Vietnamese English
Động vật hoang dã không thể là thú cưng

8/16/2021 8:22:00 AM

Động vật hoang dã là những loài động vật sống trong tự nhiên. Chúng đã sống hàng nghìn năm mà không có tác động trực tiếp từ con người. Chúng đã tiến hóa về hành vi và thích nghi để có thể tồn tại trong môi trường phức tạp và không thích nghi với việc sống trong nhà.

 


Động vật nuôi đã được con người lựa chọn để thuần dưỡng qua nhiều thế hệ. Con người đã thuần hóa và nuôi dưỡng một số loài động vật phù hợp với sự chăm sóc của con người. Động vật nuôi được lựa chọn bởi một số đặc tính nhất định như “thân thiện”, không hung dữ và sống gần gũi với con người và các loài động vật khác. Hơn nữa, phần lớn các động vật nuôi lớn lên ở khu vực gần con người; chúng đã quen với con người, và thường hình thành sự liên kết với con người. Thú cưng là động vật được con người nuôi để tạo niềm vui và sự gắn bó.

 

Đối với nhiều loài động vật hoang dã, việc nuôi dưỡng chúng như thú cưng là vô nhân đạo vì người nuôi không thể đáp ứng các nhu cầu về hành vi, xã hội, dinh dưỡng hay tâm lý. Bên cạnh đó, việc lấy động vật hoang dã làm vật nuôi có thể góp phần suy giảm loài đó vì có thể chúng được lấy từ quẩn thể đang bị suy giảm số lượng. Việc này cũng tiềm ẩn nguy hiểm bởi động vật hoang dã thường trở nên hung hăng với con người, đặc biệt khi chúng già đi. Động vật hoang dã cũng có thể mang mầm bệnh nguy hiểm cho con người. Đặc biệt, việc nuôi giữ một số loài động vật hoang dã nhất định trong nhà là trái pháp luật.



Cá thể Cầy vòi hương tại một trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã ở Bali, Indonesia (Ảnh: Paula Brostein/ Getty)

 

Vấn đề an toàn


Rất khó để kiếm được một môi trường phù hợp với động vật hoang dã, và điều này có thể dẫn đến việc phúc lợi của động vật không được đảm bảo. Đa số người nuôi không thể đáp ứng những điều kiện cần khi nuôi động vật hoang dã làm thú cưng. Một cái chuồng ở sân sau hoặc phòng khách không thể cung cấp đủ môi trường sống mà chúng cần. Động vật hoang dã có nhu cầu dinh dưỡng riêng và chúng cần được ở cùng những động vật cùng loài. Khi chúng còn nhỏ, nhiều động vật hoang dã trông có vẻ đáng yêu và thích vuốt ve. Nhưng càng lớn, chúng càng trở nên hung dữ và khó kiểm soát. Chúng cũng không có môi trường và “kĩ năng xã hội” để giao tiếp với đồng loại của mình, khiến chúng phải sống một cuộc đời cô đơn. Hơn nữa, việc người chủ thường bẻ răng, cắt móng để kiểm soát sự tấn công thường khiến chúng bị thương tật về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu được gửi đến các trung tâm cứu hộ hoặc chăm sóc, chúng cũng không thể chung sống an toàn với đồng loại.

Bệnh tật

Động vật hoang dã có thể chứa nhiều mầm bệnh gây nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già, và những người có hệ miễn dịch yếu. Chúng ta không thể tiêm vaccine cho động vật hoang dã để phòng các bệnh bởi vì những vacxin được phát triển cho động vật nuôi chưa chứng minh tính hiệu quả đối với động vật hoang dã. Đơn cử, gấu mèo và những động vật ăn thịt khác có thể mang bệnh dại hoặc bệnh caro; một số loài khỉ mang virus Herpes có thể lây nhiễm cho con người; động vật bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella. Động vật hoang dã cũng chứa ký sinh trùng như Ascaris, sán dây, sán lá, và các sinh vật đơn bào có thể gây suy nhược cơ thể và chết người, trong khi những ngoại ký sinh trùng như ve và bọ chét có thể truyền sốt phát ban Rocky Mountain, bệnh dịch hạch và một số bệnh dịch nguy hiểm khác. Một số bệnh khác có thể lây truyền cho con người bao gồm bại liệt, lao, sốt gan bạch cầu, hắc lào và viêm gan.

 


Trà My (Theo Association of Zoos and Aquariums)

Lượt xem : 1813