VIỆT NAM
Ban hành quy định xác định thiệt hại đối với môi trường
Ngày 06/01/2015,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường. Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Nghị định này quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trong 3 trường hợp:
Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành
Thông tư hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 20/2/2015.
Các hoạt động bảo vệ môi trường gồm: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái, phát triển cây xanh.
Doanh nhân cam kết bảo vệ động vật hoang dã
Doanh nhân trẻ tiêu biểu trên cả nước đã cùng nhau cam kết ủng hộ các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam tại một sự kiện bên lề Hội nghị Doanh nhân trẻ toàn quốc do Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/01 tại Hà Nội.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã”. Đây cũng là một phần trong chiến dịch truyền thông rộng rãi của Bộ Tài nguyên & Môi trường nhằm kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã trong dịp Tết sắp tới.
Phát động cuộc thi “Tắt đèn bật ý tưởng 2015” hưởng ứng Giờ Trái Đất 2015
Ngày 15/01, tại TP Hà Nội đã diễn ra lễ
phát động cuộc thi “Tắt đèn bật ý tưởng 2015” với chủ đề “Character bảo vệ môi trường” nhằm hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất 2015 - một sự kiện thường niên của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 28/3.
Diễn ra song song với cuộc thi “Tắt đèn bật ý tưởng 2015” là chiến dịch “I ride a bike today” – dự án phi lợi nhuận được bảo trợ bởi Redraw the Line – Chiến dịch nâng cao nhận thức về Biến đổi khí hậu và BOOVironment - Ban dự án môi trường và các tổ chức thanh niên đồng hành như Go Green và 350 Vietnam. Tất cả cùng chung tay để truyền tải thông điệp: “Hãy thay đổi thói quen của bạn trước khi khí hậu thay đổi bạn.”
THẾ GIỚI
Việt Nam giữ chức Chủ tịch Ủy hội sông Mê Công quốc tế
Tại buổi lễ khai mạc phiên họp lần thứ 21 của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế diễn ra ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Dapong Ratanasuwan đã chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, với cương vị tân Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế khóa 2014-2015, bộ trưởng cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để giúp Ủy hội đạt được những mục tiêu chung đã đề ra.
Trung Quốc: Tỉnh Vân Nam mất hơn 140 triệu USD vì mưa tuyết
Giới chức Trung Quốc ngày 12/1 cảnh báo thời tiết khắc nghiệt tại tỉnh Vân Nam trong những ngày gần đây có thể gây thiệt hại kinh tế lớn. Ước tính thiệt hại vật chất là khoảng 870 triệu nhân dân tệ (tương đương 142 triệu USD).
Mưa đá và tuyết rơi dày tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hơn 600.000 người, đe dọa hơn 36.000 hécta đất nông nghiệp, làm sập 64 ngôi nhà và hơn 8.100 gia súc, gia cầm chết vì giá rét.
Trái Đất tới ngưỡng "nguy hiểm" đối với sự sinh tồn của loài người
Trái Đất đang dần trở nên nguy hiểm đối với sự sinh tồn của loài người, trong khi chính con người cùng với những hoạt động của mình đã góp phần rất lớn dẫn tới tình trạng này. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 15/1.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra thực tế đáng báo động. Trong khi lượng khí CO2 trong bầu không khí ở mức 350ppm được coi là an toàn thì trên thực tế nó đã lên tới mức 397ppm, còn tỷ lệ các loài sinh vật tuyệt chủng do ô nhiễm hoặc nạn phá rừng cao hơn 10 đến 100 lần giới hạn an toàn cho phép.