Vietnamese English
Đồng bằng Cửu Long bị đe dọa từ nhiều phía

2/28/2010 8:23:00 PM

(Toquoc)-Hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên và việc xây đập từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Mê Công đang ảnh hưởng tai hại đến Đồng bằng Cửu Long.

 

 

Nước mặn từ biển Đông đang theo các dòng sông xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long sâu 70km. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trước đây, đến tầm tháng Năm và Sáu nước mặn mới xâm nhập nội đồng Cửu Long. Năm nay, giữa tháng Giêng đã diễn ra tình trạng đó.

Đồng bằng Cửu Long nước mặn nhập nội đồng

Đặc biệt nghiêm trọng là các tỉnh gần biển Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang. Nước biển có độ mặn từ 4 phần nghìn trở lên đã xâm nhập sâu vào đất liền. Theo các chuyên gia, cây lúa chỉ có thể thích nghi với độ mặn tối đa là 2 phần nghìn.

Bên cạnh đó, có những nguyên nhân đến từ con người như gia tăng sản xuất lúa bằng đê bao khép kín để chống lũ. Nước lũ chảy hết ra biển không được tích lũy trên đồng ruộng theo hiện tượng tự nhiên, nên khi nước biển tràn ngược các dòng sông trong mùa khô, tình trạng ngập mặn trở nên dễ dàng hơn. GSTS Lê Sâm, chuyên gia về khoa học thủy lợi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: “Hệ thống thủy lợi các vùng ven biển chưa hoàn chỉnh, lại xuống cấp và lỗi của từng vùng. Với nuôi tôm lúa đan xen, nhiều khi người ta phá cả đập để đem mặn vào nuôi tôm”.

TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, nhận định: “Tình hình xâm nhập mặn trong những năm qua từng bước sớm hơn một ít và có khả năng lấn sâu hơn”. Các chương trình khuyến nông hướng dẫn bà con nông dân phát triển hệ thống lúa-tôm trong khoảng từ tháng Giêng cho tới tháng Sáu. Tháng Sáu có mưa xuống, nước ngọt về cây lúa sẽ phát triển tốt hơn và giảm nhẹ thiệt hại xâm nhập mặn. Bên  cạnh đó là chương trình ô thủy lợi giữ nước ngọt lại, để phát triển lúa bền vững hơn. Đối với các kịch bản dự báo đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập mặn một diện tích rất lớn vào cuối thế kỷ, cần một chương trình quốc gia tổng thể lâu dài.

Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á đã quyết định tài trợ kỹ thuật 1,3 triệu USD cho Việt Nam để đánh giá những mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những hành động cần thiết để khu vực này thích ứng với nguy cơ nước biển dâng cao và tình trạng lũ lụt xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Thông cáo của Ngân hàng phát triển châu Á cho hay, Việt Nam là một trong những nước gánh chịu nhiều rủi ro nhất của nạn biến đổi khí hậu và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 1/5 dân số và là vựa lúa gạo của cả nước, chính là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Dự án này sẽ được thực hiện từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2011.

Kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy có tới 31% tổng diện tích đất nông nghiệp và ngư nghiệp của vùng châu thổ này sẽ bị đe dọa khi mực nước biển dự kiến dâng cao thêm 1 mét vào năm 2100.

Đến nay, chưa ai có thể xác định rõ là mối đe dọa do nước biển dâng sẽ tác động như thế nào đến các yếu tố khác bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, nhưng các nhà khoa học đưa ra các dự báo đầy lo ngại về tác động của các con đập thủy điện đã và đang xây dựng dọc chiều dài con sông.

Hậu quả các con đập thủy điện

Đài RFI đưa lại phân tích của Giáo sư Australia, Milton Osborne “Sông Mê Công bị đe dọa”, đăng trên mạng Japan Focus (11/1/2010), cho biết: Vốn đã phải gánh chịu hậu quả từ các đập chắn do Trung Quốc dựng lên trên thượng nguồn, dòng Mê Công còn có nguy cơ bị tác hại thêm nếu Lào và Campuchia xúc tiến các công trình xây dựng hai đập thủy điện mới Don Sahong và Sambor dưới hạ nguồn với sự giúp đỡ cũng của Trung Quốc.

Từ những năm 1980, đặc tính của con sông ngày càng bị thay đổi, dưới tác động đồng thời của hai vế trong chương trình “phát triển” mà Bắc Kinh tiến hành: Trước hết là chủ trương phá ghềnh thác, nạo vét lòng sông để khai thông tuyến đường thủy đi từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống đến cảng sông Chiang Seen (Bắc Thái Lan). Tác hại to lớn hơn đối với sông Mê Công đến từ chương trình thứ hai của Bắc Kinh xây dựng một loạt đập thủy điện ở vùng Vân Nam. Đến năm 2030, một hệ thống 7 con đập bậc thềm sẽ xuất hiện tại vùng Vân Nam.

Một đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Công ở Vân Nam

 

Theo Giáo sư Osborne, không cần chờ đến năm 2030, với 5 con đập hiện hữu cũng như sắp hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thể điều hòa dòng chảy con sông, giảm bớt lưu lượng nước vào mùa mưa hay nâng cao mức nước vào mùa khô. Bắc Kinh không hề tham khảo ý kiến các quốc gia hạ nguồn khi tiến hành xây đập.

