Vietnamese English
Đồng bằng Sông Cửu Long: Chi 1 đồng trồng rừng, khỏi tốn 7 đồng giữ đê

11/13/2009 5:55:00 AM

TT - Đó là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần, nếu nước biển dâng cao 1m do biến đổi khí hậu.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định: “VN nói chung và vựa lúa ĐBSCL nói riêng sẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu”.

Nhiều ý kiến khác cũng đã được đưa ra tại diễn đàn biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL lần 1 - do Văn phòng Chính phủ và Bộ TN-MT tổ chức - ở TP Cần Thơ ngày 12-11.

Ông Nguyễn Văn Khởi - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - nói thống kê từ năm 1980-2009 tại Đại Ngãi độ mặn liên tục tăng và mực nước ngày càng dâng cao, tác động tiêu cực đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Ông Trương Duy Hải - giám đốc Sở TN-MT Bến Tre - cho hay mực nước biển ở tỉnh này hiện đã cao hơn trước 15-20cm. Vào mùa khô nước biển xâm nhập đất liền tới 70km. “Bờ biển xói lở, thiếu nước ngọt, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp do nhiễm mặn làm người dân ven biển rất bất an” - ông Hải nói.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2008. Theo đó, đến cuối năm 2010 VN mới hoàn thành việc cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng cho từng giai đoạn từ năm 2010-2100; đồng thời sẽ triển khai một số dự án thí điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực, địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Hiện nay Bộ NN&PTNT đang thực hiện các dự án nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL, quy hoạch chống ngập úng cho TP Cần Thơ, xây dựng chương trình nâng cấp đê sông, tổ chức nghiên cứu các giống lúa chịu mặn và ngập theo đề xuất của các chuyên gia quốc tế.

Ông Douglas J. Graham - điều phối viên môi trường Ngân hàng Thế giới tại VN - cho rằng VN cần phải hành động ngay để ứng phó với biến đổi khí hậu, vì nếu trì hoãn bây giờ sẽ khó khắc phục với biến đổi khí hậu trong tương lai. Biến đổi khí hậu sẽ làm việc sản xuất lương thực khó khăn và nguồn nước khan hiếm hơn. Để bù đắp phải tăng gấp đôi tỉ lệ tăng trưởng sản lượng nông nghiệp, đồng thời giảm thiểu các thiệt hại đối với môi trường.

Theo tiến sĩ Klaus Schmitt - cố vấn trưởng dự án quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển Sóc Trăng, một trong những biện pháp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu là khôi phục rừng ngập mặn ven biển. Hiện nay diện tích rừng ngập mặn ở các tỉnh ĐBSCL bị biến mất khá lớn. Điều này sẽ làm gia tăng mức độ thiệt hại khi nước biển dâng.

Ông quả quyết: “Chỉ cần đầu tư 1,1 triệu USD cho việc khôi phục rừng ngập mặn sẽ tiết kiệm được 7,3 triệu USD cho việc bảo quản đê. Ngoài ra nếu để 1ha rừng ngập mặn bị mất đi, mỗi năm chúng ta sẽ mất thêm 1,08 tấn cá”.

VÂN TRƯỜNG

(Tuổi Trẻ, 13/11/2009)

Lượt xem : 1814