Vietnamese English
Đừng để đàn Voi ở Tây Nguyên trở thành huyền thoại

12/17/2009 9:42:00 AM

Nhiều nhà khoa học lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng cho môi trường, cho sự tồn vong cuả các loài sinh vật, đặc biệt là đàn voi ở Tây Nguyên, trước sự khai thác quá mức của con người và không muốn chúng sẽ trở thành “huyền thoại” như tiêu đề mà những người tổ chức đã đặt ra.



Tuần lễ văn hóa du lịch với chủ đề "Huyền thoại voi Tây Nguyên" bắt đầu khai mạc tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đêm 16/12/ 2009 và được quảng bá trực tiếp trên một số kênh Truyền hình, nhằm thu hút  khách du lịch. Đây là hoạt động hưởng ứng chương trình kích cầu của ngành du lịch Việt Nam, tiến tới kỷ niệm 35 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột. Nhưng nhiều nhà khoa học lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng cho môi trường, cho sự tồn vong cuả các loài sinh vật, đặc biệt là đàn voi ở đây, trước sự khai thác quá mức của con người và không muốn chúng sẽ trở thành “huyền thoại” như tiêu đề mà những người tổ chức đã đặt ra. 

              Hầu như ai cũng biết, khách du lịch đến với Tây Nguyên nhờ sự hấp dẫn của núi rừng đại ngàn, sự trung thành cần mẫn của những đàn voi, cũng như những nét văn hóa đặc trưng của những tộc người Ê đê, Gia Lai, M’Nông… Thế nhưng, vì nhu cầu phát triển kinh tế trước mắt, đã có lúc chúng ta đã hành xử đối với các loài động, thực vật ở đây, trong đó có đàn voi rừng một cách thiếu khoa học và đang dẫn chúng tới bờ vực của sự tuyệt chủng.

               GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội đồng KHKT của VACNE  tỏ ra lo lắng: hiện nay số lượng voi còn tồn tại trong rừng ở cả 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên chưa tới 70 cá thể và số voi nhà cũng không vượt quá 60 con. Nếu đem so sánh với số lượng voi mà Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thống kê được cách đây 30 năm (khoảng 300 voi rừng và gần 100 voi nhà) thì mới thấy rõ nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi Tây Nguyên đang hiện hữu. Từ năm 1992 loài động vật quý hiếm này đã được ghi vào trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới ở cấp độ bảo vệ cao nhất.

             Trước sức ép của nhu cầu phát triển kinh tế sau chiến tranh và do nhận thức chưa kịp thời đại, nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đã tàn phá  môi trường sống cuả các loài thú rừng một cách không thương tiếc. Đi kèm theo đó là tình trạng quản lý lỏng lẻo, thậm chí còn cổ vũ cho việc săn bắt voi rừng. Cụ thể là đã có lúc báo chí của chúng ta còn tôn vinh Ama Thu, Ama Kông như một nhân vật Anh hùng, vì đã dũng cảm và có nhiều mưu mẹo bẫy, bắt được hàng trăm con voi rừng. Chỉ tới khi nhận ra đàn voi rừng bị giảm sút quá nhanh, cùng các loài động vật quý hiếm khác mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam như Tê giác một sừng, Sao la, Mang lớn…đã tới bờ vực của sự tuyệt chủng; đặc biệt là loài bò rừng Cu-plây  của Tây Nguyên đã vĩnh viễn biến mất khỏi hành tinh, chúng ta mới vội vã thành lập hàng loạt khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia; đồng thời ban hành lệnh cấm săn bắt voi, thú rừng. Có lúc tưởng như những con voi rừng bị săn bắt, được thuần dưỡng thành voi nhà, làm nhiệm vụ kéo gỗ, chở khách du lịch …sẽ có kết cục tốt hơn. Nhưng khi môi trường sống hoang dã không còn, thức ăn thiếu thốn và phải sống tù túng trong vòng xiềng xích, nhiều cá thể voi cũng chết dần, chết mòn. Một số con được dùng vào việc phục vụ khách du lịch được chăm sọc kỹ lưỡng hơn, trông khỏe mạnh nhưng khả năng sinh sản cũng không có gì là sáng sủa. Thực tế đã có những cuộc hôn phối giữa voi thuần dưỡng với nhau, hoặc giữa voi rừng với voi nhà, nhưng kết quả
sinh sản cực kỳ thấp. Chính đồng bào bản địa cũng nhận ra điều này và từ bỏ truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi. Theo GS.TS Đặng Huy Huỳnh: sở dĩ khả năng chửa đẻ của voi mẹ cũng như tỷ lệ sống sót của voi con thấp, là do môi trường sống tự nhiên của chúng bị đảo lộn. Voi rừng ở Việt Nam phân bố rộng khắp khu vực Tây Nguyên, chúng chủ yếu sống trong rừng nguyên sinh Chư Yang Sin (huyện Lăk và Krông Bông) và vùng rừng giáp giới Campuchia trải dài từ huyện Ea Súp đến Buôn Đôn (Đắk Lắk) và các huyện Chư Jút, Đắk Mil (Đắk Nông), đặc biệt chúng tập trung nhiều trong vườn quốc gia Yôk Đôn bên kia dòng sông Sêrêpôk. Nhưng nay, hầu hết các cánh rừng này đã bị tàn phá nặng nề và những con voi có ngà cũng luôn bị thợ săn rình rập hạ sát.
 
            Theo kịch bản, trong “Tuần lễ văn hóa du lịch” này sẽ là  một chuỗi những hoạt động “mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc và huyền thoại về những đàn voi Tây Nguyên”. Trong đó có trại sáng tác điêu khắc gỗ, lễ hội đường phố ,ẩm thực và  tái hiện các nghi lễ săn bắt thuần dưỡng voi rừng, lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê… Trong đó, hội voi tại huyện Buôn Đôn được coi là “một điểm nhấn hấp dẫn nhất”. Sẽ có 30 chú voi tham gia vào các cuộc thi chạy, thi kéo vật nặng và vượt sông Sêrêpôk…Nếu đúng như lễ hội đua voi trước đây, thì trên mỗi chú voi phải có 2 chàng Mơ gát (người điều khiển). Chàng Mơ gát phía trước điều khiển voi bằng cách thúc Kreo (một thanh sắt nhọn) vào những điểm đã định phía đầu con vật, còn chàng Mơ gát thứ 2 ngồi phía sau dùng chiếc búa gỗ gõ mạnh vào mông voi. Những hiệu lệnh này của con người sẽ được các chú voi thực thi nghiêm túc và ngay lập tức. Khi thắng, những người điều khiển sẽ được tặng hoa, được thưởng 1 con lợn và 7 ché rượu quý. Còn chú voi thắng cuộc cũng được gắn hoa, khoác đai vải màu đỏ như con người và còn được tặng những cây mía (hoặc những ống đường).   

           Như lời quảng bá, Tuần lễ văn hóa du lịch "Huyền thoại voi Tây Nguyên" này còn có nhiều hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, với huyền thoại về những “ chàng trai, cô gái da nâu, mắt sáng hiền hòa”, huyền thoại về chàng dũng sĩ Đam San oai hùng và các nữ tù trưởng H’Nhi, H’Bhi xinh đẹp…Nhưng hầu như ban tổ chức đã “quên” những hoạt động có thể khơi dậy những nét đẹp của tầng sâu văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc ở đây. Đó là các luật tục rất quý trong việc bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh học của Tây Nguyên./.
 
 
           
 
Quang Chính VACNE

Lượt xem : 2083