Vietnamese English
Đồng Nai: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát huy giá trị của rừng

6/4/2021 7:49:00 AM

Không chỉ là một tỉnh có sự phát triển kinh tế năng động, Đồng Nai còn được biết đến là vùng đất có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) với các hệ sinh thái rừng, sông, hồ... phong phú.


 

Tour du lịch khám phá rừng kết hợp bảo vệ môi trường rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Quang Trung

Các địa danh như Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (H.Tân Phú), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu), rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, rừng phòng hộ Tân Phú (H.Định Quán), núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc), sông Đồng Nai, sông Thị Vải, hồ Trị An… có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên cho cả khu vực Đông Nam bộ.

* Nhiều dự án bảo tồn ĐDSH

Từ nhiều năm nay, Đồng Nai đã triển khai thực hiện tốt các kế hoạch bảo tồn ĐDSH, nhiều dự án liên quan tới hoạt động bảo tồn ĐDSH được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: dự án điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2015…

Được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2005, VQG Cát Tiên có hệ sinh thái độc đáo, phong phú và đa dạng. Với 5 kiểu hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Đông Nam bộ như: rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, rừng lồ ô tre nứa thuần loại và thảm thực vật rừng ở vùng đất ngập nước ven sông mang tính chất đặc biệt của VQG Cát Tiên và là vùng đất ngập nước Ramsar (Bàu Sấu) có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế.    

Đồng Nai có trên 197 ngàn ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng là gần 172 ngàn ha (rừng tự nhiên 123 ngàn ha và rừng trồng đã thành rừng trên 48ha). Đồng Nai đã ghi nhận được trên 2,8 ngàn loài thực vật bậc cao, thuộc 192 họ, trong 6 ngành thực vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bằng 14% so với khu hệ thực vật cả nước.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thìn, Phó trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế (thuộc VQG Cát Tiên) cho biết, sự phong phú của các hệ thực vật tại VQG Cát Tiên là điều kiện thuận lợi để các loài động vật cư trú, sinh sống và phát triển và có giá trị, ý nghĩa về mặt bảo tồn. VQG Cát Tiên hiện có 1.655 loài thực vật và 1.730 loài động vật hoang dã. Thời gian qua, VQG đã xây dựng, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề tài, dự án và phương án, điều tra, giám sát...

Cụ thể như, tăng cường tuần tra của lực lượng kiểm lâm nhằm ngăn chặn tác động xấu của con người đến hệ sinh thái (cháy rừng, phá rừng, khai thác động, thực vật rừng trái phép…); dự án Cải thiện sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đất ngập nước Ramsar - Bàu Sấu lồng ghép với các hoạt động sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường ở các xã vùng đệm do Trung tâm Đất ngập nước Ramsar Đông Á (RRC-EA) tài trợ; Bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm.

Ngoài ra, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã thực hiện tốt các nhiệm vụ cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã, nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn và phát triển ĐDSH của VQG.

Một số loài động vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Quang Trung

Ngoài ra, tại các khu vực khác như rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, rừng phòng hộ Tân Phú, núi Chứa Chan…, công tác bảo tồn và phát triển ĐDSH cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tăng thêm sự đa dạng sinh thái trên địa bàn tỉnh.Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, ngoài sự đa dạng hệ sinh thái rừng và các loài động, thực vật, Khu bảo tồn còn được mệnh danh là kho thuốc nam của cả nước và khu vực Đông Nam Á với hàng ngàn loại cây thuốc quý. Để bảo tồn và phát huy giá trị của cây thuốc, những năm qua, Khu bảo tồn có khá nhiều dự án liên quan đến sưu tầm, bảo tồn cho nguồn cây thuốc phát triển như: dự án Đầu tư, phát triển vườn thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thành bộ sưu tập tiêu biểu cho vùng Đông Nam bộ; dự án Xây dựng VQG bảo tồn và phát triển cây thuốc và các đề tài nghiên cứu khoa học về cây thuốc.

* Nâng giá trị các loài động, thực vật

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, sau nhiều năm thực hiện các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, Khu bảo tồn đã ghi nhận trên 900 loài cây thuốc với 11 nhóm công dụng khác nhau, trong đó có 23 loài nằm trong Danh mục Đỏ IUCN-2010 và Sách Đỏ Việt Nam 2007. Đặc biệt, trong đó có 6 loài đặc hữu và 18 loài theo danh mục cây dược liệu cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2014-2020.

Trong danh mục các loài thực vật đã ghi nhận tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cây dược liệu chiếm 58% về số lượng. Rất nhiều loài cây người dân thường sử dụng trong các bài thuốc dân gian dùng để chữa trị bệnh, bồi bổ tăng cường sinh lực, hồi phục sức khỏe…

Ghi nhận tại các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh, những năm qua, lực lượng quản lý rừng đã tuần tra, kiểm soát, đồng thời tiếp nhận, cứu hộ và tái thả trên 905 cá thể động vật các loại. Đảm bảo tỷ lệ cứu hộ thành công các loài động vật hoang dã hằng năm là 90%.

Nhìn nhận lại kết quả bảo tồn ĐDSH tại rừng phòng hộ Tân Phú trong những năm qua, ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết, kết quả nghiên cứu ban đầu về ĐDSH tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đã định danh được gần 400 loài thực vật và loài chim. Thời gian qua, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ rừng cũng đã phát hiện được 23 loài chim, 14 loài thú, 6 loài bò sát.

Theo ông Tuấn, rừng phòng hộ Tân Phú hiện có khá nhiều loài cây gỗ quý hiếm và có giá trị kinh tế. Do đó, Ban quản lý đang tiếp tục có kế hoạch định vị những cây gỗ quý hiếm và cây gỗ có giá trị để xây dựng bản đồ phân bố các loài cây gỗ quý hiếm, lập hồ sơ quản lý theo quy định. Đến đầu năm 2019, Ban quản lý đã rà soát, kiểm tra, định danh, định vị được gần 3,5 ngàn cây các loại, cụ thể như cây trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, gõ mật...

Đối với VQG Cát Tiên, từ các hoạt động bảo vệ rừng cùng với nhiều dự án bảo tồn ĐDSH trên địa bàn, VQG Cát Tiên cũng đạt được những kết quả tốt, hoạt động quản lý bảo vệ rừng gắn với các hoạt động bảo vệ các vùng đất ngập nước Ramsar - Bàu Sấu, khu dự trữ sinh quyển.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến nay, công tác bảo vệ rừng của Đồng Nai đạt kết quả khá tốt, tuy nhiên xét trên thực tế thì diện tích rừng giàu, ít bị tác động là môi trường sống tối ưu để lưu giữ ĐDSH cao, chiếm tỷ lệ không lớn, nên sẽ không đủ không gian cho sự phục hồi của nhiều loài động vật hoang dã như: hổ, tê giác…

Ngọc Liên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Lượt xem : 2052