GEF tài trợ trên 457 triệu USD thực hiện 107 dự án về môi trường; Cuộc thi Hít hít thở thở - Không khí sạch đâu rồi; Xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng; Dự án thành phố không ô nhiễm trị giá 14 tỷ USD của Philippines; EU đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần;... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
WB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những dự án về
môi trường, và ưu tiên lồng ghép trong 4 lĩnh vực quan trọng đó là đa dạng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất và chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xây dựng định hướng quốc gia của Việt Nam trong chu kỳ 7 của GEF nhằm thực hiện cam kết quốc tế trong 7 lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp đa lĩnh vực.
Cuộc thi Hít hít thở thở - Không khí sạch đâu rồi
Nhân tháng Trẻ em, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) tổ chức Cuộc thi “Hít thở, hít thở - Không khí sạch đâu rồi?” dành cho các bạn nhỏ và gia đình tới cùng trò chuyện, cùng chơi và học về các vấn đề môi trường xung quanh.Cuộc thisẽ diễn ra từ 14h00 – 16h00 Thứ bảy, 02/06/2018 tại Hội trường lớn L’Espace, số 24, Tràng Tiền, Hà Nội. Tham gia vào cuộc thi, 10 đội chơi gồm người lớn và trẻ em sẽ cùng nhau trải qua các chặng chơi với nội dung đa dạng.
Vòng 1 - Hít
hít thở thở là những câu hỏi trắc nghiệm nhanh giúp khán giả tìm hiểu về
ô nhiễm không khí, vì sao không khí lại bẩn và ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến chúng ta như nào. Ở vòng 2 -
Không khí sạch đi đâu rồi, các bé và gia đình sẽ chơi nói chệch nói tránh đi tìm từ khóa đúng, qua đó được trang bị các kỹ năng cần thiết để cải thiện không khí sạch và phòng ngừa các tác động về sức khỏe. Các đội chơi xuất sắc nhất sẽ được chọn để tham gia vào phần thi hùng biện ở vòng 3 - Em yêu
không khí sạch, nơi các bé được thử tài tìm ra giải pháp cho các tình huống thực tế. Thông qua những trò chơi, đố vui, đoạn phim ngắn, Ban tổ chức mong rằng trẻ em và người lớn sẽ có khoảng thời gian thật vui và hiểu hơn về những kiến thức vừa khoa học nhưng lại gần gũi thân thuộc. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình Không khí Sạch Thành phố Xanh mà tổ chức LiveLearn đã đang và sẽ thực hiện cho trẻ em, gia đình và công chúng ở Hà Nội.
Cần Thơ trở thành địa phương không còn gấu nuôi nhốt
Ngày 29/5, cơ quan chức năng tỉnh Cần Thơ đã tiến hành chuyển giao một
cá thể gấu ngựa đển Trạm Cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (của tổ chức Free the Bears). Đây cũng là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn, chính thức đưa Cần Thơ trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước không có gấu nuôi nhốt. Đây là cuộc chuyển giao gấu thứ ba diễn ra trong năm nay, nhờ những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức đối tác trong việc thúc đẩy chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Việc chuyển giao gấu lần này cũng đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và các đối tác: Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, Tổ chức Four Paws cũng như chính phủ Việt Nam nhằm khuyến khích mô hình địa phương không còn gấu nuôi nhốt theo đúng cam kết trong lộ trình được đưa ra vào năm 2017 nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng
TTXVN đưa tin: Để hướng đến xử lý
chất thải rắn trên địa bàn bằng công nghệ cao, ngày 29/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại thành phố Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày thành phố Đà Nẵng có khoảng 850-900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Tỷ lệ thu hồi, tái chế rác chỉ đạt khoảng từ 7-10%. Thực trạng này đặt ra cho thành phố Đà Nẵng nhiều thách thức về việc cung ứng hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải rắn.
Dự án Khu liên hợp
xử lý chất thải rắn tại thành phố Đà Nẵng được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), do Ngân hàng Phát triển châu Á là đơn vị tư vấn, chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu nhằm chọn ra nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn xử lý chất thải rắn cho thành phố. Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận, chia sẻ những khó khăn khi triển khai dự án và giới thiệu những giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Sắp diễn ra Ngày hội sống xanh
Vào ngày 3/6 sắp tới, tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP. HCM) sẽ diễn ra Ngày hội Sống xanh TP. HCM. Đây là hoạt động nhằm kêu gọi mọi người cùng giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon, xây dựng cuộc sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ ngày hội sẽ công bố kết quả cuộc thi Trải nghiệm
Sống xanh; Sáng tác các đoạn phim quảng bá về sống xanh; Trình diễn âm nhạc và tiểu phẩm tuyên truyền về sống xanh.
