Điểm tin môi trường trong tuần
5/20/2018 6:27:00 AM
Thi vẽ vì môi trường tương lai; Phát động chiến dịch “Biển Việt Nam xanh”; Gần 3.000 tỷ đồng hỗ trợ Tây Bắc thích ứng với thiên tai; 6 nước châu Âu bị đưa ra Toà vì ô nhiễm không khí; Trung Quốc chuyển công nghiệp gây biến đổi khí hậu ra nước ngoài; Người Hàn Quốc sợ bụi hơn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.
VIỆT NAM
Thi vẽ vì môi trường tương lai
Chiều 18/5/2018, tại trụ sở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Hòa Bình – TP.Hà Nội và Tạp chí đã ký thỏa thuận hợp tác về việc tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Vì môi trường tương lai”. Cuộc thi “Vì môi trường tương lai” là cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và tuyên truyền sâu rộng tới các em thiếu nhi trên cả nước về việc cần thiết của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường… Đồng thời, cũng gióng lên một hồi chuông cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường và kêu gọi các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các em học sinh cùng quan tâm hơn nữa tới việc giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên môi trường.
Đối tượng tham gia dự thi là các em học sinh trên cả nước trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng (từ 5 đến 15 tuổi); các em học sinh đang học tập và sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi, Nhà văn hóa Thiếu nhi trên toàn quốc. Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Đặc biệt :20 triệu đồng; 6 giải Nhất: Mỗi giải 10 triệu đồng; 12 giải Nhì : Mỗi giải 5 triệu đồng; 18 giải Ba: Mỗi giải 2 triệu đồng; 90 giải khuyến khích: Mỗi giải 500 ngàn đồng. Ngoài ra BTC sẽ trao Giấy chứng nhận cho 20 tập thể có số lượng tranh dự thi chất lượng. Cuộc thi diễn ra từ 20-4 đến 20/10 - 2018. Đầu tháng 12/2018, BTC sẽ tổng kết trao giải thưởng và tổ chức triển lãm những bức tranh đoạt giải.
Phát động chiến dịch “Biển Việt Nam xanh”
Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5 và Ngày Môi trường thế giới 5/6, Bộ VHTT&DL phối hợp với TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức chiến dịch Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch mang tên “Biển Việt Nam xanh” với quy mô đồng loạt tại 5 tỉnh/thành ven biển miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng), từ ngày 18/5 đến 26/5. Chiến dịch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước và ngành về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường nói chung, môi trường du lịch nói riêng để phát triển du lịch bền vững; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân, đặc biệt là du khách tại các khu, điểm du lịch trong việc giữ gìn và xây dựng môi trường du lịch ngày càng văn minh, thân thiện, sạch đẹp.
Lễ phát động diễn ra vào 6h30 ngày 18/5 tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Sau Lễ phát động là chiến dịch ra quân dọn vệ sinh biển Cửa Lò, Nghệ An; các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, TP Đà Nặng cũng đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Chiến dịch thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên Việt Nam chung tay dọn sạch môi trường biển, đổi lấy nước sạch Uniaqua gửi cho các vùng miền nằm trong chương tình chống hạn hán và xâm ngập mặn. Với mong muốn tạo nên dấu ấn và sức lan tỏa, sau chiến dịch “Biển Việt Nam xanh”, tại các địa phương sẽ diễn ra các hoạt động hưởng ứng, chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Gần 3.000 tỷ đồng hỗ trợ Tây Bắc thích ứng với thiên tai
Bộ TN&MT cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có buổi làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh miền núi Tây Bắc gồm: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Điện Điên, Lai Châu, Sơn La về Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai. Với tổng vốn đầu tư 2.903 tỷ đồng (tương đương 129,4 triệu USD), Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai tại 6 tỉnh vùng núi phía Tây Bắc có mục tiêu chung là phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn qui mô nhỏ nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng giá trị nông nghiệp theo cách bền vững góp phần phát triển nông thôn toàn diện trong khu vực.
Dự án hướng tới việc đầu tư các cơ sở hạ tầng nông thôn bằng các biện pháp thích ứng cải thiện vận hành, duy tu theo hướng bền vững chống chịu với thời tiết, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ các tác động tiêu cực có thể xảy ra do thiên tai tại vùng nông thôn 6 tỉnh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án được thiết kế với 78 tiểu dự án thuộc các lĩnh vực: Thủy lợi, chỉnh trị sông ngòi, kè chống sạt lở, đường giao thông. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp cho khoảng 420.000 hộ dân hưởng lợi trực tiếp, có điều kiện tiếp cận dễ dàng với nơi cung cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và tiếp cận với thị trường, tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với khu vực miền núi; đặc biệt là tăng khả năng chống chịu và thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp với các tỉnh vùng dự án.
