|
Hiện nay các loại phí bảo vệ môi trường có tính pháp lý thấp, mức thu không cao nên chưa có tính răn đe doanh nghiệp gây ô nhiễm. Ảnh: LÃ ANH
|
Chưa khuyến khích sử dụng sản phẩm sạch
Hiện nay, ở nước ta có 4 khoản phí bảo vệ môi trường đang được áp dụng đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản và xăng dầu. Bên cạnh đó có chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích việc đầu tư, sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiện với môi trường như thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với loại sản phẩm ít gây hại đến môi trường. Chẳng hạn ô tô chạy bằng năng lượng điện và năng lượng mặt trời được áp dụng thuế suất chỉ bằng 50% và 70% mức thuế suất của ô tô cùng chủng loại chạy bằng xăng.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, các chính sách đó đã đạt được những kết quả nhất định, song cũng bộc lộ không ít hạn chế. Trong chính sách thuế hiện hành, mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là những mục tiêu lồng ghép, không phải mục tiêu chính. Vì vậy chưa khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và cũng chưa khuyến khích mua các sản phẩm, thiết bị môi trường liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.
Các khoản phí bảo vệ môi trường hiện hành là công cụ kinh tế tác động trực tiếp đến đối tượng gây ô nhiễm (phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm), nhưng vì các loại phí có tính pháp lý thấp, mức thu thấp, nên tác dụng còn chưa mạnh. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng chính sách thuế riêng về môi trường, đánh vào các sản phẩm gây ô nhiễm, tác động xấu tới môi trường.
Hàng năm, kinh phí chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường rất hạn chế trong khi nhu cầu tài chính cho bảo vệ môi trường rất lớn. Chỉ tính riêng nhu cầu cho các đề án tổng thể cải tạo môi trường và chương trình xử lý ô nhiễm ở các làng nghề, khu công nghiệp đã cần 17.678 tỷ đồng/năm. Nếu tính cả nhu cầu đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư tập trung, đầu tư phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, trồng rừng và tái trồng rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhu cầu tài chính cho bảo vệ môi trường của nước ta hiện nay rất lớn.
Nhiều bất hợp lý
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hơn 300 DN cho thấy hiện nay các loại phí bảo vệ môi trường mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp của những đối tượng xả thải, chưa thúc bách DN tự mình xử lý chất thải và chưa điều chỉnh được đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường.
Theo dự thảo Luật Thuế môi trường, mức thuế tuyệt đối áp dụng với một số sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường như sau: xăng chịu mức thuế 1.000-4.000 đồng/lít, dầu diezel 500-2.000 đồng/lít, than 6.000-30.000 đồng/tấn, túi nhựa xốp 20.000-30.000 đồng/kg, thuốc sử dụng trong nông nghiệp 500-5.000 đồng/kg…
Trong cuộc khảo khảo sát của VCCI về dự luật thuế này cho thấy, các DN kiến nghị: Để tạo tâm lý ổn định cho DN, cần quy định rõ nguyên tắc xác định mức thuế cho từng thời kỳ. Chẳng hạn, thời điểm nào áp dụng mức thuế tối đa, tối thiểu… Một số DN cũng cho rằng áp mức thuế đối với xăng 1.000-4.000 đồng/lít trong khi mức thuế đối với dầu diezel 500-2.000 đồng/lít là không hợp lý, vì dầu diezel gây hại môi trường hơn xăng; phạm vi điều chỉnh đối tượng chịu thuế như trong dự luật còn hẹp.
Khi thảo luận dự luật này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng quy định có phí môi trường lại có thuế môi trường là hợp lý, vì phí đánh vào quá trình sản xuất ra sản phẩm chứ không đánh vào sản phẩm; còn thuế là đánh vào sản phẩm khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, cần có quy định rõ nội hàm của thuế và phí để phân định rõ trường hợp nào chịu phí, trường hợp nào chịu thuế môi trường. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý ban soạn thảo cần có nghiên cứu, đánh giá những yếu tố phát sinh khi áp dụng thuế môi trường để giảm những tác động làm tăng giá các sản phẩm thiết yếu.
Theo dự kiến, dự luật này sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp cuối cùng của năm 2010 vào tháng 10.
Hà My
|