Vietnamese English
Đơn vị nào là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm kiểm toán môi trường?

1/23/2022 7:38:00 AM

Với vai trò là công cụ quản lý quan trọng trong hệ thống quản lý của một quốc gia, hiện nay Kiểm toán Nhà nước là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm kiểm toán môi trường.

Tại Việt Nam, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện thông qua nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về lĩnh vực môi trường, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.


Với tư cách là công cụ quản lý quan trọng trong hệ công cụ quản lý của một quốc gia, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phải là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm
kiểm toán môi trường (KTMT) để thấy được bức tranh tổng thể về tình hình quản lý và bảo vệ môi trường của Quốc gia, cũng như của các khu vực trọng điểm. Trên cơ sở đó cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý chức năng đưa ra những quyết định quản lý vĩ mô.

Qua công tác kiểm toán, KTNN sẽ đưa ra các kết luận, đánh giá và kiến nghị cụ thể về việc xây dựng và thực hiện các chính sách, quy định để phòng - chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Quốc gia, cũng như của từng đơn vị, tổ chức. Đồng thời đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng các nguồn
kinh phí môi trường của Chính phủ, đồng thời đánh giá tính hợp lý đúng đắn của Báo cáo quyết toán các nguồn kinh phí này.


Kiểm toán Nhà nước là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm kiểm toán môi trường để thấy được bức tranh tổng thể về tình hình quản lý và bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, KTNN Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện thí điểm KTMT. Trên cơ sở những phát hiện trong kiểm toán, KTNN đã đưa ra kiến nghị cụ thể cùng một số giải pháp và điều kiện nhằm tăng cường quản lý môi trường đối với những cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Như vậy, những kết quả KTMT mà KTNN thực hiện đã có tác động đáng kể để cải thiện tình hình về quản lý và bảo vệ môi trường trên cả góc độ về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp, về quản lý và sử dụng kinh phí và báo cáo quyết toán. Nếu thực hiện trên diện rộng hơn, chắc chắn KTNN sẽ phát hiện thêm những tồn tại để có những giải pháp tổng thể và chi tiết nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn.

KTNN đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm công tác về KTMT với mục tiêu tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo KTNN trong việc định hướng và triển khai hoạt động kiểm toán đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường. Với bước khởi đầu này, KTNN đã tận dụng một cách có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

KTNN không ngừng đẩy mạnh việc tiến hành nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực KTMT của các nước, cử nhiều lượt kiểm toán viên tham gia các hội nghị, khóa đào tạo về KTMT tại Ấn Độ, Canada và Trung Quốc…; cử cán bộ tham gia các nhóm về KTMT của Tổ chức quốc tế tại các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và ASOSAI…   

Trong những năm tới, để đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà nước và cả doanh nghiệp, nên đưa KTMT trở thành yếu tố bắt buộc. Đối với những công trình, dự án mới cần thực hiện tiền KTMT nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống quản lý môi trường thích hợp, hiệu quả ngay từ đầu, tránh thiệt hại do phá đi, làm lại hay thay đổi trang thiết bị như một số đơn vị hiện nay.

Tuy nhiên, để mở rộng KTMT đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía KTNN cũng như các cơ quan quản lý chức năng. Bởi vì, những quy định pháp lý về KTMT còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ và chưa đồng bộ. Mặt khác, quy trình, phương pháp kiểm toán chưa được xây dựng đầy đủ, trang thiết bị phục vụ KTMT cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc kiểm toán. Công tác đào tạo cán bộ về KTMT của KTNN Việt Nam còn hạn chế nên chưa có được một đội ngũ kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp.

Để công tác KTMT đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc tích cực triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo giữa KTNN Việt Nam với kiểm toán các nước trong ASOSAI, KTNN cần xúc tiến các cuộc kiểm toán theo hướng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý môi trường, có đội ngũ nhân lực và phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc KTMT để có thể thực hiện KTMT rộng rãi và chuyên sâu hơn.

Triển vọng trong tương lai gần, khi có đầy đủ những quy định pháp lý cụ thể cho hoạt động KTMT, các kiểm toán viên được đào tạo đầy đủ và chuyên nghiệp. Do đó, cơ quan KTNN Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Mặt khác, để công tác quản lý và bảo vệ môi trường được thực hiện tốt, cần tăng cường trách nhiệm xã hội của các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Với chức năng tư vấn cho nhà quản trị đơn vị, kiểm toán nội bộ trong các đơn vị cũng cần quan tâm đến công tác KTMT.
 
Ngoài ra, trong tương lai gần, các tổ chức kiểm toán độc lập cũng có thể cung cấp các dịch vụ kiểm toán và tư vấn các giải pháp quản lý môi trường, tiết kiệm chi phí cho đơn vị được kiểm toán.

(Theo Kinhtemoitruong)

Lượt xem : 1355