Vietnamese English
Đừng ứng xử thụt lùi

3/1/2020 6:37:00 AM

Một tòa nhà, một khu đô thị có thể xây dựng trong một vài năm hay… một nhiệm kỳ. Nhưng để có một môi trường trong lành, có những thành phố xanh, cần phải mất một thời gian dài hơn thế nhiều.

 

dung ung xu thut lui
Ảnh minh họa (Nguồn: Intetnet).

Nhìn ra thế giới, có thật nhiều bài học chúng ta cần noi theo. Mới nhất, tại Thông điệp Liên bang hàng năm, Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban đã công bố một loạt kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc trồng cây mở rộng diện tích rừng, “trồng 10 cây xanh mỗi khi có một em bé chào đời, hướng tới mục tiêu tăng diện tích rừng trên cả nước lên 27% vào năm 2030".

Thực ra, điều này không mới, gần chúng ta là Philippines, cũng đã ra điều luật rất thiết thực rằng, học sinh phải trồng 10 cây xanh nếu muốn tốt nghiệp.

Nhìn bạn, soi ta. Mỗi năm, vào dịp đầu xuân, chúng ta cũng tổ chức phát động Tết trồng cây. Hàng vạn cây xanh theo đó đã được trồng. Thế nhưng, các con số thống kê hàng năm về tỷ lệ cây xanh trên đầu người lại chưa đạt được như mong muốn!? Đối nghịch với số cây trồng mới, tỷ lệ các mảng rừng xanh bị chặt hạ, đốt phá không mấy thuyên giảm. Đó thực sự là một mối lo với môi trường sống của chúng ta.

Làm sao để các chiến dịch, các chương trình hành động vì môi trường không chỉ là khẩu hiệu?! Đó là điều không dễ!

Trong một thời gian dài phát triển công nghiệp như vũ bão, nhiều nước phương Tây đã phải trả giá đắt cho sự thái quá của mình: Môi trường sống bị tàn phá do công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nhưng thật may, họ đã kịp thời tỉnh ngộ, hướng đến một cuộc sống bền vững hơn, gắn bó, hài hòa với thiên nhiên hơn.

Trong công cuộc phát triển ấy, rất nhiều nước đi sau cũng “tự rút ra bài học” để tránh những hệ lụy. Thế nhưng, với Việt Nam, trong khi chúng ta chưa định hình, xây dựng một nền công nghiệp hiện đại cho rõ hình hài thì các quốc gia khác đã nhanh chóng rẽ lối đi khác theo hướng bền vững, hài hòa hơn.

Nhìn lại chúng ta, thời gian qua, sự cố gắng và những nỗ lực của giới truyền thông cho việc gìn giữ môi trường, hướng tới cuộc sống xanh là điều đáng khích lệ. Nhưng, điểm lại thực tiễn chung thì sức lan tỏa của các hoạt động vì môi trường dường như còn vấp phải quá nhiều trở ngại. Bằng chứng là, hàng loạt các vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường thời gian qua dù được giới truyền thông lên tiếng, nhưng rồi lại “lắng xuống”.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ rất lâu, người ta đã biết lấy sự tôn trọng đối với luật pháp làm thước đo trình độ tổ chức của xã hội, đồng thời làm động lực cho sự phát triển xã hội. Và một khi luật pháp bị gạt sang một bên, thì một cách tự nhiên, bản năng ứng xử sơ cấp sẽ trỗi dậy để điều khiển hành vi của con người. Kiểu như, một người (một DN) xả rác (xả thải) bừa bãi mà chẳng bị sao, thì những người bên cạnh sẽ theo đó mà làm, chẳng việc gì phải giữ gìn.

Những con đường trên cao, những đô thị bề thế, nói không quá lời, sẽ chẳng thể là nơi sống tốt nếu thiếu đi những khoảng không gian xanh. Người dân đô thị không thể có được môi trường sống tốt nếu vẫn cứ xúm xít trong những khu rừng bê tông, bị bao quanh bởi taxi, giao thông, và hàng triệu người lạ.

Mỗi đợt Xuân về, sau những lễ phát động rầm rộ, hàng vạn cây xanh được trồng. Nhưng đằng sau đó, hàng vạn héc-ta rừng nguyên sinh cũng dần mất đi bởi chính bàn tay con người. Những khu đô thị mới mọc lên, cả ngàn cổ thụ cùng gục ngã. Đã có thống kê nào về sự đánh đổi ấy!?

Một cánh rừng bị chặt hạ, chẳng cấp chính quyền nào chịu trách nhiệm, khi đó, những cánh rừng tiếp theo sẽ khó có cơ hội tồn tại… Những kiểu ứng xử như thế, hiển nhiên sẽ làm cho xã hội, thay vì tiến lên, lại đi thụt lùi.

Dù nhìn thấy điều đó, nhưng để khắc phục, ứng xử với thiên nhiên một cách hài hòa, văn minh mới, với chúng ta, có lẽ sẽ còn không ít chông gai.

Ngọc Lý/Xaydung

Lượt xem : 1431