Dòng kênh “chết” đã sống lại
4/7/2015 7:51:00 AM
Từ chỗ là nỗi ám ảnh vì ô nhiễm trầm trọng, kênh Tân Hóa – Lò Gốm đã hồi sinh, góp phần nâng cao điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân TP HCM
Sáng 5-4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo TP HCM cùng các bộ – ngành đã chính thức làm lễ khánh thành thành phần số 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm” thuộc tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP HCM sau 5 năm thi công. Tổng vốn đầu tư khoảng 528 triệu USD, gồm: vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), vốn viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng từ ngân sách TP.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây trong buổi lễ khánh thành dự án. (Ảnh: Hoàng Triều)
Cải thiện chất lượng sống
Kênh Tân Hóa – Lò Gốm mà trước đây người dân TP gọi là “dòng kênh chết” là một phần mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch của TP. Chiều dài kênh khoảng 7,5 km cùng với các nhánh phụ khoảng 1,2 km; đi qua các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú.
Trước khi bắt tay vào cải tạo, ước tính có hơn 470.000 doanh nghiệp, cơ sở gia công vừa và nhỏ đã xả nước và rác thải trực tiếp ra dòng kênh này, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng… Đặc biệt vào mùa khô, hơi nước từ dòng kênh bốc lên khiến người dân sinh sống ở đây và các khu vực lân cận không thể chịu nổi; mùa mưa thì gây ngập, tắc nghẽn giao thông.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể thoát nước TP HCM đến năm 2020, trong đó có lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm. Năm 2010, dự án thành phần số 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm” (về sau bổ sung thêm dự án xây cầu Ông Buông 1, Ông Buông 2 đã hoàn thành) được thực hiện nhằm mở rộng kênh, xây tường kè, cống hộp, nạo vét bùn và cải tạo đường rộng từ 6-20 m. Bên cạnh đó, 10 cây cầu qua kênh cũng được xây, 4 khu cảnh quan dọc tuyến được chỉnh trang.
Sau khi dự án hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt của người dân, cơ sở sản xuất được gom vào cống để xử lý; vấn đề ngập nước trước đây thường xuyên xảy ra nay cũng được giải quyết. Theo đó, môi trường khu vực ở các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú sẽ được cải thiện. Kể từ năm nay, khu vực từ Bàu Cát đến Đầm Sen, đường Âu Cơ, Hòa Bình sẽ không còn cảnh ngập trong nước bẩn và hôi thối.
Người dân tập thể dục hai bên bờ kênh Tân Hóa – Lò Gốm. (Ảnh: Hoàng Triều)
Điển hình về nâng cấp đô thị
Những ngày này, có dịp đi qua khu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm, ai cũng cảm nhận được một sự đổi thay nhanh chóng ở đây.
Ông Trần Văn Hai, một người dân sinh sống dọc kênh, cho biết trước đây ông ít khi ở nhà mà thường xuyên đến sống với người em ở quận Bình Thạnh để “lánh nạn” vì hôi thối không chịu nổi. “Từ ngày làm đường, thông kênh đến nay, sáng nào tôi cũng ra kênh tập thể dục, đi bộ cùng con cháu” – ông Hai nói.
Nhiều người dân sinh sống dọc kênh cũng bày tỏ vui mừng vì môi trường đã được cải thiện, xứng tầm với một TP văn minh và hiện đại. Dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm, nhiều nhà mới khang trang được xây dựng. Quán xá, nhà hàng và các cửa hàng buôn bán nhỏ cũng mọc lên ngày càng nhiều.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, cho biết để dự án hoàn thành như hôm nay, 817 trường hợp phải di dời, 730 trường hợp bị ảnh hưởng một phần, 225 hộ dân được nhận quỹ nhà tái định cư theo phân bổ của TP và 596 hộ tự lo nơi ở mới.
“Dự án đạt đúng mục tiêu đề ra về góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, lưu thông, vận chuyển, phát triển bền vững kinh tế – xã hội của TP; nâng cao chất lượng, điều kiện cuộc sống của người dân đô thị khu vực phía Tây Nam TP; mang lại nhiều lợi ích trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường” – ông Liêm nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, dự án góp phần nâng cao điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân ở 2 bên bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng và thường xuyên ngập lụt. Tình trạng bệnh tật được đẩy lùi, diện mạo của TP nói chung và các khu vực 2 bên kênh đã có sự thay đổi tích cực và nhanh chóng.
Bà Victoria Kwa Kwa – Giám đốc WB tại Việt Nam, cơ quan tài trợ vốn cho dự án – cho rằng dự án không chỉ là một điển hình xuất sắc về nâng cấp đô thị mà còn được thực hiện trong một thời gian kỷ lục, chỉ bằng 1/3 thời gian của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
“Thông qua dự án này, TP HCM là một điển hình tốt cho các địa phương khác của Việt Nam về tăng trưởng xanh thông qua cam kết sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện môi trường…” – bà Kwa Kwa nhận xét.
Theo bà, WB tại Việt Nam sẽ cùng UBND TP xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong dự án Vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 và chuẩn bị cho dự án rủi ro ngập lụt tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát, lưu vực cuối cùng trong 5 tiểu lưu vực của trung tâm TP.
Ban Quản lý nhận Huân chương Lao động hạng nhìTại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. |
Theo Thành Đồng/ nld.com.vn
Lượt xem : 3281