Điện Biên không xa xôi
5/7/2011 8:23:00 PM
Điện Biên Phủ không chỉ được cả thế giới biết đến như một kỳ tích kháng chiến của dân tộc Việt Nam, mà còn là vùng đất có tầm sâu địa sinh thái rất đặc biệt.
Nguyễn Đình Hoè - VACNE
Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng những dấu tích của chiến thắng Điện Biên Phủ không hề cũ mòn trong tâm trí người Việt Nam và bạn bè năm châu. Những địa danh như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lan, Đồi A1, hầm Đơ Cat, Mường Phăng... của vùng chiến trường xưa, đã trở nên quen thuộc, ngay cả với các cháu bé tiểu học. Tất cả vẫn đang được tôn tạo, bảo vệ, trở thành những trang sử sống động mời gọi những cuộc hành hương về nguồn, mời gọi du khách đến thăm.Tuy nhiên, Điện Biên Phủ vẫn còn có những giá trị lịch sử và sinh thái khác còn ít được biết đến.
1.Một lịch sử địa chất đầy biến động
Miền đất phía tây Điện Biên Phủ (vùng đèo Tây Trang), cùng với vùng Mường Tè (Lai Châu) và Thượng Lào là những di tích còn sót lại của một đại dương rất cổ có tên là đại dương Thetys. Trong những đợt tạo sơn liên tục kéo dài nhiều trăm triệu năm, đại dương cổ này bị dồn ép và biến mất để tạo nên dãy Himalaya, mà phần đất đang nói đến là phần tận cùng phía đông nam của hệ núi cao nhất thế giới này. Trong hệ thống núi hùng vĩ ở phía tây tổ quốc, các nhà địa chất đã phát hiện ra những di tích cung đảo núi lửa cổ, những di tích nham thạch có nguồn gốc đáy đại dương nước sâu. Xa hơn về phía tây tỉnh Vân Nam Trung Quốc, còn phát hiện được hoá thạch của những loại động vật không xương sống, nước lạnh, gần gũi với hệ động vật Châu Úc.
Những biến động địa chất mãnh liệt ngày nay của dãy Himalaya không ngừng ảnh hưởng đến vùng đất Điện Biên Phủ. Phun trào núi lửa basalt cổ giống như basalt Tây Nguyên, động đất, nước khoáng nóng... và đặc biệt cánh đồng Mường Thanh cũng hình thành trên một trũng sụt hiện đại của vỏ trái đất, đều bắt nguồn từ những vận động này.
2.Một vùng địa sinh thái đặc biệt
Cứ vào độ tháng 10 Mường Thanh (còn gọi là Mường Then có nghĩa là Mường Trời) lại vàng rực lúa chín. Cánh đồng Mường Thanh rộng 120 km2.Tại một tỉnh mà 80% đất đai có độ dốc trên 25o, sự xuất hiện một cánh đồng rộng rãi, phì nhiêu rộng trên chục ngàn ha khiến cho du khách có cảm giác là mình đang lạc vào một xứ xa lạ. Quả thật cánh đồng Mường Thanh hiện nay rất khác với những phần còn lại của các tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Chiến tranh đã tắt từ lâu, chỉ còn lại những phế tích. Bên cạnh hầm Đờ Cát là một cánh đồng hoa hồng Pháp của ông Nguyễn Đoàn, một nhà trồng hoa có nghề ở ngoại thành Hà Nội di cư ngược lên Sơn La - Điện Biên với một ước mơ: làm cho 2 thị xã tràn ngập hoa. Ông còn xuất khẩu hoa sang Trung Quốc.
Những khối núi bao quanh lòng chảo Điện Biên bị phân rã do gió mưa và ánh sáng mặt trời, cung cấp cho cánh đồng Mường Thanh một loại đất tốt kỳ lạ. Cùng giống lúa dưới xuôi mang lên trồng, nhưng gạo Điện Biên bao giờ cũng ngon hơn. Ngay cả cải xanh bà con trồng trên dải phân cách đường phố vẫn cho hương vị đậm đà hơn cải xanh trồng ở các địa phương khác. Điện Biên còn có những đặc sản danh tiếng khác như hà thủ ô Mường Phăng, rượu sâu chít nổi tiếng khắp nước mà cánh đàn ông ưa săn lùng vì “ông uống bà khen”. Các vườn rau cao cấp xanh mướt trên các vạt phù sa của sông Nậm Rốm. Rau cải ngồng - đặc sản Điện Biên - còn được trồng trên cả giải phân cách của con đường xa lộ 2 chiều vào thị xã. Thu hoạch có khi cao khi thấp nhưng lúa gạo Mường Thanh chưa bao giờ mất mùa. Gạo tám Điện Biên nổi tiếng được thực khách suốt một dải Quốc lộ 6 từ Lai Châu về đến Hà Nội ưa chuộng. Ngay giống lúa 64 gốc đồng bằng, đưa lên cấy ở Mường Thanh cũng cho hạt gạo ngon cơm hơn hẳn dưới xuôi.
