Vietnamese English
Doanh nghiệp xanh bền vững

10/28/2015 9:53:00 PM

(VACNE) - Góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII của GS. TS Trần Hiếu Nhuệ, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Cộng đồng bền vững, Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam

DOANH NGHIỆP XANH BỀN VỮNG

GS. TS Trần Hiếu Nhuệ
Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Cộng đồng bền vững, Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam

 

1.   Hiện trạng và sự cần thiết đưa nội dung vào văn kiện Đại hội.

 

1.1. Số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam

- Cả nước có 375.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (năm 2012)-Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả rà soát số lượng doanh nghiệp năm 2012. Theo đó, cả nước có trên 375.000 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, chiếm 83,7% số doanh nghiệp hiện có (trên 541.000)

-Doanh nghiệp vừa và nhỏ - Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động.

 

+Ở mỗi nước, người ta có tiêu chí riêng để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước mình.

+ Ở Việt Nam,Nghị định số 90/2001/NĐ-CP đưa ra chính thức định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau: “Doanh nghiệp nhỏvà vừa là cơ sở sản xuất,kinh doanh độc lập, đã đăng kýkinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn kinh doanh khộng quá 10 tỷhoặc số công nhân trung bình hang năm không quá 300 người”. Các doanh nghiệp cực nhỏ được quy định là có từ 1 đến 9 nhân công, doanh nghiệp có từ 10 đến 49 nhân công được coi là doanh nghiệp nhỏ.

Theo Điều 3, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ, quy định số lượng lao động trung bình hàng năm từ 10 người trở xuống được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ, từ 10 đến dưới 200 người lao động được coi là Doanh nghiệp nhỏ và từ 200 đến 300 người lao động thì được coi là Doanh nghiệp vừa

 

+ Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế với tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp. 

 

1.2. Vai trò của Doanh nghiệp xanh trong phát triển bền vững là rất lớn

- Vai trò của Doanh nghiệp xanh đối với việc cải thiện chất lượng môi trường sống hiện tại và tương lai

Vai trò của doanh nghiệp xanh không chỉ dừng lại ở khuôn khổ tự cải thiện mình theo hướng ngày càng xanh hóa mà còn là đóng vai trò quan trọng trong việc phối kết hợp với cộng đồng để cải thiện môi trường sống chung.

- Doanh nghiệp xanh không những thực hiện tốt hoạt động bảo vệ môi trường tại các nhà máy sản xuất sản phẩm của mình, mà còn đầu tư khoản lớn kinh phí để hỗ trợ cộng đồng, chính quyền địa phương tham gia cùng cải thiện chất lượng môi trường sống. Doanh nghiệp có thực lực kinh tế, chính quyền có năng lực điều hành và quản lý.Còn cộng đồng thì có sức mạnh của tập thể. Do đó phải có sự kết hợp chặt chẽ 3 thành viên này trong hoạt động phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

 

- Các doanh nghiệp xanh thành công không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn góp phần quảng bá cho thương hiệu của họ. Phát triển một doanh nghiệp thân thiện với môi trường mang lại những lợi ích to lớn cho các chủ doanh nghiệp, những người đang mong muốn kiểm soát chi phí, thu hút khách hàng và kinh doanh có trách nhiệm hơn với xã hội và cộng đồng. 

 

1.3. Các bước thực hiện chiến lược môi trường cho doanh nghiệp để trở thành một “Doanh nghiệp xanh”

 

 Bước 1: Tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường

            Để trở thành một doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp nên thực hiện những gì mình đã đề ra.Điều này có nghĩa là tuân thủ đúng tất cả những nguyên tắc bảo vệ môi trường liên quan tới công việc kinh doanh. Việc thực hiện này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp cho doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động theo đúng những quy định của pháp luật.

 

Bước 2: Phát triển một hệ thống quản lý môi trường

            Điều hành một doanh nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tạo ra một không gian làm việc thân thiện với môi trường và sử dụng có hiệu qua các nguồn năng lượng.Một kế hoạch quản lý môi trường hợp lý sẽ có tác dụng giảm thiểu tối đa các tác động môi trường và khuyến khích việc thực hành doanh nghiệp xanh.

 

 Bước 3: Thiết lập Văn phòng xanh

            Nếu doanh nghiệp đang có kế hoạch mở một Văn phòng mới hay nâng cấp Văn phòng hiện tại. Hãy đảm bảo rằng Văn phòng đó sẽ là một “Văn phòng xanh” trong đó được lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ cũng như các thiết bị văn phòng, hệ thống ánh sáng sử dụng năng lượng hiệu quả.

 

 Bước 4: Mua sắm xanh

 Doanh nghiệp cần phải cân nhắc mua các sản phẩm thân thiện với môi trường như:

- Các sản phẩm từ vật liệu tái chế hoặc đã qua sử dụng;

- Chế phẩm sinh học;

- Các sản phẩm không gây độc hại;

- Các sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

- Các sản phẩm có thể làm mới hoặc tái chế;

- Các sản phẩm nội địa ví dụ như thực phẩm hữu cơ bản địa.

