Đóng cửa rừng tự nhiên, nghiêm cấm phá rừng lấy đất ở Tây Nguyên
6/21/2016 8:59:00 AM
(VACNE) - Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị bàn giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Đắk Lắk.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội Nghị.
Ảnh: TTXVN
Thủ tướng chỉ rõ: “Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quyết tâm khôi phục, phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu đề ra, gắn với việc nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”; đồng thời nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của rừng Tây Nguyên đối với an ninh quốc gia, đặc biệt là vai trò bảo tồn đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu, nguồn nước cho cả khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị này, đại diện Bộ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số bộ, ban, ngành liên quan cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên đều thừa nhận: hiểm hoạ mất rừng Tây Nguyên ngày càng tăng cao. Rừng ở đây đang bị suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng. Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000ha, độ che phủ của rừng giảm còn 48,5%. Nguyên nhân chính là do chuyển đổi rừng và phá rừng. Cùng với việc phá rừng tùy tiện do di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh.
Thủ tướng cho rằng: Tây Nguyên mất tới 41% diện tích rừng là rất nghiêm trọng. Chất lượng rừng còn lại cũng rất kém. Nguyên nhân là do các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức, nhất là đất rừng chưa có chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ rừng. Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng. Không chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. “Chúng ta đã có một diện tích tương đối trồng cây cao su, cà phê và các cây công nghiệp khác, nên tiếp tục tập trung vào thâm canh, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, chứ không phải tăng diện tích tràn lan”./.
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 2481