Điện Biên Phủ ngày nay vẫn không hề yên tĩnh. Đó là nơi phân lưu giữa hệ thống sông Mã và hệ thống sông Nậm Rốm. Trong khi sông Mã dồn nước về Biển Đông, thì sông Nậm Rốm lại chảy sang Lào, hợp lưu với sông Nậm U để đổ vào sông Mekong. Vào đầu mùa hạ, những dòng khí quần thảo, tạo nên gió xoáy và mưa đá trên bầu trời Điện Biên.Mưa đá có những hòn to bằng hai chiếc bát ăn cơm chồng úp vào nhau, mỗi đợt mưa đá thường kéo dài nửa giờ. Sau trận mưa, đá chất đống, nửa ngày chưa tan hết, chim chóc chết nằm rải rác. Có lần, mưa đá còn giết chết cả trâu bò thả rông ngoài đồng.
Mùa mưa sông Nậm Rốm thường đổi dòng và gây úng lụt. Có đợt lụt, cánh đồng lúa Mường Thanh biến thành biển nước sâu trung bình 1 mét. Đất đồi ven cánh đồng Mường Thanh rất kỳ lạ: mùa khô, đất rất rắn chắc, nhưng chỉ mưa vài ngày là chảy nhão ra như bùn, trượt trôi xuống chân dốc. Trượt đất là hiểm hoạ thường xuyên của Thành phố Điện Biên Phủ. Vào đầu mùa khô, hàng chục khối đất trượt vẫn còn treo lơ lửng phía sau những căn biệt thự lấp lánh ánh đèn màu.
Chiến trường xưa cũng để lại cho Điện Biên một vùng đất ô nhiễm còn chưa được làm rõ. Giếng đào ven đồi A1 rất trong nhưng có mùi rất lạ không ai dám dùng. Giếng của trại tạm giam tỉnh xây dựng rất đúng kỹ thuật, nhưng thường xuyên nổi váng dầu. Sét chuyên đánh xung quanh cầu Mường Thanh và hầm Đờ Cát, năm nào cũng có 1 đến 2 người trúng đòn của thiên lôi... Người ta cho rằng Mường Thanh là chiến trường xưa, lòng đất còn nhiều sắt thép.
3.Một nền văn hoá các dân tộc đậm đà bản sắc.
Thành phố Điện Biên Phủ có đến 22 dân tộc anh em sinh sống quần tụ từ lâu đời, ngoài dân tộc Thái, Kinh, Dao, Hoa, còn có Lô Lô, Phù Lá, Lự, Hà Nhì, Xinh Mun, La Hủ, Kháng... Tất cả tạo ra cho Điện Biên một nền văn hoá đa dạng và đầy bản sắc. Nhiều lễ hội như Lễ Hạn khuống (Thái), lễ Mừng trăng mọc (Mảng, Kháng, Xinh Mun, La Hủ, Khơ Mú, Phù Lá...), Tết Cơm mới (La Hủ), là những sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc. Ở Điện Biên, có thể gặp nhiều người trong những bộ trang phục dân tộc khác nhau, có thể nghe nhiều làn điệu dân ca trữ tình khác nhau trong tiếng đệm của nhiều loại nhạc cụ độc đáo như các loại trống, chiêng, khèn, đàn tính tẩu (làm từ quả bầu khô)... Phiên chợ Điện Biên Phủ có thể được coi là một bảo tàng sống động của nền văn hoá đa dạng nơi đây.
Hang Thẩm Báng thuộc xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, là hang đá tự nhiên và còn khá nguyên vẹn. Lòng hang rộng và sâu, cao gần 100m, có nhiều ngách. Giữa hang có phiến đá to bằng phẳng như mặt bàn. nhiều măng đá, nhũ đá tạo thành những hình thù những con rồng, con phượng, sư tử, voi quỳ hoặc những đoá phong lan đá tuyệt đẹp. Hang Thẩm Báng không chỉ là một cảnh quan đẹp mà tại đây đã phát hiện một số loại rìu, chày nghiền thức ăn bằng đá, một số mẩu xương động vật hoá thạch.
Thành Bản Phủ còn gọi là thành Chiếng Lê, nằm ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9 km.Đây là một kỳ tích về xây dựng thành. Thành rộng hơn 80 mẫu. Sau lưng là sông Nậm Rốn. Tường thành đắp bằng đất, trồng tre gai vây quanh, loại tre được mang từ Thái Bình lên. Ngoài có hào sâu rộng 4-5 thước trên mặt thành ngựa, voi đi lại được. Thành có các cửa: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cửa có đồn cao và vọng gác...Đền thờ Hoàng Công Chất được xây ở trung tâm thành Chiềng Lê để thờ tướng quân họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân - ghi lại công lao to lớn của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất, người Thái Bình, trong cuộc chiến tranh giải phóng Mường Thanh (Mường Then) khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ.
Điện Biên Phủ là vùng đất có lịch sử lâu đời và đầy biến động, có một nền văn hoá đa dạng và một hệ sinh thái đặc sắc. Mùa hạ nắng gió đang về trên vùng đất anh hùng. Giặc đã tan trên nửa thế kỷ nhưng người dân Điện Biên vẫn cần nhiều mồ hôi cho cuộc sống mới ở vùng đất Mường Trời./.
Lượt xem : 2222