Vietnamese English
Điện gió sợ... lặng gió!

4/22/2020 7:50:00 AM

Sau khi “cuộc đua” của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào điện mặt trời (ĐMT) được xem tạm lắng bởi những yêu cầu đấu thầu phát triển các dự án ĐMT khá chặt, thì điện gió đã, đang trở thành mảnh đất “màu mỡ”, trọng tâm mới được nhiều DN nhắm tới. Song có ý kiến cho rằng, sau ĐMT có đến thời điện gió hay không, thì vấn đề gia hạn giá mua điện gió, cũng như một quy hoạch riêng cho điện gió và ĐMT mới là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư ngóng chờ...

 

Điện gió sợ... lặng gió!

Cần có cơ chế, chính sách hợp lý, nhất quán để khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng vào trạm biến áp, hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Địa phương mong cơ hội

Trong kiến nghị gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Trần Trí Dũng đã rất khẩn thiết mong được bổ sung một số dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để sớm được triển khai. Theo nội dung, đây là những dự án có quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, và được địa phương kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.

Không chỉ có Trà Vinh, hay Đắk Lắk..., mới đây Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang cũng đã đề xuất sớm bổ sung một số dự án điện gió lớn khác vào quy hoạch với lý do có phương án đầu tư đường dây đấu nối, giải tỏa công suất, trong khi nhiều dự án khác chưa có.

Không chỉ có những dự án điện gió nói trên được lãnh đạo địa phương nhắc riêng với các cơ quan chức năng, mà ngay trong báo cáo của Bộ Công thương tới Chính phủ ngày 19-3, cho hay, hiện có gần 250 dự án điện gió với quy mô tổng công suất lên tới khoảng 45.000 MW đang được UBND các địa phương gửi tới Bộ Công thương đề xuất được bổ sung vào quy hoạch điện.

Theo nội dung báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ cho hay, trong giai đoạn 2011-2018, chỉ có ba dự án điện gió được xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 152,3 MW. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, tháng 9-2018, tính tới tháng 3-2020 đã có tổng cộng 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong số này cũng có 11 dự án với tổng công suất 377 MW đã phát điện, và 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW và có thời gian vận hành dự kiến trong năm 2020-2021.

Việc chạy đua của các nhà đầu tư (NĐT), DN vào làm điện gió cũng khiến cho dự luận e ngại về làn sóng đã từng xảy ra như đối với ĐMT trong năm 2018. Chỉ với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển ĐMT, trong vòng hơn một năm rưỡi, đã có 135 dự án ĐMT với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực...

Tuy nhiên, với thực tế đầu tư cho các dự án ĐMT đang có dấu hiệu xẹp xuống khi được yêu cầu chuyển sang đấu giá chọn NĐT sau năm 2021, thì điện gió đang nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn mới, nhất là khi giá điện gió hiện nay tới tháng 11-2021 mới hết hạn.

Điện gió đã, đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” được nhiều nhà đầu tư nhắm tới.

Ngóng thời gian... gia hạn

Điều hiện nay được quan tâm nhất đối với cộng đồng năng lượng tái tạo (NLTT) chính là việc gia hạn giá mua điện gió cho sau thời điểm tháng 11-2021. Theo ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho biết, ưu điểm của điện gió là hệ số sử dụng trên lưới cao, khoảng 30-35% so mức 20% của ĐMT. Điện gió có cả ban ngày lẫn ban đêm và sử dụng rất ít đất, với định mức 0,35 ha/MW so 1,2 ha/MW của ĐMT. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, các dự án điện gió đang thi công đứng trước nhiều nguy cơ đội vốn và chậm tiến độ, khó đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành trước ngày 1-11-2021.

Từ kinh nghiệm thực tế đã triển khai của Nhà máy điện gió Phú Lạc, ông Thịnh cũng chia sẻ, thi công điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với ĐMT, bởi ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tua-bin gió vận hành ổn định hơn 20 năm, thì phải có cần cẩu chuyên dụng để lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, lên độ cao có khi hơn 100m. “Thi công một dự án điện gió như vậy luôn bị kéo dài, thường là 12-18 tháng, so với chỉ mất từ 5-12 tháng của ĐMT”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Với tư cách là nhà cung cấp tua-bin điện gió, ông Scott Powers, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông-Nam Á của Công ty Siemens Gamesa Renewable Enegry Vietnam cho hay, nếu đặt hàng ở thời điểm tháng 3-2020, thì phải một năm nữa mới có tua-bin.

Thực tế này đang khiến nhiều chủ đầu tư các dự án điện gió đau đầu bởi dịch bệnh Covid-19 có thể khiến cho thời gian giao hàng sẽ bị kéo dài, trong khi đó thời hạn chốt sổ để được hưởng mức giá cố định như hiện nay là trước ngày ngày 1-11-2021 theo quy định.

