Vietnamese English
Điện sinh khối: Nguồn mới cho cung điện ổn định, khí thải giảm

3/27/2020 6:31:00 AM

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Quyết định này tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối, qua đó giúp Việt Nam cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện, giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh…

 

Nền tảng thuận lợi cho phát triển

Điện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng các nguồn nhiên liệu sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Các phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản và các loại cây trồng là những nguồn nhiên liệu có thể sử dụng cho sản xuất điện sinh khối. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư.

Đánh giá cao những sửa đổi và điều chỉnh của Chính phủ Việt Nam đối với điện sinh khối, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ nhận định Quyết định 08 là nền tảng quan trọng để Việt Nam thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối, nhằm tiến tới đạt được mục tiêu phát triển điện sinh khối trong các giai đoạn mà Quy hoạch điện VII điều chỉnh đặt ra.

Các dự án điện sinh khối ở Việt Nam hiện chủ yếu mới có trong ngành mía đường

Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện. “Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả, và giảm phế thải”, ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công thương/GIZ (ESP) cho biết.

Năng lượng sinh khối cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu SDGs của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Đáng chú ý Quyết định 08 đã tăng giá điện đối với dự án điện sinh khối trong đó có những điều chỉnh tăng. Giá điện cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt – điện là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh (giá cũ là  1.220 đồng/kWh, tương đương 5,8 UScents/kWh). Giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh, tính theo tỷ giá trung tâm của VND với USD (các giá mua điện này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Theo ông Tobias Cossen, Giám đốc Dự án Phát triển Thị trường năng lượng sinh học bền vững, thuộc Chương trình ESP, chính sách về năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian gần đây đặt rất nhiều chú ý vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nên việc tăng giá đối với năng lượng sinh khối là một tín hiệu rất tích cực cho thấy năng lượng sinh học sẽ có chỗ đứng trong bức tranh năng lượng tương lai bằng việc sử dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp (ví dụ như bã mía).

Thực trạng và giải pháp

Đánh giá về thực trạng phát triển điện sinh khối ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Anh Dũng – cán bộ Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng/ Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam - EU cho rằng, hiện nay, ngoại trừ ngành mía đường - với đặc thù công nghệ tự nhiên cần đốt bã mía để cấp điện và hơi - các nguồn phát điện từ năng lượng sinh khối khác chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tổng công suất lắp đặt các nguồn điện sinh khối tương đối thấp, chỉ khoảng 325 MW, chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu nguồn điện ở nước ta và hầu hết là dạng đồng phát nhiệt - điện trong các nhà máy đường. Ngoài bã mía thì các dạng nhiên liệu sinh khối khác như trấu, mùn cưa, rơm rạ... cũng đang được sử dụng phổ biến nhưng cho các mục đích khác (như xuất khẩu, cấp nhiệt trong các lò hơi công nghiệp quy mô nhỏ…) chứ không được dùng cho phát điện. 

Theo lý giải của ông Dũng, do giá nhiên liệu sinh khối trên thị trường tương đối tốt trong khi giá mua điện sinh khối lại thấp nên trong thời gian qua, điện sinh khối không phải là lĩnh vực hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư (NĐT). Điều này được thể hiện rõ thông qua giá mua các dạng sinh khối ở thị trường Việt Nam như trấu, rơm rạ, gỗ dăm, viên ép… dao động từ vài trăm nghìn đồng/tấn đến trên 2 triệu đồng/tấn tùy theo dạng nhiên liệu và hình thức thương mại.

“Tôi đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Quyết định 08 vì đã giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc. Đây là bước chuyển lớn sẽ giúp thúc đẩy phát triển điện sinh khối ở Việt Nam trong tương lai”, chuyên gia này nhìn nhận. Chính phủ cũng đã có những cân nhắc hợp lý để ban hành cơ chế giá FIT mới với mục tiêu vừa hấp dẫn với các NĐT và không làm ảnh hưởng đáng kể đến các bên khác. Mặc dù giá FIT mới, theo ông Dũng, vẫn chưa đủ để hấp dẫn tất cả các NĐT tư nhân nhưng cũng đủ để mang lại lợi nhuận hợp lý cho các NĐT có tiềm lực tài chính, có năng lực cao trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp và có khả năng duy trì chuỗi cung cấp nhiên liệu ổn định.

Để thực thi Quyết định 08 một cách hiệu quả, minh bạch, ông Dũng cho rằng cần có những cụ thể hóa trong Thông tư hướng dẫn mà Bộ Công thương ban hành trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, việc đánh giá quá trình thực hiện và nhìn nhận lại các vấn đề theo chu kỳ là rất quan trọng.  Hầu hết các quyết định về chính sách giá FIT đều dựa trên một số giả thiết nhất định về thị trường tương lai. Rõ ràng là thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng lớn từ thị trường thế giới cũng như các nước trong khu vực châu Á. Điều này dẫn đến việc trong một số trường hợp, chúng ta không dự báo chính xác được biến động của thị trường. Vì thế, việc theo dõi, tổng kết, đánh giá thực hiện hàng năm và đánh giá toàn diện lại chính sách sau mỗi 02 năm là điều cần làm để đảm bảo có những điều chỉnh chính sách kịp thời với những biến động của thị trường. 

Sau khi có Quyết định 08 và sắp tới là Thông tư hướng dẫn thực hiện, cần có thời gian theo dõi về phản ứng của thị trường để có đánh giá cụ thể hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một trong những giải pháp là cần đơn giản và minh bạch hóa quá trình phê duyệt, cấp phép để tạo thuận lợi cho các NĐT cũng như giảm thiểu chi phí rủi ro về thủ tục hành chính. Cùng với đó về dài hạn, Việt Nam cần có khung pháp lý để thúc đẩy và quản lý phát triển điện sinh khối một cách bền vững nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung thông qua Luật Năng lượng tái tạo và các nghị định hướng dẫn đi kèm.

Đỗ Phạm/Thoibaonganhang

Lượt xem : 1546