Đưa giải thưởng môi trường đến với cộng đồng
7/8/2018 6:49:00 PM
(VACNE): Bắt đầu từ năm 2001, Bộ KH,CN&MT, Bộ TN&MT tổ chức trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới hàng năm, gần đây đổi thành 2 năm 1 lần vào các năm lẻ, nhưng số lượng giải thưởng cũng tăng gấp đôi. Rất nhiều tổ chức, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu đã được trao Giải thưởng danh giá này. Một số địa phương, ngành, tổ chức quần chúng đã có sáng kiến đưa hình thức giải thưởng này đến gần với cộng đồng hơn nữa. Xin đăng tải kinh nghiệm của Tp Hồ Chí Minh được đăng trên báo SGGP
Năm 2016, Giải thưởng Môi trường TPHCM đã tôn vinh 4 cá nhân và 38 tập thể có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục khuyến khích và ghi nhận công sức của các tổ chức, cá nhân trong việc tìm kiếm, nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường, UBND TPHCM tiếp tục triển khai Giải thưởng Môi trường TPHCM năm 2018. Giải thưởng là cơ sở để giới thiệu các cá nhân, tập thể và cộng đồng tham gia Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xử lý nước thải tại Khu công nghệ cao TPHCM
Tôn vinh những đóng góp
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, năm 2018, UBND TPHCM tập trung vào các nhóm lĩnh vực để xét tặng giải thưởng. Cụ thể là lĩnh vực quản lý nhà nước; giáo dục - đào tạo - truyền thông; nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ; phòng ngừa/giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với doanh nghiệp, đòi hỏi phải có chiến lược bảo vệ môi trường hiện tại và tương lai.
Trong quá trình sản xuất phải áp dụng các giải pháp khoa học, công nghệ nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, tiết kiệm năng lượng, giảm nguyên liệu đầu vào sản xuất và tăng giá trị sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường… Ngoài ra, với mỗi doanh nghiệp thì yếu tố thể hiện trách nhiệm với môi trường sống, cũng như góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Về cá nhân, tổ chức, tiêu chuẩn xét chọn sẽ dựa trên những thành tích thực tế mà cá nhân, tổ chức đã đóng góp cho xã hội, hiệu quả của những thành tích đó và khả năng duy trì lâu dài trong thực tế là các yếu tố để thành phố quyết định trao giải thưởng môi trường.
Theo thông tin từ ban tổ chức, có nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau dành cho từng đối tượng, như đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường; mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội; có tính liên tục, thời gian tác động nhất định. Giải thưởng Môi trường TPHCM năm 2018 được tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh các cá nhân, tập thể và cộng đồng có đóng góp tích cực trong bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Giải thưởng được xét tặng 2 năm/lần nhằm động viên, khuyến khích phong trào bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời, tuyên truyền giới thiệu các gương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nên mở rộng đối tượng tham gia
Nhiều ý kiến cho rằng, để giải thưởng có sức lan tỏa sâu rộng, ban tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng đối tượng tham gia. Chia sẻ về nội dung này, đại diện Hội Nông dân TPHCM cho rằng, giải thưởng nên mở rộng thêm đối tượng tham gia; trong đó, chú trọng đến cá nhân là người dân nhiều hơn. Đồng quan điểm này, TS Trần Công Thành, Đại học Quốc gia TPHCM, đề nghị giải thưởng nên mở rộng cho các đối tượng tham gia, đặc biệt là các cá nhân ở khu phố, khu dân cư, chợ, trường học.
Ở những khu vực này, ban tổ chức nên tìm ra những cá nhân, gương điển hình là người dân, giới tiểu thương, công nhân hay sinh viên có những hành động sáng tạo, giải pháp hay trong việc bảo vệ môi trường để trao giải thì sức lan tỏa sẽ cao hơn. Trước đây, giải thưởng chỉ tập trung vào các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh hoặc tổ chức, tập thể nên mức độ lan tỏa chưa sâu rộng. Đặc biệt, ban tổ chức nên hướng dẫn cụ thể, hoặc viết hồ sơ giúp cá nhân thì sẽ thiết thực hơn, thay vì để các cá nhân viết nộp rồi xét. Trong khi đó, Hội Người cao tuổi TPHCM lại có ý kiến, nên cụ thể các tiêu chí đánh giá và cách cho điểm, làm thế nào để được xuất sắc, làm sao để đạt thang 45 điểm… vì có cụ thể các tiêu chí này thì người dân mới hiểu và thực hiện được.
Đại diện UBND quận 4 cho rằng, giải thưởng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nên đưa vào các trường học, khu phố và tuyên truyền cho giới trẻ. Ông Phạm Thanh Trực, Ban quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất TPHCM, cho rằng sau giải thưởng, ban tổ chức cần cập nhật, thông tin xem hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như quyền lợi mà các đơn vị, cá nhân đã đoạt giải so với không đoạt giải xem kết quả ra sao, rồi có những phóng sự tuyên truyền để tạo sức lan tỏa, hiệu ứng tích cực để thu hút các đơn vị, cá nhân tham gia ở những giải thưởng lần sau.
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, qua 2 lần tổ chức (năm 2014 và 2016), Giải thưởng Môi trường TPHCM đã thu hút nhiều đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố tham gia và có nhiều sáng kiến, nghiên cứu trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp. Năm nay, để giải thưởng được thành công, có sức lan tỏa sâu rộng, ban tổ chức rất cần sự chung tay của tất cả sở ngành, UBND các quận huyện để triển khai thực hiện.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân, tập thể nộp hồ sơ xét giải từ ngày 27-6 đến 30-8 tại Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, số 227 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1. ĐT: 028.38.279.669 hoặc 0918.818.881 (gặp chị Liên). Mẫu hồ sơ tải về tại trang www.donre.hochiminhcity.gov.vn hoặc www.hepza.gov.vn.
|
Theo Minh Hải (SGGP)
Lượt xem : 1845