Đinh Lăng - Cây cảnh làm thuốc
1/21/2020 10:09:00 AM
(VACNE) - Cây Đinh lăng, còn có tên là Đinh lăng lá nhỏ, hay Đinh lăng làm thuốc (vì có nhiều cây cũng mang tên Đinh lăng, cùng họ, cùng chi Polyscias, nhưng không dùng làm thuốc).
TSKH. Trần Công Khánh
Cây Đinh lăng thường được trồng phổ biến ở các đình chùa, công viên và vườn gia đình để làm cảnh, bởi dáng cây, kiểu lá và quanh năm xanh tốt. Không chỉ là cây cảnh thông thường mà còn là một cây thuốc quý. Người ta lấy lá non của cây này để ăn như rau sống và ăn gỏi cá nên nó còn có tên là cây Gỏi cá. Tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms, họ Nhân sâm (Araliaceae). Rễ Đinh lăng đã được đưa vào Dược điển Việt Nam (Xb lần thứ tư, 2009).
Đinh lăng làm thuốc là cây bụi, cao 1-2m, sống nhiều năm. Thân nhẵn, nhiều cành, các cành non nhìn rõ lỗ vỏ và vết sẹo do lá rụng để lại. Lá kép 2-3 lần hình lông chim, mọc so le, dài 20-40cm, cuống lá dài, gốc cuống lá phình thành bẹ ngắn ôm lấy thân. Lá chét đôi khi chia thùy, có chóp nhọn, mép lá có răng cưa nhọn không đều, cuống lá chét dài 3-10mm. Cụm hoa là chuỳ ở ngọn cây, dài 7-18cm, gồm nhiều tán đơn ngắn; mỗi tán có 15-20 hoa nhỏ có cuống ngắn. Lá bắc rộng, rụng sớm. Hoa nhỏ, lưỡng tính, mẫu 5, cánh hoa hình trứng hẹp, dài 2-3mm, màu trắng hay lục nhạt; nhị 5, chỉ nhị ngắn; bầu dưới, 2 ô, hình cầu dẹt, dài 4-5mm, rộng 3mm, dày 2mm, mang vòi tồn tại. Quả hình trứng dẹt, khi chin màu tím đen. Cây ra hoa tháng 4-7. Toàn cây, nhất là lá có mùi thơm đặc biệt.
Hình 1: Cây Đinh lăng (Hình vẽ: B.X. Chương)
Hình 2: Cây Đinh lăng có hoa (nguồn: T.C. Khánh)
Cây Đinh lăng có nguồn gốc ở các đảo của Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cây được trồng làm cảnh ở khắp nơi. Từ khi biết tác dụng làm thuốc của cây này (1961), nó còn được trồng trong khuân viên của các bệnh viện, trạm xá và vườn cây thuốc trên quy mô lớn để lấy nguyên liệu sử dụng trong điều trị bệnh và sản xuất thuốc.
Bộ phận dùng là thân, lá và rễ. Thân và rễ thu hái ở những cây từ 3-4 năm tuổi trở lên (càng lâu năm càng tốt). Gốc thân và rễ đem rửa sạch phơi khô ở chỗ mát, thoáng gió để giữ mùi thơm và phẩm chất dược liệu. Khi dùng, đem rễ tẩm nước gừng tươi 5%, rồi sao qua, tẩm thêm 5% mật ong rồi sao vàng thơm. Thân thì tách lấy vỏ rồi cắt nhỏ, phơi khô. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc khô.
Hình 3: Rễ Đinh lăng (nguồn:Internet)
Đinh lăng được dùng chủ yếu là phần rễ. Rễ Đinh lăng được thu hái vào mùa đông, ở những cây từ 4-5 tuổi trở lên, độ tuổi này, rễ mới có nhiều hoạt chất. Khi đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ phần rễ sát với gốc thân. Rễ nhỏ thì dùng cả, nếu rễ to thì dùng phần vỏ rễ (bỏ lõi gỗ). Thái nhỏ, phơi khô chỗ râm mát, thoáng gió để bảo đảm mùi thơm của dược liệu và bảo đảm hoạt chất của rễ. Lá đinh lăng phơi khô, nấu nước có mùi thơm của vị thuốc Đương quy. Lá tươi không có mùi này.
Thành phần hoá học: Vỏ rễ và lá chứa saponin triterpen, alcaloid, glucosid, 20 acid amin, phytosterol, tinh dầu, tanin, các vitanin B1, B2, B6, C, và một số hợp chất polyacetylen như panaxynol, panoxydol, heptadeca - 1,8 (E) - dien - 4,6 diyn -3,10 diol. Ba chất này có tác dụng kháng khuẩn mạnh và chống một số dạng u bướu. Lá còn có acid oleanolic.
Rễ cây Đinh lăng có tác dụng trị suy nhược cơ thể, chống lại sự mệt mỏi, làm tăng sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng khả năng lao động và làm việc bằng trí óc, tăng cân và giải độc thức ăn.
Trong Y học cổ truyền Việt Nam, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác đã dùng rễ Đinh lăng sao vàng, sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa. Theo kinh nghiệm dân gian, lá Đinh lăng phơi khô, nhồi vào gối hoặc trải giường cho trẻ em nằm để chống co giật. Người lớn dùng gối nhồi lá Đinh lăng để chữa bệnh đau đầu và mất ngủ.
