Điện hạt nhân VN phải học bài học Fukushima
8/27/2012 12:26:00 PM
Từ bài học rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, tháng 3-2011, Việt Nam (VN) cần ưu tiên giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất an toàn và pháp quy hạt nhân, theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ.
Trước mắt, VN phải tham gia các công ước quốc tế và xây dựng pháp quy để đảm bảo cho an ninh hạt nhân trong tương lai, ông Nguyễn Quân cho biết. Bên cạnh đó, chúng ta phải có cơ sở nghiên cứu độ an toàn đủ mạnh bao gồm các viện nghiên cứu và các cơ quan pháp quy. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đảm bảo cho vận hành và sử dụng an toàn nhà máy điện hạt nhân trong tương lai cần được chú trọng.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, VN phải đối mặt với hai thách thức lớn trong quá trình thực hiện dự án.
Thứ nhất, VN vẫn là một nước đang phát triển với tiềm lực tài chính còn hạn chế. Hiện nay, toàn bộ các dự án điện hạt nhân của Việt Nam phải dựa vào nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA), cụ thể là của Nga và Nhật Bản.
Thứ hai, sau sự kiện Fukushima, VN chủ trương nâng cao độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân so với dự tính ban đầu. Song thảm họa này vẫn làm dấy lên làn sóng phản đối, đòi hỏi công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất từ quốc hội tới nhân dân.
Đã xong giai đoạn 1
Theo Cơ quan Nguyên tử Năng lượng Quốc tế (IAEA), quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được chia thành ba giai đoạn: 1) đưa ra quyết định sáng suốt, 2) sẵn sàng mời thầu, và 3) sẵn sàng chạy thử và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Tổng thời gian từ 10 đến 15 năm, tính từ lúc Chính phủ bắt đầu lựa chọn năng lượng hạt nhân đến khi đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thương mại. Hiện nay Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 của quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Tháng 11- 12 tới, các chuyên gia của IAEA sẽ làm việc với ban dự án của Việt Nam, nêu ra nhận định về tình hình phát triển dự án điện hạt nhân. Dựa vào 19 vấn đề trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhận quốc gia mà IAEA đề ra để đánh giá và tư vấn về những điểm mạnh, điểm yếu của Viêt Nam, giúp tiến tới giai cột mốc thứ 2 của dự án.
Theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sẽ được khởi công xây dựng sau năm 2015. Bốn tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020 với công suất 1.000MW, phục vụ 1.3% nhu cầu điện toàn quốc. Đến năm 2030, điện hạt nhân sẽ cung cấp khoảng 10.000MW, tương đương với 6.6% tổng công suất điện.
Ngài Alexander Bychkov, Phó tổng Giám đốc IAEA Phụ trách Năng lượng Hạt nhân, khẳng định mô hình nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam an toàn hơn Nhật Bản. Theo ông, công nghệ năng lượng hạt nhân được Nhật Bản sử dụng phát triển từ những năm 1950, vì thế việc so sánh này tương tự như so sánh giữa loại ô tô hiện nay và ô tô đời 1950 vậy. Ngoài ra, ông cũng cho biết IAEA sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
“Tiến độ dự án của chúng ta có ảnh hưởng, nhưng những ảnh hưởng này sẽ giúp cho dự án của chúng ta tốt lên và an toàn hơn”, ông Đoàn Thế Vinh, Phó Cục trưởng Cục Nhiệt điện và Điện hạt nhân, Bộ Công thương, trả lời vfej.vn.
|
Nguyễn Linh Hương
(VFEJ)
Lượt xem : 1057