Vietnamese English
Dùng camera để ngăn chặn, xử lý vi phạm về môi trường

9/19/2020 2:53:00 PM

TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao ý thức người dân, chống xả rác thải bừa bãi. Trong đó có việc lắp đặt hệ thống camera để giám sát, xử lý những hành vi vi phạm về môi trường đô thị.


Giảm hành vi xả thải, đổ trộm

Tại khu vực Sông Giồng (phường An Phú, quận 2), gần đây các bãi rác tự phát đã được dọn dẹp, các tuyến đường ven sông sạch sẽ hơn. “Khi chưa có camera giám sát hành vi đổ rác ra môi trường thì khu vực này thường chịu cảnh rác tràn lan. Thế nhưng khi có camera, cùng với việc chính quyền vận động người dân không xả rác ra môi trường, nơi đây không khí đã trong lành hơn, không còn mùi hôi thối nồng nặc”, anh Nguyễn Văn Xuân Phú (ngụ đường 65, phường An Phú) vui mừng cho biết.

TP Hồ Chí Minh tăng cường giám sát môi trường bằng hệ thống camera. Ảnh: HÀ KIÊN

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, cũng cách đó gần 1 km, vẫn tồn tại tình trạng rác vương vãi khắp nơi, người dân đổ rác quanh các tuyến đường dân sinh dưới tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đáng nói, ở đây không có hệ thống camera giám sát.

Theo thông tin từ UBND phường An Phú, qua camera giám sát, nếu phát hiện trường hợp xả rác ra môi trường, phường sẽ cử người đến hiện trường kiểm tra và xử lý. Đây là giải pháp hiệu quả, thế nhưng, hiện nay, công tác xử lý hành vi rác thải ra môi trường cũng chưa thể bao quát hết do lực lượng tại phường mỏng. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát tại các khu vực điểm nóng cũng mới lắp đặt hạn chế, chưa triển khai được đồng loạt.

Thời gian qua, nhiều nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang triển khai hệ thống camera giám sát hành vi xả rác thải ra môi trường. Tại quận Thủ Đức, Đại úy Nguyễn Hữu Hậu, Phó Trưởng công an phường Trường Thọ cho biết, qua camera an ninh, công an phường trích xuất hình ảnh và có được thông tin của người vi phạm. Sau đó, công an phường trực tiếp mời người vi phạm lên làm việc, cho xem hình ảnh để chứng minh vi phạm. Từ những hình ảnh được ghi lại, người vi phạm nhận lỗi và viết bản tường trình. Tương tự, tại quận Gò Vấp, việc phát hiện và xử phạt thông qua camera ở quận cũng được triển khai. Thời gian qua, địa phương đã xác định được nhiều đối tượng thường xuyên dùng xe máy để vứt số lượng lớn rác sinh hoạt trên địa bàn, qua đó bố trí lực lượng chốt chặn theo dõi, bắt quả tang và lập biên bản xử phạt với mức phạt cao nhất là hai triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, hệ thống camera không thể lấp đầy tất cả điểm nóng về rác. Ở những đoạn không có đèn đường không thể lắp camera theo dõi được. Vì thế, vẫn luôn cần vận động người dân không xả rác bừa bãi.

Phường Đông Hưng Thuận (quận 12) đã lắp đặt hơn 340 camera giám sát về an ninh trật tự, an toàn giao thông, đồng thời phục vụ giám sát, phát hiện để kịp thời xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường. Qua giám sát và tuần tra của lực lượng chức năng phường, từ năm 2019 đến nay, UBND phường đã xử phạt 19 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 75 triệu đồng.

Dùng camera để ngăn chặn, xử lý vi phạm về môi trường -0

Tăng cường sử dụng camera để phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Ảnh: QUANG HUY 

Đồng bộ nhiều giải pháp

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có công văn chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành triển khai giải pháp sử dụng cả camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Đây cũng là một trong những giải pháp đề ra theo tinh thần Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố nhằm xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp.

Theo thống kê từ Công ty thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 9.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó một lượng lớn bị xả sai quy định ra đường phố, kênh rạch và các miệng cống, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Giám đốc Công ty thoát nước đô thị thành phố Trần Thanh Bình cho biết, các cuộc vận động người dân thời gian qua đã có hiệu quả tích cực. Thế nhưng, tình trạng xả rác vẫn còn phức tạp do thiếu biện pháp chế tài hành vi xả rác. Vì vậy, việc xử phạt qua camera cho thấy là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn các hành vi trên.

Cũng theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, song song việc triển khai hệ thống camera ghi hình hành vi xả thải ra môi trường, các quận, huyện cần đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, kết hợp thắt chặt công tác quản lý chủ nguồn thải bằng các chế tài nghiêm khắc. 

Trao đổi với Thời Nay, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) cho biết, lực lượng Cảnh sát môi trường thành phố sẽ tăng cường phối hợp công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh công cộng để xác minh nhân thân lai lịch, hành vi của đối tượng thông qua hình ảnh trích xuất từ camera, qua đó đề xuất UBND các cấp xử phạt theo thẩm quyền. Các quận, huyện sẽ xúc tiến lắp đặt thêm camera tại các vị trí thường xuyên bị xả rác như những tuyến đường vắng, gầm cầu, chợ… Ngoài ra có thể tận dụng thêm nguồn camera từ các hộ gia đình. Đồng thời, bố trí thêm lực lượng ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xả rác ra môi trường. 

Cũng trong thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thường xuyên phát sinh những bãi rác thải rắn cồng kềnh ở nhiều tuyến đường, khu dân cư gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Thành phố đã yêu cầu các quận, huyện tổ chức lắp đặt camera giám sát tại các vị trí thường xuyên phát sinh chất thải rắn cồng kềnh thải bỏ không đúng nơi quy định. Song song đó, quận, huyện có trách nhiệm tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm đối với các trường hợp ở địa phương không tuân thủ và thải bỏ chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định.

Tính đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố đã lắp đặt hơn 23 nghìn camera an ninh kết hợp giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị; trang bị hơn 33 nghìn thùng rác công cộng tại các tuyến đường, tuyến hẻm. Đã có 741/775 điểm đen, điểm ô nhiễm về rác thải được xử lý, trong đó có 91 điểm được chuyển hóa thành vườn hoa, khu vui chơi cho thanh, thiếu nhi… 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về bảo vệ môi trường, 24/24 quận, huyện triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị.

Qua gần hai năm triển khai cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã vận động hơn 1,3 triệu hộ dân trên địa bàn ký cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định vì thành phố văn minh, sạch đẹp.

HÀ NGUYỄN, CHÍ KIÊN/Thoinay

Lượt xem : 1352