Chưa kể các nhà cung cấp thiết bị biết được thực tế này nên cũng có dấu hiệu ép giá với các nhà đầu tư điện gió trong đặt hàng tua-bin hiện nay. “Nếu xét thấy cần gia hạn giá mua điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thì phải công bố chậm nhất là trong tháng 4-2020, vì muộn hơn các nhà đầu tư sẽ lo lắng và không chắc chắn tài chính để triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư”, ông Jean Francois Pierre Peron, Tổng Giám đốc Công ty Vòng tròn xanh cho hay.

Tuy nhiên, trong văn bản số 2491/BCT-ĐL trình Chính phủ ngày 9-4-2020, Bộ Công thương chỉ kiến nghị cho phép kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện cố định từ tháng 11-2021 đến hết năm 2023 với các dự án điện gió. Điểm quan trọng nhất là bộ này cho hay, sẽ xây dựng mức giá mới cho thời gian từ tháng 11-2021 đến hết năm 2023.

Đề xuất này đang khiến các NĐT điện gió thất vọng bởi đang rất chờ mong mức giá mua điện gió theo Quyết định 39 như hiện nay (9,8 UScent/kWh cho điện gió ngoài khởi và 8,5 UScent/kWh cho điện gió trên bờ) sẽ được kéo dài tới hết năm 2022 hoặc may mắn hơn là tới hết năm 2023.

Không nêu lý do đưa ra đề xuất sẽ có mức giá mới cho thời gian từ tháng 11-2021 đến hết năm 2023, nhưng nhìn vào thực tế giá mua ĐMT đã giảm mạnh sau ngày 1-7-2019 (sau hơn hai năm áp dụng mức giá 9,35 UScent/kWh) và chuyển sang đấu giá chọn nhà phát triển dự án thì các dự án điện gió dường như khó có thể đi theo cách khác!

Sau điện mặt trời, có đến thời điện gió?

Tổng thể... vẫn đang loay hoay

Việc “chạy đua” đổ bộ vào lĩnh vực NLTT thời gian qua đã nâng tổng công suất đăng ký lên tới 37.000 MW ĐMT hay tới gần 50.000 MW điện gió đã cho thấy sự hấp dẫn của nắng, của gió. Nhất là so tổng công suất đặt nguồn điện cả nước ở thời điểm hiện là 54.000 MW có được sau gần 70 năm phát triển ngành điện.

Dẫu vậy, cho tới nay, vẫn chưa có quy hoạch riêng cho điện gió hay ĐMT được xây dựng. Tất cả các dự án điện gió và ĐMT mới khi được chấp thuận đều bổ sung luôn vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được ban hành từ tháng 3-2016.

Bởi vậy, khi phát triển ồ ạt ĐMT đã xảy ra tình trạng không có lưới truyền tải, khiến các dự án không huy động được công suất như dự tính, gây khó khăn cho NĐT trong vấn đề cân đối tài chính. Tại các dự án điện gió, lo ngại tình trạng diễn ra tương tự khiến Bộ Công thương liên tục đề xuất đầu tư bổ sung hàng loạt đường dây truyền tải mới. Tuy nhiên, làm đường dây không nhanh như xây dự án nên nguy cơ có nhà máy mà không phát được điện lên lưới vẫn hiện hữu ở các dự án điện gió lẫn ĐMT đang triển khai.

Về tổng thể, việc dồn sự quan tâm tới các nguồn điện gió, ĐMT hay gần đây là điện khí LNG trong khi chưa xử lý được bài toán giá mua điện và giá bán điện khiến EVN càng mua nhiều càng phải bù lỗ lớn sẽ là mấu chốt khiến các dự án điện sạch đổ bộ nhiều, nhưng không dễ bổ sung vào quy hoạch như mong đợi.

Đó là chưa kể, điện gió chỉ huy động được tối đa 4.000 giờ/năm, hay điện mặt trời là 2.000 giờ/năm, trong khi mỗi năm có 8.760 giờ cũng đặt ra câu chuyện lấy đâu nguồn bù đắp những lúc điện gió và ĐMT không hoạt động. Mà điều này, dù đã được đặt ra nhưng các cơ quan liên quan vẫn đang loay hoay tính toán trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) với dự kiến cuối năm nay mới có dự thảo.

Có thể nói, bên cạnh “việc cần làm ngay” của các cơ quan chức năng để tháo gỡ “nút thắt” trên, thì lúc này cũng cần có cơ chế, chính sách hợp lý, nhất quán để khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng vào trạm biến áp, hệ thống truyền tải điện quốc gia... Mặt khác cần tiếp tục triển khai và sớm đưa Nghị quyết số 55-NQ55 (về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đi vào cuộc sống, nhằm giải quyết nhiệm vụ trước mắt cũng như hướng tới phát triển năng lượng quốc gia đúng như tinh thần NQ55 đề ra.

BÀI, ẢNH: KIẾN GIANG - HƯƠNG TRÀ/Nhandan

Lượt xem : 1492