Ngoài ra, người dân còn có cơ hội tham gia diễn đàn chia sẻ, giao lưu cùng khách mời về lối sống
thân thiện môi trường. Ngày hội cũng là dịp để mọi người tiếp xúc với các sản phẩm xanh như thiết bị, đồ dùng, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững, vật liệu xây dựng… Kèm theo đó là nhiều hoạt động hấp dẫn khác như sân chơi thực hành sống xanh, triển lãm tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền…
THẾ GIỚI
Dự án thành phố không ô nhiễm trị giá 14 tỷ USD của Philippines
Dự án khu đô thị 14 tỉ USD của Philippines sẽ lớn hơn cả Manhattan ở Mỹ. Thành phố mới sẽ tận dụng máy bay không người lái, xe hơi không người lái, công nghệ để giảm lượng nước và năng lượng được sử dụng cho các tòa nhà, xây dựng các khu phức hợp thể thao khổng lồ với nhiều không gian xanh. Manila - thủ đô của Philippines nổi tiếng là ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong một cuộc khảo sát năm 2016 Manila còn bị xếp vào danh sách "nơi tồi tệ nhất trên thế giới để lái xe”. Mật độ ô tô đông đúc đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Manila đang lên kế hoạch xây dựng một thành phố mới, bền vững hơn mang tên New Clark. Thành phố này cách thủ đô Manila khoảng 120 km, sẽ được xây dựng trong 3 thập kỷ tới.
Theo kế hoạch phát triển, thành phố sẽ chiếm gần 100 km2 - một diện tích lớn hơn cả Manhattan (trung tâm kinh tế của New York, Mỹ) - và sẽ là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người. New Clark sẽ được chia thành năm quận, mỗi quận có một chức năng cụ thể: chính trị, kinh doanh, giáo dục, nông nghiệp và giải trí. Thiết kế chính xác của New Clark vẫn chưa được công bố, tuy nhiên các nhà phát triển cho hay kế hoạch đô thị sẽ ưu tiên môi trường bền vững và khả năng phục hồi khí hậu. Với độ cao tối thiểu 56 m so với mực nước biển, thành phố có thể sẽ không bị ngập lụt nhiều. Để giảm lượng khí thải carbon, hai phần ba của New Clark sẽ được dành riêng cho đất nông nghiệp, công viên và không gian xanh khác.
Ấn Độ đưa ra giải pháp mới nhằm giảm ô nhiễm cho New Delhi
TTXVN đưa tin: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 27/5 đã khánh thành hai tuyến đường cao tốc mới quanh thủ đô New Delhi nhằm giảm 30% lưu lượng xe cộ vào thành phố, qua đó giảm tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại đây. Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Modi nêu rõ ngoài giảm
ô nhiễm, các tuyến đường cao tốc mới sẽ đem lại lợi ích lớn cho người dân thủ đô bằng việc giảm tắc nghẽn giao thông. Tuyến đường cao tốc dài 135km Eastern Peripheral gồm 6 làn đã được xây dựng trong vòng 17 tháng, với chi phí khoảng 110 tỷ rupee (1,62 tỷ USD). Tuyến đường này sẽ tạo ra sự kết nối giao thông liền mạch và là đường cao tốc "xanh" đầu tiên, hoàn toàn sử dụng năng lượng Mặt trời, có hệ thống tưới cây dọc đường và có hệ thống thu nước mưa. Thủ tướng Modi cũng đã khánh thành một đoạn của tuyến đường cao tốc Delhi-Meerut dài 82km, tuyến đường đầu tiên của Ấn Độ có 14 làn đường.
Phát biểu với báo giới ngày 26/5, Bộ trưởng Giao thông và đường cao tốc Nitin Gadkari cho biết hơn 50.000 phương tiện giao thông vốn trước đây phải đi qua thủ đô để tới các địa điểm khác, nay sẽ không cần phải vào New Delhi nữa. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại Khu vực thủ đô quốc gia (NCR) Delhi, khiến nơi đây bị ô nhiễm nặng. Khu vực này có diện tích bằng 1/3 bang New York của Mỹ nhưng có dân số đông gấp 2,5 lần. Hoạt động đốt rơm rạ trái phép sau mùa vụ tại các nông trại quanh New Delhi, cộng với
khí thải của các phương tiện giao thông và bụi rác từ các công trình xây dựng đã góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm tại đây trở thành cuộc khủng hoảng thường niên. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố cho biết Ấn Độ có tới 14 thành phố nằm trong danh sách ô nhiễm nhất, là quốc gia "đứng đầu" thế giới về số thành phố bị đưa vào danh sách này, với Delhi nằm ở vị trí thứ 6.
EU đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần
Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/5 đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, đồng thời kêu gọi thu gom hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025. Theo đề xuất, các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa... phải được làm bằng các vật liệu cứng bền vững. Ngoài ra, các thành viên EU cũng phải giảm việc sử dụng các đồ chứa thực phẩm hoặc chứa đồ uống được làm từ nhựa, dùng các giải pháp thay thế khi bán hàng hoặc đảm bảo rằng người mua phải trả tiền khi sử dụng các vật này. Các nhà sản xuất cũng phải đóng một khoản phí quản lý rác thải và sẽ được khuyến khích dùng các giải pháp thay thế ít ô nhiễm hơn. Bên cạnh đó, họ cũng phải dán nhãn sản phẩm và thông tin tới người tiêu dùng về việc rác thải sẽ được xử lý như thế nào.