Và cái giá phải trả cho môi trường sẽ còn tăng lên gấp bội. Thủy lưu dòng sông sẽ bị thay đổi khiến cho mùa nước lũ hàng năm không còn đến đúng vào thời điểm như trước, tác hại đến tập quán sinh sản và di cư của các loài tôm cá. Lượng phù sa đổ xuống vùng đồng bằng ở hạ lưu con sông cũng bị chặn lại. 50% lượng phù sa của sông Mê Công đến từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, phù sa đóng một vai trò quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp, cũng như sự di cư của loài cá.

Theo Giáo sư Milton Osborne, tác hại từ các con đập Trung Quốc đã đáng ngại rồi, nhưng ảnh hưởng của các đập nước trên dòng chảy chính của sông Mê Công dưới hạ nguồn còn tai hại gấp nhiều lần. Trong vòng ba năm gần đây, các bên liên can đã ký biên bản ghi nhớ dự trù xây dựng khoảng 11 đập thủy điện: 7 ở Lào, 2 ở giữa Lào và Thái Lan và 2 ở Campuchia.

Các dự án này được các tập đoàn tư nhân và nhất là các công ty dựa vào Nhà nước Trung Quốc sẵn sàng tài trợ. Tình trạng thiếu thông tin đến mức không ai có thể biết được là đập nào sẽ được xây dựng trước. Tuy nhiên công luận hiện đang rất quan ngại trước khả năng hai con đập Don Sahong ở Nam Lào và Sambor ở Đông Bắc Campuchia. Một khi được hoàn thành, hai con đập này có thể ngăn chặn luồng di cư của cá vốn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho người dân Lào và Campuchia. Giới chuyên gia hiện nay đều nhất trí cho rằng nếu hai con đập kể trên được xây dựng, thì đường di cư của cá sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn mà không có phương cách nào giải quyết ổn thỏa được.

 

Cá - nguồn sống quan trọng của cư dân hạn nguồn Mê Công - sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng do các con đập trên sông

 

Tại sao chính phủ Lào và Campuchia lại nghĩ đến việc xây dựng các con đập nói trên, bất chấp tác hại khôn kể đối với nguồn lương thực cho cư dân của mình? Đó vẫn đang là một câu hỏi khá phức tạp liên quan đến sự thiếu hiểu biết của một số cấp chính quyền và liên quan đến các nhóm lợi ích ở mỗi quốc gia nêu trên.

Tờ Thời báo New York (Mỹ) có bài viết của tác giả Thomas Fuller, phân tích về những tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế và việc xây dựng các đập nước đối với sông Mê Công.  Phần kết của bài báo viết rằng đối với Pornlert Prompanya, 32 tuổi, sinh ra bên dòng sông này, hiện là ông chủ của một công ty chuyên tổ chức các chuyến đi chơi bằng xuồng máy tốc độ cao cho khách du lịch ở ngôi làng này thuộc phía Bắc Thái Lan, dòng sông luôn luôn khó lường, sẽ khó khăn hơn để đánh bắt cá và sẽ không còn thoải mái tắm rửa trên dòng sông này nữa bởi vì có quá nhiều rác thải và ô nhiễm. Pornlert nói: “Mực nước của dòng sông thường phụ thuộc vào mùa vụ, nhưng bây giờ nó phụ thuộc vào việc Trung Quốc cần và muốn bao nhiêu nước”.

Mỹ thúc đẩy sáng kiến hợp tác

Tháng 7/2009, tại Hội nghị ASEAN ở Phuket, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thông báo “Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Công” giữa Mỹ và bốn nước hạ nguồn sông Mê Công - Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Đầu tháng 1/2010, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức công bố một số chi tiết cụ thể về bước đầu hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến đã đề ra. Tài liệu thông tin công bố trên trang Web của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định 4 lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và bốn nước hạ nguồn sông Mê Công: Môi trường, y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở. Trong các đề án hợp tác, ngoài một số chương trình mới, phần còn lại đã dựa trên những chương trình đang thực hiện với từng quốc gia cụ thể, nhưng sẽ được phát triển thêm.

Tài liệu đề cập 3 đề án đã bắt đầu được xúc tiến, trong đó có hai chương trình hợp tác với Việt Nam, trong đó có Chương trình chia sẻ thông tin trong giới nghiên cứu khoa học nhằm tìm kiếm những phương cách phát triển vùng lưu vực sông Mê Công một cách bền vững. Tháng 12/2009, Viện Quan sát Địa chất Mỹ và Trường Đại học Cần Thơ của Việt Nam đã tập hợp các chuyên gia trong toàn khu vực để trao đổi thông tin về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và hoạt động của con người trên hệ sinh thái cũng như vấn đề bảo đảm an toàn lương thực cho vùng lưu vực sông Mê Công. Bên cạnh đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng đã làm việc với Việt Nam và Thái Lan trong một chương trình mang tên “Đối tác trong việc đưa khí mêtan vào thị trường”. Mục tiêu là nhằm giúp hai nước thu góp khí mêtan để sau đó chuyển hóa thành điện sử dụng.

Ngoài ra, Mỹ còn nêu rõ quyết tâm định chế hóa cơ cấu hợp tác với bốn nước hạ nguồn sông Mê Công. Theo đó, Ủy ban sông Mississipi của Mỹ sẽ chính thức kết nghĩa trong năm nay với Ủy ban sông Mê Công. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cử một người đặc trách Hồ sơ Mê Công trong Vụ Đông Á-Thái Bình Dương. Ngoại giao hướng về khu vực sông Mê Công cũng được tăng cường. Mỹ sẽ thường xuyên cử quan sát viên đến dự các sinh hoạt của Ủy ban sông Mê Công./.

Nguyễn Nguyên (Theo các báo nước ngoài)

(Tổ Quốc, 27/2/2010)

Lượt xem : 1697