Tác dụng sinh học: Hoạt chất của cây Đinh lăng có tác dụng chống oxy hoá, là thuốc bảo vệ tế bào gan. Theo N.T. Thu Hương và N.T. Anh Nhu thì chất chiết xuất của rễ và lá Đinh lăng có tác dụng bảo vệ gan dựa trên cơ chế chống oxy hoá.
Công dụng: Rễ Đinh lăng có vị ngọt, tính bình; dùng làm thuốc tăng lực, tăng sức chịu đựng của cơ thể và chống stress. Người bị suy nhược cơ thể, uống Đinh lăng để chóng phục hồi, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân. Nó cũng làm tử cung co bóp mạnh hơn. Đinh lăng ít độc hơn Nhân sâm, nhưng khác với Nhân sâm là nó không làm tăng huyết áp. Thân và cành dùng chữa phong thấp, đau lưng. Lá dùng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú. Thường sử dụng rễ Đinh lăng ở dạng bột 2g/ngày, hoặc dạng thuốc sắc 4-6g/ngày. Phụ nữ sau khi sinh uống nước sắc lá Đinh lăng (20g lá khô, hoặc 50-100g lá tươi) giúp cơ thể chóng bình phục và có nhiều sữa. Lá non Đinh lăng được dùng làm rau ăn sống, hoặc ăn gỏi cá.
Ở Campuchia, người ta dùng lá và vỏ thân Đinh lăng sắc uống làm thuốc hạ nhiệt, hoặc để điều trị sốt (Ấn Độ). Lá tươi giã nát đắp ngoài trị viêm thần kinh và thấp khớp, trị các vết thương phần mềm.
Từ năm 1976, Học viện quân y phối hợp với Xí nghiệp dược phẩm I (Bộ Y tế) đã sản xuất viên Đinh lăng 0,15g với công dụng chữa suy nhược, mệt mỏi, sút cân, kém ăn, kém ngủ. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 2-3 viên.
Trồng Đinh lăng: Cây thường được trồng bằng cách giâm cành. Vào tháng 4-8, chọn những cành ‘bánh tẻ’, chặt thành đoạn dài 15-20cm rồi cắm nghiêng xuống đất, giữ đất ẩm và che nắng khi mới trồng. Cây Đinh lăng ưa đất cao ráo, hơi ẩm và nhiều màu. Nhà ở thành phố cũng có thể trồng trong chậu, để ở nơi có nắng.
Chú ý: Những cây sau đây cũng có tên “Đinh lăng”, nhưng khác loài và không dùng làm thuốc, cần chú ý phân biệt.
1. Đinh lăng lá tròn (Polyscias balfouriana Bail.), cùng họ.
Cây bụi cao 1-2m. Lá kép có 3 lá chét, phiến lá chét hình trái xoan hoặc gần tròn, màu xanh đậm, đầu tù, mép lá có răng nhọn; cuống lá dài, gốc cuống có bẹ ngắn; cuống lá chét dài 1cm. Cụm hoa mang nhiều tán nhỏ đường kính 1-1,5cm; Hoa có 6 cánh, 6 nhị, bầu có 4 lá noãn.
Nguồn gốc ở New Caledonia. Thường được trồng làm cây cảnh.
Hình 4-5: Đinh lăng lá tròn (Hình vẽ: P.P.Hộ, ảnh: T.C.Khánh)
2. Đinh lăng lá trổ hay Đinh lăng viền bạc (Polyscias guilfoylei (W. Bull) L. H. Bailey), cùng họ.
Cây bụi cao 3-4m. Lá kép hình lông chim lẻ, có 7 lá chét hình trái xoan, có răng hay xẻ thuỳ nông, mép lá chét thường có viền trắng. Bầu có 3-4 (-5) lá noãn. Vòi nhụy rời. Trồng làm cảnh.
Hình 6-7: Đinh lăng trổ (Hình vẽ: P.P.Hộ, ảnh: T.C. Khánh).
Loại này có nhiều thứ, khác nhau ở sự đa dạng của lá.
- P. guilfoylei Bail. var. laciniata Bail., lá chét xẻ sâu.
- P. guilfoylei Bail. var. victoriae Bail., lá chét nhỏ, xẻ nhiều lần.
- P. guilfoylei Bail. var. quinquefolia Bail., có 5 lá chét.
3. Đinh lăng lá to, hay Đinh lăng lá ráng (Polyscias filicifolia (C. Moore ex E. Fourn.) L. H. Bailey, cùng họ.
Cây bụi cao đến 2,5m, khá hiếm gặp; thân có lỗ vỏ. Lá dày và to hơn nhiều so với Đinh lăng lá nhỏ, rất đa dạng: ở thân non, lá kép 1-2 lần hình lông chim, có 11-13 lá chét hình mác có răng cưa to và sâu, dạng lá Ráng; ở cành già lá đơn, hình trái xoan, thường màu lục tươi, gân giữa màu tía.
Trồng làm cảnh, nguồn gốc ở các đảo Thái Bình Dương.
Hình 8: Đinh lăng lá to. (nguồn: Internet)
Lượt xem : 2963