Theo kế hoạch trên, vào năm 2025, các nước thành viên phải thu gom 90% các chai lọ dùng một lần. Đề xuất này sẽ cần được 28 thành viên EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn trước khi có hiệu lực. EU đưa ra gói đề xuất trên trong nỗ lực chấm dứt tình trạng thải ra môi trường các sản phẩm bằng nhựa, vốn đang ngày càng gia tăng trong chuỗi dây chuyền thực phẩm. Tuy nhiên, đề xuất trên không nêu rõ giới hạn về thời gian. Thải đồ nhựa ra môi trường rõ ràng là vấn đề lớn và người dân châu Âu cần cùng nhau hành động để giải quyết vấn đề này. Các biện pháp trong gói đề xuất nói trên sẽ giúp giảm các loại đồ nhựa dùng một lần được bày bán trên các sạp hàng ở siêu thị. Các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ gói quy định trên tại thị trường EU gồm khoảng 500 triệu người, cũng như nhờ sự "bùng nổ" của thị trường sản phẩm bền vững trên toàn cầu.
SpaceX đưa hai vệ tinh giám sát mực nước Trái Đất lên vũ trụ
TTXVN đưa tin: Ngày 22/5, Tập đoàn công nghệ thảm hiểm không gian SpaceX đã phóng cặp vệ tinh có kích cỡ bằng những chiếc ôtô thể thao lên vũ trụ để đánh giá sự thay đổi của mực nước biển, tình trạng băng tan và hạn hán trên Trái Đất. Cặp vệ tinh do Mỹ và Đức phối hợp sản xuất đã được tên lửa Falcon 9 đưa lên quỹ đạo từ Căn cứ Không quân Vandenberg tại California vào lúc 2 giờ 47 sáng 23/5 (theo giờ Việt Nam). Với tổng giá trị 521 triệu USD, cặp vệ tinh được đặt tên là GRACE-FO đã được phóng thành công và đi vào quỹ đạo định sẵn cách Trái Đất 500km chỉ 10 phút sau đó. Đây là kết quả của dự án hợp tác giữ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất (GFZ) của Đức. Hai vệ tinh sẽ duy trì khoảng cách 220km khi bay cùng nhau quanh Trái Đất.
GRACE-FO sẽ giám sát mực nước bề mặt, nước đại dương, sông hồ và các tầng băng. Cặp vệ tinh được thiết kế để đo chính xác mực nước trên Trái Đất thay đổi theo thời gian và địa điểm từ đó giúp tại ra một bản đồ nước Trái Đất và cập nhật theo chu kỳ 30 ngày 1 lần. Đây là cặp vệ tinh đầu tiên trong số các vệ tinh kết nối thương mại thuộc sở hữu của công ty Iridium có trụ sở tại Virginia và do SpaceX phóng lên vũ trụ. Dự kiến, SpaceX sẽ tiếp tục phóng thêm 5 vệ tinh khác trong số 75 vệ tinh mà Iridium muốn đưa lên để thay mới hệ thống vệ tinh hiện có của công ty này bên ngoài Trái Đất.
Bụi bao trùm thành phố Trung Quốc cứng hơn sắt thép
Các nhà nghiên cứu về ô nhiễm đã kiểm tra chất lượng không khí ở thành phố Tây An và phát hiện tình trạng tồi tệ của lượng khói bụi bao trùm thành phố. Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), cư dân sống tại một trong những thành phố ô nhiễm nhất ở Trung Quốc đang phải hít thở cùng các hạt bụi còn cứng hơn cả sắt, thép. Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, kích thước của hạt bụi mới ảnh hưởng trực tiếp đến
sức khỏe người, chứ không phải là độ cứng. Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Jiaotong ở Tây An đã thu thập mẫu khói bụi xung quanh thành phố, ở phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây. Thành phố Tây An có khoảng 8,7 triệu người và là một trong những nơi có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất. Thành phố này năm ngoái đứng thứ 374 trong tổng số 387 thành phố được theo dõi chất lượng không khí.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu xem các hạt bụi này hình thành từ những thứ gì”, Liu Boyu, một nhà nghiên cứu nói. “Chúng tôi muốn nghiên cứu riêng về độ cứng của hạt bụi”. Họ phát hiện nhiều thành phần của bụi ở khắp nơi trong thành phố, bao gồm crom, sắt, nhôm và chì. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các hạt bụi có hình dạng khác nhau, có hạt tròn như quả bóng, có hạt lại có hình dạng khác. Nhưng điều khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ là độ cứng của các hạt bụi, theo ông Liu. Khoảng 70% số hạt bụi cứng đến mức có thể làm hao mòn các thiết bị công nghiệp làm từ hợp kim. “Các hạt bụi cứng đến mức sẽ gây ra hư hại cho các máy móc siêu chính xác”, ông Liu nói.