Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

5/5/2018 8:18:00 AM

Triển lãm quốc tế về Công nghệ Môi trường và Năng lượng lần thứ 10; Nước thải ô nhiễm đang khiến 2.000 con sông chết dần; Quỹ 1 triệu cây xanh đã đến Đất Mũi; Ấn Độ là quốc gia có nhiều thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới; Báo động hạt nhựa siêu nhỏ trong bia; Nam Phi muốn kéo núi băng Nam Cực về lấy nước chống hạn; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 VIỆT NAM


Triển lãm quốc tế về Công nghệ Môi trường và Năng lượng lần thứ 10

Sáng 4/5, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường), Công ty Cổ phần Tổ chức Sự kiện và Hội chợ Toàn Cầu và Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Busan - Hàn Quốc đồng tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ TN&MT đã tổ chức buổi họp báo Triển lãm quốc tế về Công nghệ Môi trường và Năng lượng lần thứ 10. Với chủ đề “Công nghệ và sản phẩm xanh – Hành động cho tương lai”, EMTECH VIETNAM 2018 sẽ là cơ tốt nhất cho các daonh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nước có công nghệ môi trường và năng lượng tiên tiến có thể tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam nói riêng và tại khu vực Asean nói chung.


Triển lãm cũng là nơi để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các công nghệ và đối tác đến từ nước ngoài nhằm năng cao khả năng, trình độ chuyên môn cho các dự án năng lượng và môi trường trong nước. Tham gia EMTECH VIETNAM 2018 có 120 doanh nghiệp và 160 gian hàng , mamg đến Triển lãm hàng trăm sản phẩm, trong đó lĩnh vực công nghệ xử lý môi trường: các hệ thống xử lý nước thải, chất thải, thiết bị xử lý môi trường cho các nhà máy giấy; các công nghệ xử lý chất thải, nước thải cho ngành công nghiệp mỏ, dầu thải, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý và sau xử lý,.. Trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo có các sản phẩm: hệ thống điện mặt trời hòa lưới, hệ thống bơm nước sử dụng năng lượng mặt trời, các loại đèn LED hiệu suất cao,…

Nước thải ô nhiễm đang khiến 2.000 con sông chết dần

Theo Dân Việt, nước ta có khoảng hơn 2.000 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, mang lại lợi thế rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Nhưng, chính các hoạt động phát triển KTXH lại đang gây ra tác động tiêu cực. Nhiều con sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng nước trên các con sông đang bị ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân chính là do nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải ra từ các làng nghề, nhất là các đoạn sông chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.

Tại nước ta, Chính phủ đã có quyết định thành lập 3 ủy ban lưu vực sông lớn gồm Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Theo đó, ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực các sông đã xây dựng được cơ chế phối hợp, đổi mới pháp chế, thiết kế lại các công cụ kinh tế trong chính sách nước, thiết kế lại các tổ chức kinh tế. Đây là những việc làm cần thiết nhằm bảo vệ môi trường các dòng sông.

Cộng đồng mẹ bỉm sữa kêu gọi cứu loài tê tê khỏi nguy cơ tuyệt chủng

Sau gần một tháng phát động với 220 bài dự thi hợp lệ từ cộng đồng mẹ bỉm sữa và bé, ban tổ chức cuộc thi “Mẹ và bé chung tay cứu tê tê” đã vừa tiến hành trao giải thưởng cho 26 mẹ và bé xuất sắc nhất thuộc hai hạng mục là “Bài viết ấn tượng” và “Bài viết lan tỏa”. Hiện nay tê tê đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, do nhu cầu thị trường của vảy và thịt tê tê đã thúc đẩy sự săn bắt của loài này, gần trăm ngàn cá thể mỗi năm bị giết chết. Theo tổ chức IUCN, tê tê là loài động vật hoang dã có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới. Săn bắt và buôn bán tê tê là bất hợp pháp và đã được qui định trong Bộ luật hình sự 2015 tại Việt Nam.

Cuộc thi “Mẹ và bé chung tay cứu tê tê” do CHANGE và WildAid phối hợp thực hiện diễn ra từ 15/03/2018 - 06/04/2018 nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ tê tê của cộng đồng mẹ bỉm sữa Việt Nam với cam kết không sử dụng vảy tê tê trong điều trị tắc tia sữa/ kích sữa, quyết tâm cùng với thế giới bảo vệ loài động vật hiền lành, đáng thương này. Qua đó truyền kinh nghiệm về sữa mẹ, về cách cho con bú và nuôi con đến nhiều bà mẹ khác cho một thế hệ trẻ thơ khỏe mạnh, thông minh.

