Vietnamese English
Đong… nước

4/21/2020 7:51:00 AM

Tháng tư về! Không rõ thời điểm này đã bước vào đỉnh điểm mùa khô hay chưa, nhưng cái nắng rát rạt, cộng thêm những cơn gió chuyển mùa, càng khiến cho từng cánh đồng, làng mạc trở nên hanh hao. Lượng nước ít ỏi, quý giá ngay lúc này tại các ao hồ bởi thế cũng bốc hơi nhanh hơn...




Hồ Ba Bàu đã cạn kiệt nước

Hụt nguồn

Trong chuỗi ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội, anh Lê Văn Tùng ở thôn Phú Sung, xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) tranh thủ thời gian chăm sóc cho 3.000 trụ thanh long của gia đình. May mắn hơn các hộ khác trong xã, giếng khoan 50 mét trong vườn nhà vẫn còn nước. Do không sử dụng nước máy, nên giếng khoan được gia đình vừa sử dụng cho sinh hoạt, vừa tưới thanh long. Mừng hơn nữa là lứa thanh long chong đèn với 300 trụ được tưới tiêu đầy đủ, sản lượng khoảng 2,5 - 3 tấn đang chuẩn bị cắt bán với giá 15.000 - 16.000 đồng/kg. Đến thời điểm này là vậy, nhưng nếu những ngày tới chưa có mưa, nước trong giếng khoan không biết khi nào hết nước, đang là niềm trăn trở của chủ vườn…

Một người dân khác tại xã Tân Phúc (Hàm Tân) cũng phản ánh, hiện đang trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, bà con chủ yếu ở nhà. Mọi người đều thường xuyên rửa tay để phòng bệnh, nhưng lại thiếu nước sinh hoạt, chỉ nhà ai có giếng mới còn nước sử dụng… Quả thật, những khó khăn, nỗi lo ấy đang hiện hữu, khi thời điểm này tất cả các huyện trong tỉnh đang cùng chung một tình cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng… Đơn cử, chỉ tính đến trung tuần tháng 4, tổng số hộ dân thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là 25.126 hộ/ 92.824 khẩu.

Theo ông Nguyễn Hữu Huệ - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, đến ngày 2/4, tổng lượng nước hữu ích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh còn 36,2/233 triệu m3, đạt 16,1% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 71,79 triệu m3. Trong đó có 3 hồ đã hết nước gồm hồ Trà Tân, Tà Mon và Ba Bàu. Hiếm nước, nên địa bàn 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, công ty đã ngưng cấp nước tưới cho nông nghiệp, chỉ ưu tiên cấp nước sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên các tuyến kênh cấp nước sinh hoạt dọc theo khu sản xuất, tình trạng nhiều người dân lấy nước tưới cho cây trồng vẫn xảy ra, làm thất thoát và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt rất lớn. Bên cạnh đó, phần lớn các hệ thống kênh tưới là kênh đất, bồi lấp nhiều, chưa được kiên cố nên thất thoát nước lớn, dẫn đến hiệu quả sử dụng nước không cao. Thiếu nước, cuộc sống của người dân sẽ bị đảo lộn, khốn khó. Hàng ngàn ha lúa, thanh long, hoa màu đang thì đơm bông, kết trái cũng trông chờ, phụ thuộc vào nguồn nước ít ỏi…


Đồng lòng gỡ khó

Vì sao năm nay Bình Thuận lại thiếu nước diện rộng? Bởi thực tế đã diễn ra, từ tháng 11/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài. Còn theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Bình Thuận, những tháng nửa đầu năm 2020, hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo. Như vậy, mùa khô ở Bình Thuận sẽ kéo dài đến hết thời kỳ giữa tháng 5/2020. Do đó, tình hình khô hạn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt sẽ diễn ra gay gắt trong toàn tỉnh.

Trong bối cảnh tình hình thiếu nước hiện nay, không chỉ riêng sở ngành chuyên môn, mà tất cả hệ thống chính trị, từng người dân cùng phải đồng lòng gỡ khó. Trước mắt Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã kiến nghị các địa phương tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết về diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước. Người dân cần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đúng mục đích, không sử dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới nông nghiệp. Mặt khác, bà con nên chủ động khai thác nguồn nước khác để tưới, khuyến cáo nhân dân không chong đèn thanh long. Về lâu dài, việc cần làm là đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa xuống cấp, đảm bảo an toàn để trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Nhất là kiên cố hóa Kênh tiếp nước 812 - Châu Tá - Sông Quao và nâng cấp kênh chính Sông Quao để giảm tổn thất nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Song song, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình hồ Sông Lũy và sớm đầu tư xây dựng hồ Ka Pét, hồ La Ngà 3 để bổ sung nguồn nước chống hạn cho tỉnh…

Chuyện cân đo, đong đếm từng nguồn nước ít ỏi để phân bổ, phục vụ nhân dân vượt qua hạn hán không còn là nhiệm vụ riêng của ngành chức năng. Đó còn là ý thức tuân thủ, tiết kiệm nước của mỗi cá nhân, gia đình…

Kiều Hằng/Baobinhthuan

Lượt xem : 2062