Vietnamese English
Đồng hành "Giữ lại dấu chân Sao la"

7/30/2021 8:16:00 AM

Sao la được mệnh danh “Kỳ lân châu Á” – một trong những loài thú quý hiếm từng xuất hiện nhiều nơi ở Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế. Từ khi phát hiện đến nay, việc bảo tồn Sao la đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mới đây, Google phối hợp cùng WWF-Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam đã phát động chương trình “Giữ lại dấu chân Sao la”.



Mô hình Sao la được trưng bày ở khu vực Vọng hải đài thuộc VQG Bạch Mã

Bảo tồn đa dạng sinh học

Đến nay, vẫn chưa một nhà khoa học nào quan sát được Sao la trong môi trường hoang dã. Các lần “gặp mặt” hiếm hoi với Sao la đều thông qua máy bẫy ảnh và những khi Sao la mắc bẫy, được thả về ngay với tự nhiên hoặc đưa về chăm sóc trong thời gian rất ngắn. Vì vậy, kiến thức của chúng ta về các tập tính của Sao la vẫn còn rất hạn chế.

Tại Thừa Thiên Huế, loài thú được liệt vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn thế giới (IUCN) được các nhà bảo tồn phát hiện lần đầu tiên ở khu vực xã Dương Hoà (TX. Hương Thuỷ) vào đầu năm 1998.

Đại diện WWF Việt Nam cho biết, “Giữ lại dấu chân Sao la” được chia thành hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7. Giai đoạn đầu sẽ mang tới công chúng nhiều thông tin thú vị xung quanh Sao la, giải mã những hiểu nhầm thường gặp về chúng. Giai đoạn hai, thông qua nhiều hoạt động tương tác trực tuyến, công chúng sẽ hiểu hơn về mối liên kết giữa hành vi tiêu dùng hàng ngày của mình ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp thế nào tới Sao la, tới các loài động vật hoang dã và thiên nhiên. Từ đó, mỗi người có thể có những thay đổi hoặc điều chỉnh hàng ngày để góp phần cứu Sao la, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

“Sao la tượng trưng cho tất cả những điều quan trọng hiện đang bị đe doạ. Nếu có thể cứu Sao la, chúng ta sẽ cứu được cảnh quan rừng, đa dạng sinh học và những lợi ích hệ sinh thái mang lại, ví dụ như nguồn nước ngọt mà chúng ta đang phải phụ thuộc vào chẳng hạn. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp mà còn là cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng, và tất cả những gì mà loài Sao la đại diện”. TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam khẳng định.

Theo nhận định các chuyên gia bảo tồn, Sao la chỉ sinh sống, xuất hiện dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Lào. Điều này khẳng định biểu tượng của đa dạng sinh học không những của Việt Nam mà còn cho cả khu vực châu Á. Vì thế, cùng với những khu bảo tồn khác, Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế được thành lập, kết hợp với VQG Bạch Mã tạo thành một hành lang bảo tồn liên tục, thống nhất.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế kể rằng, hai cá thể Sao la được phát hiện trên địa bàn tỉnh vào năm 1998 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với sự phân bố của loài thú này trên bản đồ đa dạng sinh học của tỉnh. Các phát hiện này bao gồm một con đực (52 kg) xuất hiện tại thôn Hộ, xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy (nay là TX. Hương Thủy) và một con cái đang mang thai (80kg) tại khu vực rừng của xã Hương Nguyên, huyện A Lưới. Phát hiện thứ ba cũng không kém phần quan trọng là vào năm 1999, một con Sao la con có trọng lượng 10 kg đã xuất hiện tại bản Bụt, thuộc xã Hương Nguyên.

“Các phát hiện này đã đóng góp rất lớn đối với kho tàng đa dạng sinh học không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nhà khoa học trên toàn thế giới. Một loài thú lớn đã tồn tại rất lâu nhưng mãi đến cuối thế kỷ XX mới phát hiện được và vẫn đang tồn tại với nhiều bí ẩn ở khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mất đi Sao la là một dấu hiệu của việc mất đi những cánh rừng nguyên sinh, vốn là một phần di sản thiên nhiên mà chúng ta dựa vào. Đây là một hồi chuông báo động về việc mất đi nền đa dạng sinh học vì những hoạt động của con người và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững”, ông Thanh khẳng định.

Trong suốt quá trình chương trình “Giữ lại dấu chân Sao la” diễn ra, ông Thanh cho biết ngoài triển khai đến toàn thể cán bộ, người lao động của đơn vị sẽ thông qua đó để làm cầu nối tuyên truyền đến gia đình, cộng đồng. Không dừng lại đó, còn tuyên truyền lưu động cùng với hình ảnh, biểu ngữ để tạo sự ảnh hưởng, gây chú ý đến cộng đồng…

Theo ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế, kể từ khi ra đời vào năm 2013 đến nay, khu bảo tồn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác nghiên cứu, bảo tồn Sao la. Đây là nơi mà các nhà khoa học trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu động thực vật hoang dã nói chung và Sao la nói riêng; góp phần bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái, vùng sống của Sao la và động vật hoang dã. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài động vật hoang dã, lưu giữ các giá trị tài nguyên tự nhiên còn sót lại ở vùng Trung Trường Sơn.


Bài, ảnh: Nhật Minh

Nguồn: Báo

(Thừa Thiên Huế)

Lượt xem : 2233