Quỹ 1 triệu cây xanh đã đến Đất Mũi

Theo thông tin trên Báo Đại Đoàn Kết, sáng 2/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT;, Bộ LĐTB-XH, UBND tỉnh Cà Mau tham dự lễ trồng cây tại Đất Mũi (Cà Mau). Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam do Vinamilk phối hợp với Bộ TNMT. Lễ trồng cây được tổ chức tại Mốc tọa Quốc gia GPS 0001 - cột mốc số 0, điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc Việt Nam thuộc ấp xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Quỹ 1 triệu cây xanh đã trồng gần 100.000 cây các loại như đước, phi lao, xà cừ… có giá trị khoảng 900 triệu đồng tại các khu vực như: Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, khu vực bờ biển xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) và xã Tân Hưng (huyện Cái Nước) của tỉnh Cà Mau, với mục đích tạo môi trường cảnh quan, góp phần chống xói lở bờ biển, chống xâm nhập mặn và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương.    

Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam là một hoạt động vì cộng đồng do Vinamilk phối hợp với Bộ TNMT tổ chức từ năm 2012, với mục đích trồng thêm nhiều cây xanh cho các địa phương trên khắp cả nước, cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam. Đây là năm thứ 6 của hành trình đem màu xanh phủ dọc chiều dài đất nước, Vinamilk và Quỹ 1 triệu cây xanh Việt Nam sẽ đưa tổng số cây đã trồng tại Việt Nam lên gần 580.000 cây xanh các loại có giá trị gần 8 tỷ đồng, và đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu 1 triệu cây xanh cho Việt Nam. Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục phối hợp với ban điều hành Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam và nhà tài trợ Vinamilk để thực hiện các công việc tiếp theo nhằm đạt mục tiêu của chương trình đề ra.

TP.HCM: Biến bãi rác ô nhiễm thành vườn cây công nghệ cao

TTXVN cho biết từ một bãi chôn lấp rác, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, đã được cải tạo trở thành một khuôn viên cây xanh cùng nhiều cây ăn trái công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế. Lối vào Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh mang một màu xanh mát với các bãi cỏ, dừa cảnh, cùng nhiều loại cây lấy lá... Phân bố khắp khu vực là vườn ổi giống Đồng Nai, Tiền Giang, với hơn 1.000 gốc, vườn mai giống Thủ Đức với hơn 2.000 cây, các loại lan cắt cành và lan chậu, các vườn cây cắt lá cung cấp cho các cửa hàng hoa với nhiều loại khác nhau. Được chú trọng đầu tư công nghệ cao là sáu nhà màng trồng dưa lưới và dưa lê giống Nhật Bản với diện tích lên đến 12.000m2. Trong mỗi nhà màng đều có quạt đối lưu, điều hòa nhiệt độ. Các nhà màng trồng dưa theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.

Theo đó, việc tưới nước và bón phân đều thực hiện tự động theo quy trình đã cài đặt sẵn, chỉ tốn nhân công cắt tỉa lá, tỉa quả để mỗi cây một quả và treo theo dây lên cao để quả phát triển đều về kích thước. Nhà màng giúp cho cây trồng tránh được mưa, gió, các loại côn trùng và tán xạ ánh sáng. Mỗi vụ dưa lưới trồng trong 60-75 ngày, trọng lượng mỗi quả 1,6-1,8kg. Dưa trồng theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, siêu thị nên có đầu ra và giá cả ổn định. Hiệu quả của vườn cây trong khu vực mang lại là cải tạo môi trường, giúp Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh không mùi, không bụi, tạo cảnh quan và mang lại nguồn lợi kinh tế. Giá trị kinh tế vườn cây mang lại mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, chủ yếu để trả tiền đầu tư chăm sóc cây và chi phí nhân công. Theo ông Đoàn Khắc Hùng, diện tích Công trường xử lý và tái chế chất thải Đông Thạnh khoảng 44ha và gần như được phủ xanh hoàn toàn.

