Vietnamese English
Đối thoại chính sách về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam

7/30/2013 11:11:00 AM

(VACNE)-Ngày 30/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Đối thoại chính sách về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (IPSI) - Bộ Công Thương tổ chức.

 
 
 
Tranh chấp môi trường đang là một hiện tượng phổ biến gây bức xúc xã hội. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên&Môi trường, mức độ ảnh hưởng của tranh chấp môi trường chỉ sau vấn đề tranh chấp đất đai và hiện vẫn tồn tại các bất cập trong cơ chế giải quyết.
                                                                                                                                
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (IPSI), cho hay tranh chấp môi trường chỉ xếp sau tranh chấp đất đai, điều đó nói lên môi trường ô nhiễm là vấn đề quan ngại sâu sắc của xã hội.
 
“Thời gian qua chúng tôi tiến hành nghiên cứu độc lập về môi trường, bắt đầu từ cộng đồng. Xem dân địa phương phản ứng như thế nào và cả cách họ giải quyết tranh chấp như thế nào. Tình trạng chưa minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp, dân không biết khiếu nại của mình ở khâu nào. Và dường như chính quyền địa phương cấp cơ sở chưa ý thức được trách nhiệm giải quyết tranh chấp môi trường, chủ yếu giải quyết tranh chấp mất ổn định an ninh trật tự. Chính vì vậy dân đã phản ứng, có những hành động “manh động”, bao vây, uy hiếp doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường”
 
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Lê Minh Đức, IPSI, đánh giá tranh chấp môi trường đang là hiện tượng xã hội bức xúc, ngày càng phổ biến. Tranh chấp môi trường chỉ đứng sau tranh chấp đất đai, được cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Bộ Công thương đã có nghiên cứu ban đầu về tranh chấp môi trường, xem xét giải quyết tranh chấp ở khía cạnh cộng đồng.
 
“Cơ quan hành chính đang giải quyết các tranh chấp môi trường như là giải quyết các xung đột gây mất an ninh địa phương. Cơ quan hành chính, trên thực tế, không tự chủ động đứng ra hòa giải”, ông Minh cho biết và đề xuất thu hẹp cách biệt trong đánh giá ô nhiễm, vai trò của cảnh sát môi trường; Nâng cao năng lực đánh giá tác động ô nhiễm, và xác định thiệt hại. Cơ chế cung cấp thông tin cho người dân và minh bạch thông tin. Nhanh chóng thành lập tòa án môi trường; hình thành ban môi trường bên cạnh UBND do chủ tịch đứng đầu.”
 
ThS Đỗ Huy Trung, Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, chất lượng môi trường đang tiếp tục xấu đi và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Ô nhiễm môi trường nước, không khí đang lan rộng không những tại các khu công nghiệp, khu đô thị dân cư đông đúc mà cả ở những vùng nông thôn. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức. Nguồn nước ngầm, nước mặt nhiều nơi bị suy thoái, cạn kiệt; biến đổi khí hậu đã gây ra triều cường, lũ lụt, mưa, bão với cường độ ngày càng lớn diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Những vấn đề trên nếu không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng sẽ là lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của đất nước.
 
Mai Anh
 
 

Lượt xem : 2019