 

Bước 5: Sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng

            Việc sử dụng hợp lý nguồn năng lượng chính là một phương thức kinh doanh thông minh.Đây là một trong những bước dễ dàng và hiệu quả nhất giúp cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận, và tạo giá trị cho doanh nghiệp. Do đó sử dụng năng lượng hiệu quả chính là nhân tố chính của chiến lược quản lý môi trường của doanh nghiệp. Một số ví dự về sử dụng năng lượng hiệu quả như sau:

- Mua sắm các thiết bị và vật dụng văn phòng tiết kiệm năng lượng;

- Hướng dẫn sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cho nhân viên;

- Tìm kiếm và sử dụng các nguồn năng lượng xanh hoặc năng lượng tái chế.

 

 Bước 6: Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải

            Tất cả các ngành kinh doanh đều tạo ra rác thải. Với một số ngành có thể chỉ bao gồm giấy loại hoặc nước thải nhưng với một số ngành khác lại là những chất thải độc hại hay nguy hiểm, đòi hỏi phải có phương pháp xử lý đặc biệt.

            Dù doanh nghiệp thải ra bất kỳ loại rác thải hay khối lượng rác như thế nào nó cũng rất tốn kém. Doanh nghiệp phải trả tiền hai lần cho tất cả những gì doanh nghiệp sử dụng, một lần khi doanh nghiệp mua và lần thứ hai là khi doanh nghiệp bỏ đi.Vì thế hạn chế rác thải sẽ tiết kiệm tiền cho doanh nghiệp. Ngoài việc cắt giảm chi phí thu dọn, các phương pháp giảm thiểu rác thải cũng giúp tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu thô, các vật dụng và thiết bị văn phòng. Thêm nưa, nếu thực hiện một cách hợp lý doanh nghiệp có thể nâng cao đồng bộ tính hiệu quả, năng suất và hình ảnh của doanh nghiệp

Quy trình quản lý rác thải trong quá trình vận hành kinh doanh gồm:

- Dùng các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc tái chế;

- Lọa bỏ những sản phẩm đóng gói không cần thiết;

- Tối ưu hóa việc sử dụng các sản phẩm từ giấy hoặc các sản phẩm tự phân hủy, thân thiện với môi trường.

 

Bước 7: Tiết kiệm nước

            Sử dụng nước hợp lý, doanh nghiệp không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này mà còn giảm thiểu những chi phí liên quan tới việc mua, làm nóng, sử dụng và xử lý nước.

- Tiết kiệm nước bằng cách sử dụng các công nghệ tốt nhất cùng với các thiết bị tiết kiệm nước;

- Kiểm tra hệ thống ống dẫn nước và các thiết bị vệ sinh thường xuyên để tránh rò rỉ;

- Giảm thiểu tối đa nước thải ô nhiễm.

 

 Bước 8: Xây dựng chiến lược marketing xanh

            Doanh nghiệp cần phải hoạch định chiến lược marketing cho mình. Thêm khẩu hiệu “xanh” và các nhãn sinh thái vào chiến lược marketing sẽ có tác dụng quảng bá thương hiệu và bảo đảm thị phần của doanh nghiệp đối với số lượng khách hàng có quan tâm tới việc bảo vệ môi trường

 

1.4.'Tăng trưởng xanh' - chiến lược bền vững cho doanh nghiệp

Khái niệm "Tăng trưởng xanh" là hướng tiếp cận mới,  không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Những năm gần đây, kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng nhờ vào sự tăng trưởng ấn tượng của hàng loạt quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên sự phát triển nóng này cùng với sự gia tăng dân số thế giới đã dẫn đến nhiều hệ quả như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên…

"Tăng trưởng xanh” là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, không chỉ môi trường sống được bảo vệ mà sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ứng dụng tăng trưởng xanh cũng được đảm bảo bền vững.

 

Có nhiều cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh cũng chủ yếu bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh. Bên cạnh đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiệncác chỉ số sinh thái.
Tại Việt Nam, "tăng trưởng xanh" tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Chính vì thế, phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài. Ngày nay, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư, và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp

 

2.Dự thảo văn kiện đã đáp ứng tới đâu?

 

Cấu trúc của báo cáo chính trị lại chia thành từng mảng với XV vấn đề. Mỗi vấn đề lại chia ra : Tình hình (1) và Phương hướng nhiệm vụ (2). Khác hẳn so với các báo cáo chính trị các khóa trước ? Hầu như không có một chữ nào đề cập đến doanh nghiệp xanh, hay nó ẩn chứa trong thuật ngữ  Phát tiển bên vững (PTBV) và bảo vệ môi trường (BVMT)

 

3.Kiến nghị cụ thể bổ sung, sửa đổi, điều chính:

 

- “Doanh nghiệp xanh bề vững” chưa được đề cập tại điểm 1-Tình hình trong mục III.Chẳng hạn “….Công nghiệp môi trường, công nghiệp văn hóa với các doanh nghiệp xanh bền vững”.

-Tại tiểu mục “Phát triển công nghiệp” trong điểm 2 Phương hướng nhiêm vụ của mục III (ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG, CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ; ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC), nên đưa thêm từ “xanh” như là: “ Xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp xanh quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển”.

 

- Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp xanh bền vững

 

 

 

 

Lượt xem : 4745