THẾ GIỚI

Ấn Độ là quốc gia có nhiều thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 2/5 cho thấy 2 thành phố New Delhi và Varanasi nằm trong số 14 thành phố của Ấn Độ có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới xét về lượng hạt bụi PM2.5 trong năm 2016. Những thành phố này nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới do WHO xếp loại. Những thành phố còn lại của Ấn Độ có mật độ hạt bụi PM2.5 rất cao có thể kể đến là Kanpur, Faridabad, Gaya, Patna, Agra, Muzaffarpur, Srinagar, Gurgaon, Jaipur, Patiala và Jodhpur. Cũng theo báo cáo này, kể từ năm 2016, hơn 1.000 thành phố đã được bổ sung vào danh sách những quốc gia đang đánh giá và thực hiện các biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm không khí của WHO.

Số liệu của WHO còn cho biết cứ 10 người trên thế giới thì 9 người phải hít thở không khí có chứa các hạt bụi ô nhiễm. WHO cũng kêu gọi các nước thành viên ở khu vực Nam Á tích cực xử lý vấn đề ô nhiễm không khí ngoài trời, cho rằng khu vực này, trong đó có Ấn Độ, chiếm tới 34% hay tương đương với 2,4 triệu trong số 7 triệu người chết yểu trên toàn cầu mỗi năm do tình trạng trên và do ô nhiễm trong các hộ gia đình. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, nước này đã triển khai một chương trình hỗ trợ 37 triệu phụ nữ nghèo tiếp cận miễn phí nguồn khí đốt hóa lỏng, qua đó giúp họ chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch cho gia đình của mình. Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 80 triệu hộ gia đình được tiếp cận nguồn nhiên liệu này.

Trung Quốc cấm các dự án gây ô nhiễm không khí ở 3 thành phố

TTXVN đưa tin sau khi không đạt được các mục tiêu về chất lượng không khí trong mùa Đông vừa qua, ngày 3/5, Trung Quốc đã yêu cầu ba thành phố Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc, Tấn Thành và Dương Tuyền ở tỉnh Sơn Tây nước này ngừng cấp phép cho những dự án mới có thể làm tăng mức độ ô nhiễm không khí. Các thành phố này không đạt được mục tiêu giảm mật độ các hạt bụi mịn gây ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp như PM2.5 trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng Ba vừa qua. Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã yêu cầu ba thành phố đưa ra một kế hoạch chi tiết nhằm điều chỉnh tình hình và nộp lên bộ này trong vòng 20 ngày.

Trung Quốc bắt đầu chiến dịch giảm ô nhiễm không khí từ tháng 10/2017 với mục tiêu giảm trung bình từ 10-25% mật độ hạt PM2.5 ở 28 thành phố miền Bắc. Hạt bụi PM2.5 chứa các chất gây ô nhiễm như sulfate, nitrate và carbon đen, là mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe con người. Theo báo cáo của WHO, ô nhiễm không khí là một trong những nhân tố có nguy cơ rất cao dẫn tới các bệnh không truyền nhiễm (NCD). Cũng theo báo cáo này, kể từ năm 2016, hơn 1.000 thành phố đã được bổ sung vào danh sách những quốc gia đang đánh giá và thực hiện các biện pháp để giảm mức độ ô nhiễm không khí của WHO. Số liệu của WHO còn cho biết cứ 10 người trên thế giới có chín người phải hít thở không khí có chứa các hạt bụi ô nhiễm.

Báo động hạt nhựa siêu nhỏ trong bia

Theo Thanh Niên, kết quả nghiên cứu vừa được công bố ở Mỹ cho thấy mỗi lít bia sản xuất tại nước này chứa ít nhất 4 phân tử nhân tạo, đa phần là hạt siêu nhỏ (microplastic). Đây là loại hạt có đường kính dưới 5 mm, được chia nhỏ từ các mảnh rác nhựa lớn hơn và phải mất nhiều trăm năm đến vài ngàn năm mới phân hủy hết trong môi trường tự nhiên. Báo cáo đăng tải trên chuyên san Public Library of Science phát hiện hàm lượng phân tử hạt nhân tạo trong các mẫu bia thí nghiệm được xác định là 4,05 hạt/lít. Các nhà nghiên cứu ước tính chỉ cần một lon bia mỗi ngày cũng đã đủ cho người tiêu dùng nạp đến 520 hạt mỗi năm.