Mỹ giúp Việt Nam chống tội phạm động vật hoang dã
Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi động dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã ngày 11/5. Dự án do USAID tài trợ với nguồn vốn gần 10 triệu đôla, tập trung vào thực hiện ba mục tiêu gồm: Kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về các loài động, thực vật hoang dã; giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp từ động, thực vật hoang dã – theo VnExpress.
Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam tập trung vào tội phạm buôn bán các loài tê giác, voi, tê tê và tại khu vực là điểm nóng như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng hoặc hải cảng, sân bay. "Dự án không chỉ là cam kết giữa Chính phủ hai nước mà còn kết nối với nỗ lực của tổ chức trong và ngoài Việt Nam tham gia phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã. Để giải quyết được vấn đề toàn cầu này, chúng ta phải cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ", Đại sứ Kritenbrink phát biểu.
Loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật độc hại môi trường
Tiền Phong đưa tin: Ngày 15/5, tại hội nghị định hướng công tác bảo vệ thực vật (BVTV) trong tình hình mới, ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV cho biết, công tác quản lý thuốc BVTV đang được siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng. Qua rà soát, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTTN) cho biết đã vừa loại bỏ 1.024 loại thuốc BVTV độc hại, làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái khỏi danh mục. Cũng như phân bón, hiện số lượng thuốc BVTV trong danh mục còn mất cân đối. Trong 4.000 thuốc BVTV, chỉ 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hóa học. Đáng lưu ý, có tới 3.800/4.000 loại thuốc cho cây lúa, chỉ khoảng 200 loại thuốc cho các loại cây trồng khác.
Theo Bộ NN&PTNT, sắp tới sẽ tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Đến năm 2021, sẽ tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Đối với thuốc BVTV, sẽ rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng. Tiếp tục khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để phòng, chống sinh vật gây hại.
THẾ GIỚI
6 nước châu Âu bị đưa ra Toà vì ô nhiễm không khí
VOV đưa tin: Ngày 17/5, Uỷ ban châu Âu ra quyết định kiện 6 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ra Toà công lý của Liên minh châu Âu vì không tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Trong quyết định đưa ra sáng 17/5, tại Brussels, Uỷ ban châu Âu thông báo sẽ kiện ra Toà Công lý của Liên minh châu Âu 6 quốc gia thành viên là Pháp, Đức, Anh, Italy, Hungary và Romania vì các nước này đã nhiều năm không tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Trước đó, danh sách này gồm 9 nước nhưng vào phút chót 3 nước là Tây Ban Nha, CH Séc và Slovakia được tạm thời đưa ra khỏi danh sách trừng phạt nhưng vẫn tiếp tục bị theo dõi.
Các tiêu chuẩn về chất lượng không khí hiện tại được Liên minh châu Âu đưa ra từ năm 2008, trong đó quy định các quốc gia thành viên phải có các biện pháp nhằm giảm lượng N2O cũng như các phân tử khí bụi PM10 trong không khí. Báo cáo mới đưa ra đầu tháng này của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 công dân châu Âu mỗi năm. Tại châu Âu, tình trạng ô nhiễm không khí nặng nhất là ở Italy và Ba Lan. Các quốc gia Liên minh châu Âu bị phạt vì ô nhiễm không khí sẽ phải nộp phạt ít nhất 11 triệu euro, cộng thêm 240.000 euro mỗi ngày cho đến khi chất lượng không khí đạt tiêu chuẩn cho phép. Trong những năm gần đây, đã có hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bị phạt là Ba Lan và Bulgaria.
Hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Áo về chống biến đổi khí hậu
TTXVN đưa tin: R20 Austria World Summit - Hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Áo về vấn đề chống biến đổi khí hậu vừa diễn ra ngày 15/5, tại thủ đô Vienna, Áo. Hội nghị R20 Austria World Summit tập trung thảo luận ba vấn đề chính (chín phiên): hành động tài chính, những đóng góp cho phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu; các giải pháp năng lượng mới, xây dựng các thành phố tương lai, các mô hình cung cấp và tái tạo năng lượng mới; cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường, các biện pháp cải thiện chất lượng không khí.
R20 (Regions of Climate Action) là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, do cựu Thống đốc bang California, ngôi sao phim hành động Hollywood Arnold Schwarzenegger thành lập từ năm 2011. R20 đã phối hợp với các đối tác hàng đầu như Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng thế giới, Ngân hàng đầu tư châu Âu), các tổ chức phi chính phủ, các mạng lưới khu vực, các học viện... để tạo ra một nền tảng hỗ trợ các chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNFCCC) và các mục tiêu bảo vệ khí hậu toàn cầu đã được nêu trong thỏa thuận Paris.
