Vietnamese English
Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 nên làm rõ Điều 159 về cộng đồng dân cư

7/16/2021 2:37:00 PM

(VACNE) – Vừa qua, TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có bản góp ý cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT” số 72/2020/QH14. Xin đăng tải toàn văn bài góp ý của TS. Trần Văn Miều với mong muốn rằng các ủy viên Ban Chấp hành và các thành viên VACNE có nhiều đóng góp bổ sung.

1. Đặt vấn đề

Kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam đã chỉ ra rằng, cộng đồng nói chung và cộng đồng dân cư sinh sống ở nông thôn và đô thị nói riêng giữ vai trò quan trọng trong các cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Nhận thức rõ vai trò của cộng đồng dân cư nên Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những quan điểm, chủ trương, chính sách và luật pháp nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 dành Chương XV và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 dành Chương XIII quy định quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Trong đó, Điều 159 quy định quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư:

“1. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu chủ dự án đầu tư, cơ sở cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

2. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với dự án đầu tư, cơ sở đó, trừ trường hợp các thông tin này thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thực hiện biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật

4. Chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường”.

Nghị định 19/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014” dành Chương VIII để hướng dẫn thực hiện vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Dự thảo Nghị định “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020” chưa có hướng dẫn thực hiện quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Từ nghiên cứu thực tế, chúng tôi cho rằng, Nghị định mới cần có hướng dẫn thực hiện quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

2. Góp ý bổ sung Nghị định mới

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đều quy định về “Đại diện cộng đồng dân cư”. Điều này chưa quy định rõ, ai là người đại diện cho cộng đồng dân cư? Do vậy, Nghị định hướng dẫn cần quy định rõ cá nhân nào và đoàn thể nhân dân nào là người đại diện cho cộng đồng dân cư?

Trong các hội thảo, hội nghị những năm 2017, 2018, 2019 để góp ý sửa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhiều lần nêu ý kiến (nghiên cứu bằng chứng từ thực tế) ở Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Đắc Lắc, An Giang, Bến Tre, Cà Mau…là: Các cộng đồng dân cư không bầu được người đại diện cho mình trong thực hiện quyền và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu năm 2016, 2017, 2018 và 2019 về vai trò của các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho thấy, cộng đồng dân cư rất khó thực hiện Nghị định 19 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Nghị định này dành Chương VIII, với 4 điều quy định về cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường:

- Điều 50, quy định việc cộng đồng dân cư lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân làm người đại diện cho mình và hình thức lựa chọn thông qua cuộc họp toàn thể cộng đồng hoặc đại diện hộ gia đình. Trong thực tế quy định này rất khó thực hiện. Bởi vì: (i) Trong quy định chưa làm rõ cuộc họp toàn thể cộng đồng bao gồm những đối tượng nào; (ii) Chưa quy định làm rõ tỷ lệ (%) người dự họp là bao nhiêu và tỷ lệ bao nhiêu người dự họp tán thành thì cuộc họp cộng đồng dân cư có giá trị; (iii) Quy định này cũng chưa làm rõ hình thức lựa chọn tổ chức và cá nhân làm người đại diện cho cộng đồng dân cư (giơ tay hay bỏ phiếu kín); (iv) Chưa quy định nhiệm kỳ của người đại diện; (v) Chưa có quy định thủ tục, hình thức bãi miễn người đại diện khi người này không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm pháp luật.

 Điều 51 quy định các loại thông tin, hình thức cung cấp thông tin, thời gian cung cấp thông tin và trách nhiệm cung cấp thông tin có liên quan đến môi trường cho cộng đồng dân cư. Trong thực tế, những quy định này chỉ phù hợp với cộng đồng dân cư sống tập trung ở đồng bằng và đô thị, còn rất khó thực hiện tại nhiều cộng đồng dân cư khác, nhất là những cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

 Điều 52, quy định những việc làm sau đây phải tham vấn và chịu sự giám sát của cộng đồng: (i) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án bảo vệ môi trường cấp quốc gia, vùng, liên vùng và cấp tỉnh; (ii) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; (iii) Xác lập các chỉ tiêu về môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, liên vùng, vùng và cấp tỉnh. Trong thực tế, cộng đồng dân cư hoặc đại diện cho cộng đồng dân cư khó tham gia vào các buổi tham vấn và giám sát những việc làm thuộc quy định trên. Bởi vì, cộng đồng dân cư hoặc đại diện cho cộng đồng dân cư không đủ năng lực (kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng) và không đủ nguồn lực để tham vấn và giám sát (tài chính, cán bộ và thiết bị).

 Điều 53, quy định đại diện cộng đồng dân cư được quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của chủ dự án, tổ chức, cá nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Người hoặc tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư rất khó thực hiện việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường. Bởi vì, không có cơ chế nào bắt buộc chủ dự án, tổ chức, cá nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải mời đại diện cộng đồng dân cư tham gia đánh giá. Mặt khác, đại diện cộng đồng dân cư thiếu năng lực tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tập thể và cá nhân.

Điều 54, quy định cộng đồng dân cư tham gia thực hiện những công việc sau: (i) Nhà nước khuyến khích và có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình cộng đồng bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển bền vững, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình hoạt động, giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; tham gia quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; (iii) Cộng đồng dân cư có quyền chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các mô hình bảo vệ tài nguyên và môi trường dựa vào cộng đồng, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tham gia giám sát, kiểm tra việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; (iv) Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp và hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững; ban hành cơ chế khuyến khích cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Như vậy, các khoản trong Điều 159 quy định các quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Hiện tại, những quy định này còn nhiều nội dung chưa rõ hoặc chưa cụ thể. Do đó, nhất thiết trong Nghị định mới cần có hướng dẫn thực hiện quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Từ nghiên cứu thực tế, chúng tôi đề nghị, cần có những quy định sau trong nghị định mới: (i) Nghị định mới cần quy định rõ đoàn thể nhân dân nào là người đại diện cho cộng đồng dân cư. Theo chúng tôi nên quy định Ban Mặt trận Tổ quốc ở cộng đồng dân cư là người đại diện. Bởi ví, Ban Mặt trận có đại diện của các đoàn thể nhân dân: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội; (ii) Sửa Điều 51 theo hướng Cơ chế TAI, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho cộng đồng dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo; (iii) Sửa Điều 52 theo hướng việc tham vấn cộng đồng dân cư hoặc người đại diện là điều kiện bắt buộc khi thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án…

TS. Trần Văn Miều

Lượt xem : 1947