Vietnamese English
Độc đáo cây di sản Việt Nam: Vương quốc cây di sản

1/15/2024 10:25:00 AM

Quần thể hàng trăm cây pơ mu thuộc khu vực rừng nguyên sinh vùng cao Quảng Nam được công nhận Cây di sản VN đang ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Với người Cơ Tu, pơ mu là giống cây thiêng, không thể xâm hại.

 

Cánh rừng di sản "độc nhất vô nhị"

"Vương quốc pơ mu" là tên mà người dân địa phương đặt cho cánh rừng già có diện tích hàng trăm héc ta nằm trên quần thể núi Zi'liêng hùng vĩ, trải rộng từ địa bàn xã Tr'Hy đến A Xan của H.Tây Giang (Quảng Nam). Ở độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, nơi đây từng được mệnh danh là "nơi không nhìn thấy mặt trời", và là nơi sở hữu cánh rừng di sản "độc nhất vô nhị" phía nam dãy Trường Sơn.

Năm 2011, trong một lần mở đường vào rừng, một số người Cơ Tu bản địa tình cờ phát hiện khu rừng nguyên sinh xung quanh đỉnh núi Zi'liêng. Tiếp tục đi sâu vào rừng, họ choáng ngợp trước hàng loạt thân cây pơ mu sừng sững. Thông tin này được chuyển đến ngành kiểm lâm và một cuộc khảo sát được tổ chức ngay sau đó. Qua kiểm đếm, rừng pơ mu được xác định khoảng 2.000 cây. Trong đó, vùng lõi khoảng 250 ha, là nơi bén rễ của 725 cây pơ mu. Trong các năm 2015 và 2018, gần 1.200 cây pơ mu trong khu rừng này đã được công nhận Cây di sản VN.

Với tuổi đời từ 300 đến gần 2.000 năm tuổi, quần thể pơ mu được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở vùng miền Trung - Tây nguyên, với đường kính lớn nhất mỗi cây gần 3 m, cao gần 25 m. Với nhiều người, "vương quốc pơ mu" cứ như ma trận giữa rừng già. Già làng Hốih Nhiếc ở thôn Ganil (xã AXan, H.Tây Giang) kể nhiều gốc pơ mu cổ thụ có hình thù rất kỳ lạ và được đặt tên theo những hình thù đó, như "pơ mu voi" vì giống con voi, rồi "pơ mu rồng", "pơ mu sư tử"...

Vương quốc cây di sản- Ảnh 2.

Vương quốc pơ mu được xem là báu vật của đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn

MẠNH CƯỜNG

Với người dân Cơ Tu, rừng pơ mu không chỉ có giá trị về sinh thái mà còn có ý nghĩa tâm linh. Theo già Hốih Nhiếc, người Cơ Tu khi lấy bất cứ thứ gì từ trong rừng đều phải xin thần rừng. Chặt cây to hay cây nhỏ đều phải xin, phải cúng, phải họp bàn dân làng. Làng chấp thuận mới được phép chặt cây mang về. Mọi thứ ở rừng là của chung.

"Vì pơ mu là loại gỗ quý giá nên giá bán ra thị trường rất cao. Già nói không ngoa chứ mỗi cây pơ mu hiện nay giá cả trăm triệu đồng. Nhưng với người Cơ Tu, pơ mu là thứ cây thiêng không thể xâm hại và càng không thể trở thành món hàng bán - mua. Ngoài ra, với quan niệm cây pơ mu cao lớn trong rừng là nơi cư ngụ của thần linh và linh hồn người đã khuất nên không ai dám đụng vào. Vì vậy, hàng trăm năm qua, dù một nhánh cây pơ mu cũng chưa bao giờ phải rơi xuống đất trong cánh rừng già này", già Nhiếc khẳng định.

"Kho báu" giữa đại ngàn

Để "vương quốc pơ mu" trở thành một điểm du lịch khám phá hấp dẫn, chính quyền H.Tây Giang đã thành lập hẳn một làng mới giữa lõi rừng pơ mu. Huyện đầu tư mở ngay một con đường 8 km vào đến nơi lập làng, thay vì phải đi bộ hàng giờ đồng hồ như trước đây. Thêm 10 ngôi nhà được xây dựng theo phong cách nhà truyền thống của người Cơ Tu, có một gươl (nhà làng truyền thống) để sinh hoạt cộng đồng, cũng là nơi tiếp đón du khách đến tham quan, lưu trú. Hằng năm, vào tháng 2 dương lịch, UBND H.Tây Giang phối hợp với các xã tổ chức lễ hội tạ ơn rừng với những nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Vương quốc cây di sản- Ảnh 3.

“Cụ pơ mu” có tuổi đời khoảng 1.000 năm

MẠNH CƯỜNG

Ông Pơloong Plênh, Phó trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, cho biết vài năm sau khi quần thể rừng pơ mu được công nhận Cây di sản, chính quyền H.Tây Giang mở cửa đón khách tham quan trải nghiệm hệ sinh thái rừng nguyên sinh độc đáo này. Từ làng du lịch, du khách có thể trải nghiệm bằng nhiều cách để chạm tay vào các "cụ pơ mu" hàng trăm năm đến hàng ngàn năm tuổi. "Người Cơ Tu không xem rừng là tài nguyên để chiếm lĩnh, mà xem rừng như người bạn, người thân. Họ luôn ứng xử văn minh và tôn thờ thần rừng, nhất là rừng thiêng như rừng đầu nguồn, rừng nhiều động vật, thực vật quý hiếm… Với người Cơ Tu, rừng pơ mu là một phần máu thịt, là tài sản chung của dân làng nên tất cả đều ra sức bảo vệ", ông Pơloong Plênh nói.

Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay cây di sản là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm phải giữ được rừng của địa phương. Không có cách nào hiệu quả hơn là giao rừng cho chính người dân quản lý. "Với tất cả những cánh rừng trên địa bàn, huyện luôn chỉ đạo cho bà con trong việc quản lý, phát triển và bảo vệ rừng. Rừng pơ mu không chỉ là cánh rừng quý hiếm mà còn được xem là báu vật. Lễ hội tạ ơn rừng là dịp tuyên truyền, vận động bà con quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả nhất", ông Blúi nói. Ở vùng cao Tây Giang, người dân gắn bó với rừng đã bao đời nay nên hơn ai hết chính họ mới hiểu rừng, mới "thuộc" rừng và bảo vệ rừng hữu hiệu nhất. "Với người dân Cơ Tu, bây giờ cây pơ mu là kho báu khổng lồ nên được cộng đồng vùng cao quyết tâm gìn giữ cho con cháu mai sau. Cánh rừng này cũng luôn bất khả xâm phạm", ông Arất Blúi khẳng định.

"Vương quốc pơ mu" với khẩu hiệu "Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong", như một lời khẳng định của đồng bào Cơ Tu. 

(Còn tiếp) 

(Thanhnien)

Lượt xem : 1104