Đưa ra ví dụ cho nhận định trên, ông Đăng kể lại câu chuyện khi tham gia hội đồng thẩm định dự án Nhà máy điện tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.Hồ Chí Minh. Nếu đúng theo yêu cầu bảo vệ môi trường, chủ đầu tư dự án sẽ phải dùng dầu DO sản sinh ra sunfua dưới 2%. Thế nhưng, chủ đầu tư đã thương thuyết dùng dầu DO sản sinh ra 3% sunfua, nếu không sẽ rút lui không đầu tư nữa. Cuối cùng, dự án được phê duyệt, với yêu cầu sau 3 năm sẽ phải điều chỉnh việc sử dụng dầu xuống mức 2%.
Theo nhiều chuyên gia về môi trường, việc xét duyệt đánh giá tác động môi trường vốn đã “qua quýt”, nhưng công tác hậu kiểm tra còn khó chấp nhận hơn. “Năm 2008 hầu như không có hậu kiểm tra tác động môi trường vì không có ai làm và không có kinh phí cho công tác này”, ông Đăng khẳng định.
Theo ông: “Câu chuyện của Vedan và sông Thị Vải là bài học gần và nếu so sánh con số chi cho xử lý ô nhiễm môi trường và mức độ đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường sẽ thấy việc chạy theo xử lý là thiệt hại rất lớn”.
Trong khi đó, một thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện cả nước có hơn 100 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 10% có hệ thống xử lý môi trường. Nhiều chuyên gia môi trường nhận định, nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là do các cơ quan quản lý còn coi nhẹ và đang “giơ cao đánh khẽ” cho các vi phạm về môi trường.
Nguồn: VUSTA, 19/6/2009
|