Để rút ra kết luận trên, đội ngũ gồm 3 chuyên gia đã phân tích 12 nhãn hiệu bia khác nhau từ tháng 1 - 4.2017. Toàn bộ mẫu thử đều chứa nước từ Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ, gồm hồ Thượng, hồ Michigan, hồ Huron, hồ Erie và hồ Ontario. Trong khi đó, với kích thước dưới 5 mm, hạt nhựa siêu nhỏ dễ dàng xâm nhập các hệ thống lọc nước và cuối cùng xuôi theo dòng đến vùng Ngũ Đại Hồ cũng như biển cả, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự sống trong các hệ thống sông ngòi, đại dương và cả con người. Một báo cáo khác phát hiện hạt nhựa siêu nhỏ có mặt trong 93% số nước đóng chai trên khắp thế giới, có nghĩa là tình trạng ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề tại các đại dương.

Australia đầu tư 400 triệu USD bảo tồn rạn san hô lớn nhất thế giới

Là địa điểm thu hút hàng triệu du khách, song Great Barrier - rạn san hô lớn nhất thế giới ở Australia đang bị hủy hoại trên diện rộng do bị tẩy trắng - hệ lụy từ tình trạng nước biển ấm lên bởi tác động của biến đổi khí hậu. Trước thực trạng này, Australia cam kết đầu tư 500 triệu AUD (tương ứng 400 triệu USD) cho các dự án cải tạo và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới này. Trong thông báo ngày 29/4, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết khoản tiền nói trên sẽ được chi cho các dự án cải thiện chất lượng nước, diệt trừ các loài sinh vật có hại đối với san hô và mở rộng các nỗ lực cải tạo và bảo tồn biển – theo TTXVN.

Nhà lãnh đạo Australia khẳng định đây là khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất của Australia trong công tác bảo tồn Great Barrier, gìn giữ sự sống của rạn san hô này, đồng thời bảo vệ 64.000 việc làm phụ thuộc vào di sản thiên nhiên Great Barrier cũng như chi cho các hoạt động khác. Mỗi năm, Great Barrier đóng góp 6,4 tỷ AUD cho nền kinh tế Australia. Trước đó, Canberra từng cam kết đầu tư 2 tỷ AUD cho hoạt động bảo tồn điểm đến được du khách yêu thích này trong thập niên tới, tuy nhiên, Chính phủ Australia đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ khi ủng hộ dự án xây nhà máy điện than lớn gần khu vực thiên nhiên này.

Nam Phi muốn kéo núi băng Nam Cực về lấy nước chống hạn

Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn lời chuyên gia cứu hộ hàng hải Nam Phi Nick Sloan, người đầu tiên đề xuất ý tưởng này, cho biết hiện các nhà khoa học hàng đầu tại Nam Phi và thế giới đang rất hứng khởi và sẽ tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề bàn về việc hiện thực hóa ý tưởng trên vào giữa tháng Năm này. Các núi băng hiện đang trôi nổi ở gần đảo Gough, cách thành phố Cape Town khoảng 2.700km về phía Tây Nam, là phù hợp nhất cho mục đích lấy nước ngọt. Theo ý tưởng trên, các tảng băng sẽ được tàu kéo về và neo tại vịnh Saldanha gần Cape Town và sau đó sẽ được cào ra để lấy nước và đưa về đất liền tương tự như phương pháp vận chuyển dầu thô từ các trạm khoan dầu ngoài khơi. Giá thành nước ngọt khai thác từ núi băng sẽ ở mức dưới 30 Rand (2,5 USD)/khối, rẻ hơn so với nước ngọt sản xuất bằng phương pháp khử muối trong nước biển hiện đang được thử nghiệm từ đầu tháng Ba tại thành phố Cape Town.

Mặc dù đầu tháng Tư vừa qua, chính quyền thành phố Cape Town công bố đã lùi mốc “Ngày Không nước” được dự báo trước đó rơi vào tháng 8/2018 sang năm 2019 sau khi mực nước tại các hồ chứa đã hồi phục, song thành phố vốn được coi là biểu tượng về du lịch của thế giới này vẫn đang phải chật vật tìm một nguồn cung cấp nước ổn định lâu dài. Trước đó, tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua đã làm giảm mạnh sức hấp dẫn của Cape Town đối với du khách quốc tế cũng như làm khô kiệt các cánh đồng trồng nho tại tỉnh Western Cape, nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng của Nam Phi.

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1738