Vietnamese English
Dự án 3R không thay đổi sẽ khó nhân rộng

9/27/2009 2:11:00 AM

Sau hai năm thí điểm tại Hà Nội, dự án 3R giảm thiểu 30% lượng chất thải sinh hoạt, sản xuất được 10.000 tấn phân hữu cơ vi sinh… Tuy nhiên, nếu không thực hiện cách làm mới mô hình này sẽ khó triển khai nhân rộng.

 

Tại Hội nghị cuối kỳ dự án 3R của Hà Nội tổ chức ngày 25/9, nhiều đại biểu cho rằng ý thức của nhiều người dân chưa được nâng cao, một phần do công tác tuyên truyền chưa  đủ mạnh, ngoài ra còn do thùng phân loại rác chiếm diện tích sử dụng nên nhiều người dân đã không… thèm phân loại rác tại nguồn.

Thành công bước đầu

Dự án 3R đối với rác thải sinh hoạt triển khai thí điểm tại bốn phường: Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2006.

Các hộ dân tham gia dự án 3R được phát hai thùng chứa rác sinh hoạt. Trong đó một thùng chứa rác vô cơ, một thùng chứa rác hữu cơ. Người dân được hướng dẫn cách phân loại rác tại nhà. Tại các điểm đổ rác cũng được bố trí hai thùng chứa khác nhau để người dân đổ rác.

Sau khi thực hiện phân loại rác tại nguồn, rác thải hữu cơ được vận chuyển đến Nhà máy chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để phân loại, tái chế, thành phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp. Rác vô cơ được đưa đi chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn.

Dự án cũng thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân tại các khu vực thí điểm và trên địa bàn Hà Nội như: tuyên truyền lưu động tại các địa bàn thí điểm; tham quan nhà máy chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn; giáo dục môi trường tại các trường tiểu học trên địa bàn dự án thí điểm, thu hút trên 10.000 người tham gia hội viên 3R.
 

Tranh thủ tuyên truyền tại điểm đổ rác.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, giám đốc điều hành dự án 3R tại Hà Nội cho biết tỷ lệ rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình ở các địa bàn giảm đáng kể, cụ thể phường Phan Chu Trinh giảm 45,4%, Nguyễn Du 41,6%, Láng Hạ 31,2%, Thành Công 42,1%.

Sau ba năm thực hiện, dự án đã giảm được 30% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp. Thu gom được khoảng 25 nghìn tấn rác thải hữu cơ và tái chế được hơn 10.000 tấn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ người dân nhận thấy tác dụng của phân loại rác tại nguồn đạt 50% ở các khu vực thí điểm.

Nên thay đổi cách làm

Ngoài những kết quả đáng khích lệ, dự án cũng để lại nhiều băn khoăn cho những người thực hiện, thụ hưởng dự án.

Ông Nguyễn Văn Thành, tổ trưởng tổ 1A, phường Thành Công cho biết dù cán bộ, tình nguyện viên đến từng nhà tuyên truyền vận động, nhưng thói quen của người dân lâu nay vẫn sử dụng túi nilon chứa rác.

Hơn nữa, do nhiều hộ  diện tích nhà chật hẹp, các thùng rác tỏ ra tốn diện tích nên người dân nhất định không dùng thùng, hoặc chuyển công năng thùng rác thành… thùng gạo, thùng nước.

“Nhiều người dân vẫn sử dụng túi nilon. Do không có màu sắc phân biệt ngay từ đầu nên họ vẫn phân nhầm loại rác. Đã thế khi đi đổ, mặc dù có cán bộ, nhân viên công ty hướng dẫn tại điểm tập kết rác, nhiều người dân vẫn vứt bừa vào thùng khiến việc phân loại, chế biến tốn thêm thời gian”, ông Thành cho biết.

Ngoài ra, việc tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại khu vực chợ Thành Công, nơi tập trung đông người buôn bán từ khắp nơi cũng chưa được thực hiện. Trong khi đó, khu vực này là nơi phát sinh nhiều rác thải và cần được thực hiện triệt để nhất.

Ý thức người dân chưa được nâng cao khiến không ít người  đổ rác không đúng thời gian, địa điểm. Đã thế do chưa có quy chế xử phạt nên cán bộ phường vẫn phải áp dụng biện pháp tuyên truyền là chính.

“Người dân đổ rác vào thời điểm nào, có đúng chỗ không cũng đành chịu”,  ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Du nói.

Ông Đặng Tấn Lạng, Tổ phó tổ 22, phường Trần Hưng Đạo cũng cho biết hai vợ chồng ông đã đến từng nhà vận động người dân phân loại rác tại nguồn. Song cũng vì những lí do trên mà hiệu quả của việc thực hiện phân loại rác vẫn chỉ dừng ở mức vận động.

Mạnh Đồng

Nguồn: Đất Việt, 26/9/2009

Lượt xem : 2456