cây Samu dầu ở Vường Quốc gia Pù mát (Nghệ An) hay cây táu cổ ở đền Cổ Miếu (Phú Thọ) có tuổi đời đến 2.200 năm tuổi. Phần thưởng lớn nhất cho ông khi thực hiện Chương trình vinh danh Cây Di sản Việt Nam chính là việc người dân chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Tự bản thân họ thấy việc cần thiết phải bảo vệ, giống như thứ tài sản tích trữ lại dành cho đời con, đời cháu. Bởi một khi môi trường bị phá hủy thì các thế hệ con cháu sau này khó mà khắc phục. Ông khẩn thiết đề nghị chính quyền xã Đại Hưng cùng cộng đồng người dân địa phương cần thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản, đồng thời tính toán đến việc khai thác giá trị kinh tế nhờ cây Di sản bằng cách liên kết biến Cây Di sản thành sản phẩm/điểm du lịch tham quan khám phá bản địa.

…Tôi nhớ có một bạn viết từng thổ lộ rằng, mỗi lần đến với “cụ” cây là mỗi lần cảm thấy mình trẻ lại. Bởi đơn thuần so với tuổi của “cụ” cây, mấy mươi năm của mình thơ ấu vô cùng. Chỉ thầm thì mong “cụ” hãy sống và sống lâu hơn nữa. Để chứng kiến, để kể lại bằng tiếng nói lặng thầm hay đơn thuần chỉ để lưu giữ những dòng ý nghĩ không bao giờ có thể thốt thành lời. Lúc nào mệt mỏi hãy về với “cụ”. Lắng nghe trăm tuổi thở những dòng dưỡng khí lặng thầm. Nghe câu chuyện sự sống dài đằng đẵng của người xưa để tạm quên những gì đằng đẵng trong lòng mình. Về với cây đa cổ thụ Đình Trung- Cây Di sản Việt Nam, tôi và nhiều người cùng chung tâm trạng như thế!

Vân Trình (ghi chép)

Lượt xem : 1343