Trung Quốc chuyển công nghiệp gây biến đổi khí hậu ra nước ngoài
Reuters dẫn nghiên cứu của Đại học East Anglia (Anh) cảnh báo làn sóng di chuyển các ngành công nghiệp gây biến đổi khí hậu tại Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước phát triển chậm hơn ở châu Á. Theo đó, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn như chế tạo, xử lý nguyên liệu thô được đưa sang các nước có chi phí thấp hơn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. “Hệ thống sản xuất của Trung Quốc đang bắt đầu chuyển đổi để trở nên có giá trị cao hơn. Giá lao động ở nước này đã tăng khá nhiều”, theo giáo sư Quan Đại Bác, tác giả nghiên cứu. Nghiên cứu cảnh báo rằng sự chuyển dịch về sản xuất và thương mại sẽ khiến chỉ tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu trong Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải nhà kính khó đạt được.
Các nước nhỏ hơn đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc góp phần chống biến đổi khí hậu nhưng nỗ lực này có thể trở nên không hiệu quả với cơ cấu chuyển dịch mới. Sự gia tăng khí thải CO ghi nhận từ hàng chế tạo xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại, trong khi lại gia tăng ở các nước như Bangladesh và Việt Nam. Song song đó, thương mại quốc tế toàn cầu tăng 50% trong giai đoạn 2005-2015, trong đó các nước đang phát triển tăng đến 60%. Nhiều công ty của Trung Quốc, chẳng hạn như trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, đang bắt đầu bành trướng ra toàn cầu với các nhà máy ở những nước đang phát triển.
Người Hàn Quốc sợ bụi hơn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên
Tờ The Korea Times ngày 16/5 dẫn khảo sát của Viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội Hàn Quốc cho thấy vấn đề người dân Hàn Quốc lo ngại nhất là ô nhiễm bụi chứ không phải mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Khảo sát với sự tham gia của 3,839 người đưa ra câu hỏi về các mối lo ngại của người dân khi sinh sống tại Hàn Quốc. Theo đó, họ lo ngại nhất là bụi mịn, những hạt bụi li ti chủ yếu sinh ra từ khí thải của ô tô, xe máy.
Khảo sát đề nghị người tham gia chấm điểm từ 1-5 cho các vấn đề họ lo ngại. Ô nhiễm không khí có số điểm trung bình là 3,46 chiếm vị trí thứ nhất. Tiếp theo là các vấn đề kinh tế phát triển chậm, sự già hóa dân số, ô nhiễm nước và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, mối lo ngại ít nhất bao gồm các vấn đề như lũ lụt, bão, động đất và sóng thần. Nhìn chung, các vấn đề về môi trường gây lo ngại hơn thiên tai. Theo các nhà nghiên cứu, khảo sát được thực hiện giữa bối cảnh nhiều người lo ngại về bụi mịn gây ô nhiễm không khí ở Hàn Quốc.
Cải tử hoàn sinh hổ Tasmania có thành công?
Nhờ vào phương pháp tái tạo gen từ những mẫu vật được lưu giữ trong bảo tàng, các nhà khoa học đang hy vọng sẽ “hồi sinh” cho hổ Tasmania – loài thú ăn có túi lớn nhất trong thời hiện đại đã bị tuyệt chủng cách đây hơn 80 năm trước. Hổ Tasmania hay chó sói Tasmania, chó sói túi có tên khoa học Thylacinus cynocephalus. Đây chính là loài thú ăn thịt có túi lớn nhất trong thời hiện đại. Trong quá khứ, loài động vật này được phát hiện đầu tiên ở Australia và Papua New Guinea. Thế nhưng, vào những năm 1930, nạn săn bắn quá mức của con người đã khiến loài thú có túi này bị tuyệt chủng.
Theo Tiền Phong, hiện tại, một số mẫu vật của hổ Tasmania chỉ còn được lưu giữ trong các lọ hóa chất và được bảo quản nghiêm ngặt trong một số bảo tàng ở Australia. Đáng chú ý, các mẫu vật này vẫn lưu giữ được nguyên vẹn DNA của chó sói Tasmania và đây chính là tiền đề để giới khoa học tiến hành các biện pháp nhân bản nhằm phục sinh chúng trong tương lai. Nhờ vào việc phân tích gen di truyền, các nhà khoa học đang tỏ ra rất tự tin trong việc “phục sinh” cho loài hổ Tasmania. Trước đó, vào tháng 12/2017, các nhà khoa học thuộc Đại học Melbourne (Australia) đã giải mã được toàn bộ gen của loài thú ăn thịt có túi này.
Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)
Lượt xem : 2227