Giai đoạn 2022 - 2032, đề án đề ra mục tiêu là nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu thả ra có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Hiện các hạng mục công trình hạ tầng phục vụ Đề án bảo tồn và Phục hồi sếu đầu đỏ được Vườn quốc gia Tràm Chim đẩy nhanh tiến độ, đồng thời phối hợp với các sở, ngành thực hiện các phần việc như: điều chỉnh “dự án” thành “đề án”, tổ chức hội thảo khoa học.
Hiện tại, các hạng mục công trình hạ tầng phục vụ Đề án Bảo tồn và Phục hồi sếu đầu đỏ được Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) đang được đẩy nhanh tiến độ
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim với mục tiêu phục hồi và phát triển đàn sếu bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên. Trong vòng 10 năm tới đàn sếu thả ra sẽ có thể tự sinh sản và tự tồn tại ngoài tự nhiên.
Dự án có 4 nội dung chính gồm: Nuôi, thả sếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim; cải thiện môi trường sống của sếu; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xung quanh vườn. Quảng bá, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế bền vững dựa vào sếu đầu đỏ và nông nghiệp hữu cơ, vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương. Dự toán tổng kinh phí thực hiện hơn 76 tỷ đồng. Trong đó, việc cải thiện môi trường sinh cảnh cho đàn sếu gần 13 tỷ đồng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gần 6 tỷ đồng và quảng bá du lịch gần 8 tỷ đồng.
Hiện UBND tỉnh Đồng Tháp đang quy hoạch khu A4 thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi thả nuôi sếu ra tự nhiên. Xung quanh khu vực này là vùng đệm với diện tích 1.623 ha sẽ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Minh Trang