Vietnamese English
Điểm tin trong tuần

6/21/2014 11:06:00 AM

Việt Nam lần đầu được cấp chứng chỉ toàn phần bảo vệ rừng; Ra mắt liên minh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Tuổi thọ người Trung Quốc giảm do ô nhiễm … là trong số những sự kiện môi trường nổi bật trong tuần.

TRONG NƯỚC

Việt Nam lần đầu được cấp chứng chỉ toàn phần bảo vệ rừng

Ngày 20/6, Công ty TNHH Một Thành viên Lâm trường Dakto (Daktoplanco) Kon Tum, và Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH Một Thành viên Lâm Công Nghiệp Long Đại, Quảng Bình được nhận Chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững toàn phần FSC/FM/Coc của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (FSC).


Từ năm 2007, hai đơn vị có vốn sở hữu nhà nước này được Chương trình Lâm nghiệp Việt-Đức, do Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức thực hiện dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) chọn làm thí điểm thực hiện quản lý rừng tự nhiên bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

Ra mắt liên minh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

“Việc chính thức ra mắt Liên minh Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) được trông đợi là bước đi đột phá đầu tiên tiến tới một loạt các hoạt động mở rộng và điều phối trên phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.”

Đó là nội dung chính trong bài phát biểu khai mạc của ông Harry Palmier, cố vấn trưởng thuộc Diễn đàn toàn cầu về nghiên cứu nông nghiệp (GFAR), tại Hội nghị tham vấn Liên minh nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu (CSA) diễn ra ngày 19/6 ở Hà Nội.

Sinh viên tình nguyện tham gia bảo tồn động vật hoang dã

Từ ngày 17 đến 21/6, 35 bạn sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia các hoạt động thuộc chương trình Chuyển động mùa Hè năm 2014.

Tham gia chương trình này, các bạn trẻ được tham quan các khu chức năng thuộc Khu cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me và được tập huấn các kỹ năng thuyết phục bảo vệ động vật hoang dã, kỹ năng đi rừng, chụp ảnh thú, tìm hiểu các nghề liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã… Đồng thời, tham gia các hoạt động cho thú ăn, trồng cây gây rừng, tạo nguồn thức ăn cho thú, phát quang bụi rậm, dựng bảng thông tin bảo vệ động vật hoang dã…

THẾ GIỚI

Tuổi thọ người Trung Quốc giảm do ô nhiễm

Tính trên cả nước, tuổi thọ trung bình của thành phố Bắc Kinh này vẫn cao hơn toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới được Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh công bố hôm 17/6/2014, những công dân 18 tuổi của Bắc Kinh nên sẵn sàng cho việc trải qua tình trạng không khỏe mạnh trong khoảng 40% những năm còn lại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một tổ chức y tế công khác sử dụng một chỉ số gọi là tuổi thọ trung bình điều chỉnh theo sức khỏe (HALE) cho thấy các công dân nữ ở Bắc Kinh được dự báo sẽ trải qua 28 năm cuối đời sống chung với bệnh tật.

Mỹ công bố kế hoạch lập khu bảo tồn biển lớn nhất

Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố kế hoạch lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới ở Thái Bình Dương, bất chấp khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới chức ngành công nghiệp đánh bắt cá cũng như các nhà lập pháp Mỹ lo ngại về việc người đứng đầu Nhà Trắng lạm dụng quyền hạn của người đứng đầu ngành hành pháp.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Obama trong cuốn băng video tại một hội nghị về các đại dương do Bộ Ngoại giao Mỹ đăng cai nói rằng vì các thế hệ tương lai “tôi cam kết sẽ sử dụng quyền là một Tổng thống Mỹ để bảo vệ một trong những phong cảnh biển quý báu nhất” còn lại ở vùng biển Thái Bình Dương.

3 tỷ USD làm sạch dòng sông ô nhiễm nhất thế giới

Chính phủ Ấn độ cam kết chi hơn 3 tỷ USD để làm sạch dòng sông vô cùng linh thiêng đối với các tín đồ Ấn Độ giáo (Hindus) nhưng đang bị ô nhiễm bậc nhất trên thế giới.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại sông Hằng là do từ trước đến nay, hàng triệu người dân Ấn Độ có thói quen cố hữu xem đây là “nhà vệ sinh ngoài trời”. Theo ước tính, 600 triệu người dân Ấn Độ không có nhà vệ sinh riêng.

Khai trương trung tâm năng lượng sạch Châu Á-Thái Bình Dương

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa khai trương Trung tâm Năng lượng Bền vững cho mọi người ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm đưa các nguồn năng lượng sạch và hiện đại đến với người dân ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trung tâm sẽ thúc đẩy những cơ chế hiện tại theo các chương trình năng lượng của ADB, UNDP và ESCAP, đồng thời hỗ trợ các quốc gia thực hiện các đánh giá nhanh, xây dựng các đối thoại chính sách mang tính xây dựng và làm xúc tác cho các khoản đầu tư, huy động các nguồn vốn song phương và đa phương cho việc phát triển năng lượng sạch.

Vòng đàm phán mới về biến đổi khí hậu rơi vào bế tắc

Vòng đàm phán thứ hai về biến đổi khí hậu do Liên Hợp quốc tổ chức trong năm nay đã kết thúc ngày 15/6 nhưng chưa khai thông được bế tắc xoay quanh Cơ chế phát triển sạch (CDM), yếu tố chính trong thỏa thuận mới phải được thông qua vào năm 2015 để có hiệu lực vào năm 2020, thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực gia hạn.

Về vấn đề tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu trước năm 2020, các nước đang phát triển cho rằng các mục tiêu cắt giảm khí thải do các nước phát triển đề ra là quá thấp so với khả năng của những nước này, vì thế cần được tăng lên mức cao hơn.

Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2298